1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Xử vụ "chuyến bay giải cứu":

Viện Kiểm sát kiến nghị điều tra trách nhiệm Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo VKS, trong vụ án chuyến bay giải cứu, Thứ trưởng Bộ Y tế là người ký công văn chấp thuận với Bộ Ngoại giao duyệt cấp phép các chuyến bay, do đó đề nghị điều tra trách nhiệm trong giai đoạn hai.

Nhóm bị cáo nhận hối lộ có dấu hiệu thông cung

Ngày 17/7, đại diện Viện kiểm sát (VKS) công bố bản luận tội, đề nghị mức án đối với 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" xảy ra tại Bộ Ngoại giao và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cũng kiến nghị điều tra, xem xét trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tại giai đoạn 2 của vụ án.

Theo Viện kiểm sát, trong vụ án "chuyến bay giải cứu", Thứ trưởng Tuyên là người ký công văn chấp thuận với Bộ Ngoại giao duyệt cấp phép các chuyến bay.

Đại diện VKS cũng đánh giá vụ án "chuyến bay giải cứu" là đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, hành vi phạm tội của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội.

Các bị cáo đã lợi dụng hoàn cảnh dịch Covid-19 bùng phát để phạm tội, xảy ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương khác nhau.

Các bị cáo trong nhóm nhận hối lộ là những người có chức vụ, quyền hạn cao trong cơ quan nhà nước, sau khi thực hiện hành vi phạm tội có dấu hiệu của việc thông đồng khai báo nhằm che giấu việc làm sai trái của mình.

Thậm chí có bị cáo còn nhờ tác động, giúp đỡ của một số cá nhân để bản thân không bị xử lý hình sự. Đến nay một số bị cáo đã thành khẩn khai báo các hành vi phạm tội của bản thân.

Viện Kiểm sát kiến nghị điều tra trách nhiệm Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên - 1

Bị cáo Phạm Trung Kiên là người duy nhất bị Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình (Ảnh: Nguyễn Hải).

Đối với các bị cáo trong nhóm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thời điểm cuối năm 2020, đầu 2021 tình hình dịch Covid-19 tại Malaysia diễn biến hết sức phức tạp, chính phủ nước này công bố đóng cửa biên giới khiến du học sinh và những công dân Việt Nam mãn hạn tù gặp nhiều khó khăn, tạo ra sức ép lớn đối với chính quyền địa phương.

Chính quyền sở tại nhiều lần gửi công văn đến Đại sứ quán Việt Nam, yêu cầu Chính phủ đưa công dân về nước; tình hình giả danh môi giới để đưa người về nước diễn biến hết sức phức tạp. 

Chính vì thế, một số cán bộ Đại sứ quán đã bảo hộ cho công dân về nước trên các chuyến bay giải cứu bằng kinh phí tự túc. 

Mặc dù các bị cáo đã bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng cũng cần đánh giá, xem xét hoàn cảnh tội để giảm nhẹ một phần hình phạt.

Đối với nhóm tội danh Đưa hối lộ, thời điểm dịch Covid-19 các doanh nghiệp mong muốn đưa người nước ngoài về nước, tìm kiếm việc làm trong thời điểm khó khăn, nhưng trước sự nhũng nhiễu, cơ chế xin - cho của một số cá nhân trong các cơ quan nhà nước để được cấp phép đã khiến nhóm người này có hành vi đưa hối lộ. 

Do đó Viện kiểm sát đề nghị HĐXX cần cân nhắc, đánh giá đúng nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo để có mức xử lý phù hợp đối với các bị cáo trong nhóm tội Đưa hối lộ.

Viện Kiểm sát kiến nghị điều tra trách nhiệm Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên - 2

Đại diện Viện kiểm sát công bố bản luận tội (Ảnh: Danh Nam)

Liên lạc 435 lần qua Viber và sim không chính chủ

Trong phần luận tội, đại diện viện kiểm sát đề cập tới việc chạy án hơn 61 tỷ đồng.

4 bị cáo có liên quan đến việc chạy án là Nguyễn Anh Tuấn, cựu Thiếu tướng, cựu Phó giám đốc Công an TP Hà Nội; Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, cựu điều tra viên chính thụ lý vụ án "chuyến bay giải cứu"; Lê Hồng Sơn, cựu Tổng giám đốc Công ty Bluesky; Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky.

Đại diện Viện kiểm sát nêu rõ, để trốn tránh bị xử lý hình sự trong vụ án "chuyến bay giải cứu", Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn đã nhờ Nguyễn Anh Tuấn tìm người giúp đỡ. 

Tuấn sau đó kết nối để các bị cáo Hằng và Hưng nhiều lần gặp nhau tại nhà riêng của ông Tuấn.

Tin tưởng Hưng có thể lo lót cho mình không bị xử lý hình sự, các bị cáo Hằng và Sơn đã nhiều lần đưa tiền cho ông Tuấn, với tổng cộng 2,65 triệu USD (tương ứng hơn 61 tỉ đồng), để ông Tuấn đưa cho bị cáo Hưng.

Quá trình điều tra và xét xử, 3 bị cáo Hằng, Sơn và Tuấn thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Các lời khai này phù hợp với nhau về thời gian, địa điểm, lý do bị cáo Hằng và Hưng gặp nhau.

Riêng bị cáo Hưng không thừa nhận cáo buộc, nhiều lần kêu oan. 

Dù ông Hưng không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ kết quả điều tra, thực nghiệm, lời khai của những người liên quan và quá trình thẩm vấn, đại diện viện kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ cho thấy Hưng đã nhận 800.000 USD của bị cáo Hằng thông qua bị cáo Tuấn rồi chiếm đoạt số tiền này.

Kiểm sát viên phân tích, từ năm 2019 đến tháng 1/2022, giữa Hưng và Nguyễn Thanh Tuấn chỉ phát sinh 5 cuộc gọi.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1 đến 31/12/2022, là giai đoạn điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu", hai người này đã liên lạc với nhau 435 lần, chủ yếu qua Viber và sim không chính chủ.

Tương tự, giữa bị cáo Tuấn và Hằng cũng có gần 80 cuộc gọi thông qua Viber và sim rác.