1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Người đàn ông "cởi" án tử, làm lại cuộc đời

(Dân trí) - Dính vào ma túy, bị tuyên án tử, Võ Văn Bình tưởng cuộc đời của mình chấm hết từ đó, nhất là khi người vợ nối gót chồng vào tù. Bằng niềm tin và nỗ lực không ngừng nghỉ, Bình đã cởi được bản án tử hình, trở về làm lại cuộc đời.

Chúng tôi tìm đến nhà khi ông Võ Văn Bình (SN 1963, xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đang thu hoạch ao cá. Nụ cười tươi hết cỡ khi vụ Tết này ao cá của ông thắng lớn. Ông lởi xởi buôn bán, thoăn thoắt cân cá, thu tiền. Ít ai nghĩ rằng người đàn ông này đã từng bị tuyên án tử, đã phải sống thấp thỏm những ngày chờ đợi trả án trong bốn bức tường của xà lim.

Nụ cười thắng lợi của người đàn ông đã từng mang án tử
Nụ cười thắng lợi của người đàn ông đã từng mang án tử

Nhúng chàm

Lấy vợ, sinh một lèo 3 đứa con, Võ Văn Bình phải bươn bả khắp nơi để nuôi gia đình. Buôn lợn, buôn gà vịt, quần áo, thuốc tây từ Hà Nội về rồi ngược núi lên Kỳ Sơn bán. Lời lãi chẳng được bao nhiêu trong khi đó vợ ốm, con đau khiến người đàn ông này quay cuồng trong túng thiếu.

“Hồi đó phương tiện thông tin đại chúng chưa được như bây giờ nên cũng có biết ma túy, thuốc phiện là gì. Có lần đi Kỳ Sơn bán thuốc, tôi được một người thuê xách thuốc phiện về xuôi, tiền công 100 nghìn đồng/kg. 100 nghìn hồi đó có giá trị lắm, nghĩ mình kẹp thêm vào hàng hóa cũng không mất gì, thế là nhận lời. Làm lắm thì quen tay, đến khi tiền công vận chuyển lên tới 1 triệu đồng 1 cân thuốc phiện thì ham. 1 triệu mua được cả miếng đất hay mấy chỉ vàng chứ có ít đâu”, ông Bình kể về quá khứ tội lỗi của mình.

Năm 1995, Võ Văn Bình bị công an bắt giữ khi vận chuyển một khối lượng ma túy lớn và phải nhận bản án tử hình. Thời điểm đó, đứa con đầu mới 8 tuổi, đứa út mới lên 3.

Ông Võ Văn Bình trò chuyện với PV báo Dân trí
Ông Võ Văn Bình trò chuyện với PV báo Dân trí

Tử hình! Thế là chấm hết. Bình bi quan đến cùng cực, nhất là nghĩ về người vợ trẻ và những đứa con thơ dại lay lắt ở quê nhà. Ngày tháng cứ lê thê kéo dài qua ô cửa sổ buồng biệt giam để mỗi sáng mai thức giấc, Bình thở phào biết mình vẫn còn sống. Sống một cách thấp thỏm, sợ hãi vì không biết ngày trả án sẽ đến lúc nào.

3 năm sau kể từ ngày chính thức vào khám, Bình bị giáng thêm một đòn choáng váng nữa khi hay tin người vợ của mình vì quá thiếu thốn, túng bấn đã nối gót chồng dính vào ma túy. Chồng nằm xà lim chờ ngày trả án, vợ lĩnh án chung thân, những đứa con bỗng chốc bơ vơ, không nơi nương tựa.

“Đó là quãng thời gian quá khủng khiếp, quá sức chịu đựng đối với tôi, nhất là khi nghĩ về cha mẹ, về các con. Vì ma túy, mình tước bỏ hi vọng được sống của bản thân, đẩy cha mẹ, con cái vào cảnh khốn khó”, ông ứa nước mắt.

Nỗi ân hận giày vò bao nhiêu thì nỗi khát khao được sống càng mạnh mẽ bấy nhiêu, dù rằng hi vọng đó rất mong manh. Bình viết đơn gửi Chủ tịch Nước xin cơ hội sống. Năm 2001, Bình vẫn nhớ như in khoảnh khắc cán bộ quản giáo dẫn ra nghe Ban giám thị đọc lệnh ân giảm từ tử hình xuống chung thân của Chủ tịch Nước. Niềm hạnh phúc quá lớn lao khiến Bình bật khóc hu hu như một đứa trẻ. Vẫn còn quá sớm để nghĩ đến đường về nhà nhưng được sống đối với Bình lúc này là món quá quá đỗi lớn lao.

Trả nợ nhân gian

Xuống xiềng, Võ Văn Bình được chuyển đến trại giam Thanh Cẩm (Thanh Hóa) thi hành án bản án chung thân. Sau 2 tháng lao động tại xưởng gạch, do có một số kiến thức về dược góp nhặt được trong quá trình đi bán thuốc dạo, Bình được phân công hỗ trợ bác sỹ của Trại chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nặng

Cởi án tử tù, bằng những phấn đấu lao động cải tạo không ngừng nghỉ, Võ Văn Bình được giảm án ra tù, trở về với đời thường. Người đàn ông từng mang án tử đã tự mình đứng dậy để làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng
"Cởi" án tử tù, bằng những phấn đấu lao động cải tạo không ngừng nghỉ, Võ Văn Bình được giảm án ra tù, trở về với đời thường. Người đàn ông từng mang án tử đã tự mình đứng dậy để làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng

“Bệnh nhân chủ yếu là lao, HIV, đã từng có quá khứ nghiện ma túy. Đến lúc này, tôi thấy rõ hơn hết tác hại khủng khiếp của thứ chất cấm mà vì nhận thức kém, vì lòng tham tôi đã vô tình tiếp tay. Những người đã từng khỏe mạnh cứ ngày bị bòn rút đến chút sức lực cuối cùng để rồi cuối cùng chết vật vã, đau đớn, cô độc không có lấy một người thân bên cạnh. Điều đó khiến tôi dằn vặt lương tâm khủng khiếp", ông Bình trải lòng.

8 năm ròng rã tận tụy với công việc giúp cán bộ y tế phát thuốc, chăm sóc bệnh nhân nặng, năm 2010, Võ Văn Bình được giảm từ án chung thân xuống 20 năm tù. Khi đó, thời gian Bình ăn cơm tù đã kéo dài được 15 năm. Xuống án có thời hạn, nghĩa là con đường trở về đã mở ra trước mắt.

Võ Văn Bình được chuyển về trại Trung tâm (Trại giam số 5 – Bộ Công an bây giờ) tiếp tục thi hành bản án 20 năm tù. Sau một thời gian ngắn ở trạm y tế, Bình được chuyển ra “khu cơ quan” – tức là phục vụ tại khu vực Ban giám thị và cán bộ làm việc - nơi chỉ dành cho những phạm nhân cải tạo tốt. Nhờ những cố gắng cải tạo không ngừng nghỉ, Bình tiếp tục được giảm án. Ngày 22/5/2013, Võ Văn Bình được đặc xá ra tù trước thời hạn.

Đó là một ngày mùa hè nắng như nung. Bình cầm quyết định đặc xá trở về quê, bước vào căn nhà xiêu vẹo đổ nát, run run đặt lên bàn thờ cha mẹ tự hứa với lòng mình: Sẽ sống cho đáng sống.

Trở về

“Ma túy đã cướp đi của tôi nhiều quá nhưng bù lại, trong hoàn cảnh thiếu cha, vắng mẹ, ba đứa con của tôi vẫn được ông bà dạy bảo, trưởng thành. Khi trở về, đứa con gái út cũng đã hơn 20 tuổi. Nhìn các con, tôi càng có thêm động lực để sống, để làm lại cuộc đời”, Võ Văn Bình quả quyết.

Làm lại – nó không dễ dàng như Bình tưởng bởi người đời vẫn còn cái nhìn khắt khe với một kẻ đã từng mang án tử. Càng khó khăn hơn gấp bội khi Bình không có gì ngoài hai bàn tay trắng. Thứ duy nhất Bình có là quyết tâm và lời hứa trước bàn thờ cha mẹ và những chiêm nghiệm được – mất sau ngần ấy năm ăn cơm tù.

Ông Bình bên đứa cháu nội, niềm hạnh phúc giản dị mà lớn lao ông từng không dám mơ ước. Những cái giá quá đắt phải trả cho tội lỗi của mình khiến ông biết trân quý hơn những gì mình đang có
Ông Bình bên đứa cháu nội, niềm hạnh phúc giản dị mà lớn lao ông từng không dám mơ ước. Những cái giá quá đắt phải trả cho tội lỗi của mình khiến ông biết trân quý hơn những gì mình đang có

Bình xin chuyển đổi thửa đất sát Quốc lộ 15 để làm kinh tế. Cũng phải năm lần bảy lượt, việc chuyển đổi mới hoàn thành. Bình đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả, nuôi gà chọi. Quần quật không ngơi tay, những khó khăn ban đầu cũng dần qua đi, Bình bắt đầu hái những quả ngọt từ chính những giọt mồ hôi mặn chát, thậm chí là cả máu và nước mắt của mình. Ông mạnh dạn mở rộng quy mô trang trại, cung cấp thực phẩm sạch cho một số nhà hàng trong vùng. Khó khăn chưa hẳn đã hết nhưng người cựu tử tù ấy đã tìm thấy những phút giây thanh thản trong tâm hồn.

Có chút vốn liếng, Võ Văn Bình vay mượn thêm đầu tư cho con đi xuất khẩu lao động. Từ những đồng tiền làm ra, cộng với các con gửi về, Bình có thể cất được căn nhà khang trang, đẹp đẽ ngay cạnh ngôi nhà cũ nát cha mẹ để lại. Sau những giờ làm việc ở trang trại, ông trở về, ôm đứa cháu trai thủ thỉ những câu chuyện không đầu không cuối. Những lúc sắp xếp được thời gian, công việc, ông dẫn con cháu lên trại giam thăm vợ.

“Lần nào vào thăm bà ấy cũng khóc. Tôi cũng chỉ biết động viên vợ cố gắng cải tạo thật tốt để được nhận sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với các con, các cháu. Ra năm, tôi sẽ sửa sang lại căn nhà cũ này thành nhà thờ để hương khói cho bố mẹ được tươm tất hơn”, ông Bình tâm sự.

Hoàng Lam