1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bị đề nghị 19-20 năm tù, Trương Huệ Vân đã nộp lại bao nhiêu tiền?

Hoài Thanh
Đại án Vạn Thịnh Phát

(Dân trí) - Trương Huệ Vân bị cáo buộc giúp sức bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 1.088 tỷ đồng. Bị cáo đã tự nguyện nộp lại 1 tỷ đồng và tại tòa được bà Lan hứa chuyển cho 1.350 tỷ để khắc phục thiệt hại.

Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan) bị xét xử về tội Tham ô tài sản.

VKSND Tối cao cáo buộc Vân đã giúp sức, đồng phạm với bà Lan, liên đới chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ đồng của SCB, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 25 tỷ.

Trong phần luận tội, VKS nhận định tại tòa, bị cáo ăn năn hối cải thừa nhận hành vi phạm tội. Cháu gái bà Lan cũng đã tích cực nộp tiền để khắc phục hậu quả thiệt hại. Song hành vi của bị cáo gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Do đó, VKS cho rằng cần có mức án nghiêm khắc với bị cáo, đề nghị phạt 19-20 năm tù.

Bị đề nghị 19-20 năm tù, Trương Huệ Vân đã nộp lại bao nhiêu tiền? - 1

Bị cáo Trương Huệ Vân (Ảnh: Hải Long)

Hồ sơ vụ án thể hiện Trương Huệ Vân đã tự nguyện, tác động gia đình nộp lại hơn 1 tỷ đồng và 3.000 USD để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Giai đoạn điều tra, cơ quan chức năng thu giữ của bị cáo Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân hơn 7 tỷ đồng; phong tỏa 42 tài khoản của Trương Huệ Vân và 7 bị cáo khác với tổng số tiền 1.731 tỷ đồng và 8,4 triệu USD; kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của Vân cùng những cá nhân đứng tên hộ; kê biên 22 tài sản là du thuyền, tàu, ô tô của bà Lan và Trương Huệ Vân.

Gia đình các bị cáo Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Tạ Hùng Quốc Việt, Trần Văn Nhị tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả vụ án là hơn 118 tỷ đồng và 306.000 USD.

Trong số những tài sản nêu trên, chưa có con số cụ thể riêng bị cáo Trương Huệ Vân là bao nhiêu. 

Tại phiên tòa sáng 21/3, bà Trương Mỹ Lan đã viết đơn ngay tại tòa, xin được chuyển 1.350 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho Trương Huệ Vân. Nguồn gốc số tiền này gồm 1.000 tỷ đồng (tiền mặt và tài sản đang bị phong tỏa) do ông Nguyễn Cao Trí bồi thường cho bà Lan và 350 tỷ đồng do một cá nhân trả cho bà.

Như vậy, nếu HĐXX chấp nhận việc chuyển tiền từ bà Lan sang cho Trương Huệ Vân, bị cáo này đã khắc phục vượt số tiền bị cáo buộc gây hậu quả trong vụ án.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Huệ Vân cũng đề nghị VKS và HĐXX ghi nhận tình tiết mới này cho thân chủ. Theo luật sư, đây là tình tiết "vô cùng quan trọng". Bởi, nếu được HĐXX đồng ý, hậu quả do hành vi sai phạm của bị cáo Vân đã được khắc phục hoàn toàn.

Bị đề nghị 19-20 năm tù, Trương Huệ Vân đã nộp lại bao nhiêu tiền? - 2

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 27/3 (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Theo cáo trạng, Trương Huệ Vân được bà Lan tin tưởng giao đứng tên cổ phần, góp vốn, tham gia quản lý, điều hành nhiều công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Cụ thể, Vân là Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Eurasia Concept và điều hành hoạt đông các công ty: Lavifood, Tanifood, Sài Gòn Galleria.

Năm 2021, bà Trương Mỹ Lan mua lại Công ty Lavifood từ ông Lê Thành để đưa vào vận hành, hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp, giao cho Vân quản lý, điều hành thông qua Nguyễn Phi Long (Tổng giám đốc công ty), Võ Hồng Khanh, Hồ Xuân Dũng (cùng là cá nhân đứng tên sở hữu cổ phần).

Quá trình hoạt động, bà Lan chỉ đạo Vân sử dụng pháp nhân Công ty Lavifood để vay vốn tại Ngân hàng SCB, nhằm phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác.

Từ năm 2020, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty hoạt động thật tạo lập 155 khoản vay khống để rút tiền khỏi SCB. Đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.800 tỷ đồng, bao gồm cả gốc và lãi.