DMagazine

Bước ngoặt không tưởng của người đàn ông hơn 2.000 ngày "ăn cơm tù"

(Dân trí) - Rời khỏi cổng trại giam, Phan Anh Hùng đón nhận không ít ánh mắt kỳ thị của người đời. Ít ai nghĩ rằng, một người với "thâm niên" hơn 2.000 ngày "ăn cơm tù" có thể đứng lên được.

Rời khỏi cổng trại giam, Phan Anh Hùng đón nhận không ít ánh mắt kỳ thị của người đời. Ít ai nghĩ rằng, một người với "thâm niên" hơn 2.000 ngày "ăn cơm tù" có thể đứng lên được.

Bước ngoặt không tưởng của người đàn ông hơn 2.000 ngày ăn cơm tù - 1

Cuộc trò chuyện giữa tôi và anh Phan Anh Hùng (SN 1980, thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) liên tục bị gián đoạn bởi anh phải trả lời những cuộc điện thoại giao dịch làm ăn với khách hàng. Người đàn ông đứng trước mặt tôi từng có thanh xuân là những vết trượt dài trong tù tội nhưng hiện anh là người thành đạt với nhiều mô hình phát triển kinh tế sau khi bước ra từ "bóng tối".

Anh Hùng sinh ra trong gia đình 3 chị em, bố mẹ làm công nhân viên chức. Sau khi tốt nghiệp THPT, gia đình hướng cho anh đi học trung cấp kế toán theo nghề của bố mẹ. Năm 2000, Phan Anh Hùng bỏ dở việc học hành về quê lấy vợ và chọn nghề xây dựng để mưu sinh. 20 tuổi, không bằng cấp, không kinh nghiệm, công việc dở dang, áp lực kinh tế khiến Hùng bắt đầu sa vào con đường cờ bạc, nghiện hút.

Bước ngoặt không tưởng của người đàn ông hơn 2.000 ngày ăn cơm tù - 3


Không muốn con trai lâm vào tội lỗi, bố mẹ đã đưa Hùng đi cai nghiện, tránh xa "cái chết trắng" nhưng nhiều lần vẫn không thành công. Năm 2004, anh được gia đình vay mượn để đi xuất khẩu lao động sang Hungary.

"Thời gian đầu tôi đi tìm mối mua hút nhưng sau đó lấn sâu hơn là đi bán ma túy. 8 tháng lao động xuất khẩu không có tiền gửi về nhà, những đồng tiền kiếm được chỉ phục vụ cho việc hút hít rồi bị công an bắt giam tù hơn 2 năm", anh Hùng nhớ lại. 

Nơi đất khách quê người, không bạn bè, người thân, Hùng bước vào bóng tối ngục tù lần đầu nên chưa hiểu hết cảnh "một ngày tù như nghìn thu ở ngoài". Những ngày đối mặt với chính mình trong 4 bức tường lạnh lẽo, Hùng bắt đầu nghĩ về năm tháng tự do ở ngoài. 

Năm 2007, Hùng bị trục xuất về sân bay Nội Bài (Hà Nội). Vay mượn để con trai xuất khẩu lao động không những không thay đổi được gì mà bố mẹ Hùng còn phải gánh thêm khoản nợ 10.000 USD.

Bước ngoặt không tưởng của người đàn ông hơn 2.000 ngày ăn cơm tù - 5

Khi bước xuống sân bay, Hùng mới biết là mình đã ở Việt Nam, trên vai chỉ một chiếc ba lô với bộ đồ cũ nát. Bụng đói cồn cào, tiền không một đồng dính túi. Sau một ngày lang thang ở Hà Nội, anh xin xe về thành phố Vinh nơi bố mẹ đang công tác để bám víu.

"Còn người là còn của", tôi không trách đứa con hư hỏng của mình. Cả gia đình luôn động viên Hùng làm lại. Khi đó nó im lặng như nhận ra sai lầm của mình", bà Đào Thị Tời - mẹ anh Hùng nhớ lại.

Nhưng rồi, những lời khuyên nhủ của gia đình, người thân Hùng đều bỏ ngoài tai mà chỉ biết nghĩ làm sao có tiền để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Trở về nước sau chuyến "xuất ngoại", Hùng tiếp tục được đưa đi cai nghiện tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Năm 2009, khi đang cai nghiện thì Hùng nhận được lá đơn ly hôn đơn phương của người vợ. Cầm lá đơn trên tay, Hùng biết với mình đã mất tất cả, nhưng việc giải thoát cho vợ có lẽ là điều tốt đẹp cuối cùng anh làm được cho người phụ nữ mình yêu sau 9 năm chung sống.

Bước ngoặt không tưởng của người đàn ông hơn 2.000 ngày ăn cơm tù - 7

Ra khỏi trại cai nghiện, Hùng quen biết rồi đem lòng yêu một người con gái ở Hà Tĩnh. Tưởng rằng, cuộc hôn nhân thứ hai sẽ giúp anh làm lại cuộc đời, nhưng rồi gánh nặng cơm áo, gạo tiền đè lên đôi vai của kẻ không công việc, nghề nghiệp. Năm 2013, Hùng tiếp tục dính vào cờ bạc, tổ chức đánh bạc, bị kết án 37 tháng tù giam và thi hành án tại trại giam số 3, Bộ Công an, đóng tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Đây cũng đã lần thứ 3 phải "ăn cơm tù", Hùng nhận ra rằng "con chim bay mãi cũng mỏi cánh", chỉ có hoàn lương mới làm lại được cuộc đời.

Khác với những lần trước, hơn 3 năm trong trại giam, Hùng đã nhận ra rất nhiều điều. Trong bóng tối lao ngục, anh luôn nhận được ân tình của mọi người, của cán bộ quản giáo, Ban giám thị trại giam. Hùng nghĩ, cuộc đời này không có con đường cùng, mỗi lần nhìn ra ngoài qua song sắt thì hi vọng lại được nhen nhóm. Lần này, Hùng ngoan ngoãn, không quậy phá để "chứng tỏ" sự tồn tại của mình như trước đây. Đó là điều Hùng có thể làm để trả ân tình của những cán bộ quản giáo.

Bước ngoặt không tưởng của người đàn ông hơn 2.000 ngày ăn cơm tù - 9

Tháng 12/2017, sau 37 tháng cải tạo, Hùng mãn hạn tù. Cảm giác ngày ra trại lần này khác hẳn, anh ngẩng mặt lên trời, những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt gầy gò. Hùng ngẫm lại, tuổi thanh xuân của mình ở trong trại giam ngót nghét hơn 2.000 ngày. Dừng lại để chuộc lỗi lầm thì mới tự cứu được mình và Hùng quyết tâm làm lại cuộc đời từ đây.

"Trong quá trình cải tạo, Hùng luôn chấp hành tốt mọi quy định của pháp luật và thường xuyên giúp đỡ mọi người trong những ngày tháng khó khăn. Bây giờ, Hùng đã vượt qua dư luận, vượt qua mọi rào cản để sống tốt bằng chính mồ hôi, nước mắt của mình. Tôi hi vọng, những người không may lầm lỗi, khi nhìn về thành quả của Hùng hôm nay sẽ có đủ niềm tin để hoàn lương", một cán bộ trại giam số 3 nhận xét.

Bước ngoặt không tưởng của người đàn ông hơn 2.000 ngày ăn cơm tù - 12

"Con sai rồi, con sẽ làm lại", đó lời nói từ tận đáy lòng mà tôi muốn hứa với bố mẹ trước khi làm lại cuộc đời", anh Hùng nhớ lại. Năm 2018, sau nhiều năm cải tạo trại giam, Hùng bước ra đời không biết làm gì kiếm tiền để nuôi bản thân và gia đình. Với quyết tâm cắt đứt quá khứ lỗi lầm, không quản ngại khó khăn, từ việc rửa xe, phụ hồ…, anh Hùng làm tất cả, miễn sao có thể kiếm những đồng tiền từ mồ hôi, công sức của chính mình.

Sau gần một năm làm thuê, anh Hùng mạnh dạn vay mượn bạn bè, gia đình mở quán bi-a. Khách hàng tìm đến với quán ngày một đông hơn, anh bắt đầu có thu nhập và đây là "quả ngọt" đầu tiên từ khi anh bước chân ra khỏi trại giam. 

Từ vốn liếng gom góp của quán bi-a, anh Hùng tiếp tục mở rộng các mô hình kinh tế. Công việc thuận lợi giúp anh thêm thu nhập, trả số tiền nợ nần trước đây.

Hiện tại, anh đã là chủ của nhiều loại hình dịch vụ như: Karaoke, sửa ô tô, bi-a…, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 20 lao động địa phương.

"Những ngày ở trại giam tôi đã đúc rút ra được nhiều bài học. Bây giờ tôi mới hiểu "thép đã tôi thế đấy" và cái quan trọng là không được phép gục ngã dù ở trong hoàn cảnh nào. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến các cán bộ trại giam, gia đình, bạn bè đã luôn động viên để tôi có được ngày hôm nay", anh Hùng xúc động nói.

Bước ngoặt không tưởng của người đàn ông hơn 2.000 ngày ăn cơm tù - 13
Bước ngoặt không tưởng của người đàn ông hơn 2.000 ngày ăn cơm tù - 15

Khi đã có của ăn, của để, anh Hùng khởi xướng nấu cháo miễn phí cho người nghèo tại bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành. Những bát cháo nghĩa tình vào thứ 3 hàng tuần phần nào giúp những bệnh nhân và người dân bớt đi phần khó khăn. Cứ như thế, sau nhiều năm tổ chức nấu cháo miễn phí trong bệnh viện, chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn càng thôi thúc anh làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ người nghèo.

Khi được hỏi về cơ duyên làm từ thiện của mình, anh Hùng cười tươi, cuộc sống chỉ có tình thương mới giúp con người gần gũi nhau hơn. Anh kể: "Trong một lần đưa vợ đi viện, tôi chứng kiến nhiều người mỗi bữa ăn chỉ mua 3.000-5.000 đồng tiền cơm. Khi đó, tôi gặp ai cũng hỗ trợ họ những suất cơm nhưng cách làm đó không ổn và chỉ giúp được ít người. Hơn nữa, thời gian trong tù tôi cảm nhận được sự khó khăn mà mình đối diện. Cũng từ những mẩu bánh mì, gói mì tôm mỗi lần bạn bè ghé thăm hay những bát cháo của các cán bộ quản giáo làm tôi quý trọng tình nhân ái hơn".

Bước ngoặt không tưởng của người đàn ông hơn 2.000 ngày ăn cơm tù - 17

Tháng 8/2021, khi tình hình dịch Covid-19 trở nên căng thẳng, anh đã không ngại vất vả cùng nhiều mạnh thường quân lập bếp nấu cơm miễn phí cho những người cách ly ở xa quê về. "Thực sự họ bất khả kháng, nhiều cặp vợ chồng bồng những đứa con bé bỏng để về quê, họ đang đối diện với biết bao khó khăn, gian khổ. Nhìn những hình ảnh ấy khiến tôi xúc động. Sau đó, tôi kêu gọi được trên 1 tỷ đồng nấu hơn 30.000 suất cơm miễn phí để phục vụ trên 30 khu cách ly", anh Hùng nhớ lại.

Không những tổ chức nấu cơm miễn phí, anh Hùng còn xung phong trên tuyến đầu chống dịch, anh là người đầu tiên tự lái xe chở bệnh nhân F0 về các khu cách ly khi người dân cần. Hiện anh được bầu làm Chủ tịch Hội thiện nguyện huyện Yên Thành. Người dân quê lúa Yên Thành luôn gọi anh với cái tên trìu mến "Hùng thiện nguyện".

Bước ngoặt không tưởng của người đàn ông hơn 2.000 ngày ăn cơm tù - 19

Nói về tấm lòng của anh Hùng, ông Nguyễn Công Chúc, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Yên Thành, cho biết, nhiều năm qua, anh Phan Anh Hùng là người tiên phong trong công tác thiện nguyện của địa phương. Anh Hùng đã tạo niềm tin, kết nối những mạnh thường quân, các tấm lòng hảo tâm… để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống.

Nghĩ về những gì có được ngày hôm nay, anh Hùng ngỡ mình như đang nằm mơ. Vui với những chuyến thiện nguyện, hạnh phúc vì giúp đỡ được người nghèo, hình ảnh người thanh niên vào tù, ra tội với những ánh mắt kỳ thị đã không còn. Chính người thân, bố mẹ anh cũng khó tin người con trai hư hỏng, trượt dài trong sai lầm đã làm được những điều không thể.

"May mắn là tôi luôn có nhiều người giúp đỡ, yêu thương và tin tưởng. Ba lần sai lầm là quá đủ, bây giờ tôi nghĩ, không có khó khăn nào trong đời có thể khiến mình gục ngã được. Sống thật tốt, giúp đỡ những số phận khó khăn là cách tôi báo đáp những ân tình biết bao người đã dành cho mình", anh Phan Anh Hùng trải lòng.

Nội dung: Nguyễn Tú

Thiết kế: Thủy Tiên