Bất đồng chia tài sản, mẹ chồng 84 tuổi kiện con dâu ra tòa
(Dân trí) - Do mâu thuẫn trong đời sống và để đảm bảo quyền về tài sản đối với nhà, đất, cụ bà 84 tuổi khởi kiện con dâu ra tòa. Hai bên vẫn chưa thống nhất quan điểm nên phiên tòa sẽ mở lại sau.
Ngày 10/6, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử vụ kiện yêu cầu phân chia thừa kế giữa nguyên đơn là cụ N. (84 tuổi) và bị đơn là bà H. (48 tuổi, con dâu cụ N., cùng trú quận Đống Đa).
Tại tòa, cả nguyên đơn và bị đơn cùng vắng mặt. Cụ N. ủy quyền cho con gái thứ hai là bà B., còn Bà H. ủy quyền cho các luật sư.
Theo nội dung đơn khởi kiện, cụ N. và chồng kết hôn, có 3 người con chung gồm 2 gái, 1 trai. Hai cụ có tài sản chung là mảnh đất rộng 44m2, trên đất có ngôi nhà 4,5 tầng tại phường Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội).
Năm 2020, chồng cụ N. qua đời. Một năm sau, con trai cụ, đồng thời là chồng bà H., cũng mất. Sau đó, giữa cụ N. và con dâu sống chung một nhà nhưng không hòa thuận.
Do mâu thuẫn và để đảm bảo quyền về tài sản đối với nhà, đất nêu trên, cụ N. khởi kiện con dâu là bà H., đề nghị tòa án chia tài sản chung của hai vợ chồng cụ, chia thừa kế đối với phần tài sản của chồng cụ, cũng như chia thừa kế đối với phần tài sản của con trai cụ.
Tại phiên tòa, bà B. (con gái cụ N.) trình bày, bố là giảng viên Đại học Giao thông Vận tải, được trường phân căn nhà cấp 4 trên đất, theo quyết định từ năm 1998.
Bố mẹ sau đó mua lại nhà đất này và được cấp giấy chứng nhận vào năm 2010. Năm 2012, khi dỡ căn nhà cấp 4 để xây nhà mới, các con đều chung tiền cùng bố mẹ thực hiện công trình.
Tuy nhiên, nhóm luật sư đại diện cho bà H. cho rằng, Đại học Giao thông Vận tải quyết định phân nhà cho vợ chồng cụ N. chỉ có nghĩa là cho "ở nhờ", không phải chủ sở hữu, không có quyền bán hay chuyển nhượng.
Sau đó, Nhà nước bán lại cho vợ chồng cụ N., dựa vào đơn đề nghị của hai cụ.
Theo luật sư, từ năm 2006, vợ chồng cụ N. đã hứa sang tên cho vợ chồng bà H. nhưng chỉ nói miệng.
Sau đó, chủ tọa phân tích, nếu trong trường hợp phân chia thừa kế, số tiền cụ N. phải bỏ ra để trả cho bị đơn sẽ khá lớn.
Trong nhiều lần hòa giải không thành, bà H. yêu cầu số tiền 2 tỷ đồng, song phía nguyên đơn nhất quyết chỉ trả 1,8 tỷ.
"Con số thắng thua chỉ chênh nhau 200 triệu đồng, có đáng đưa nhau đi kiện ngày này tháng khác không, chính cụ N. cũng mệt mỏi rồi", chủ tọa phân tích.
Mặc dù vậy, thông qua luật sư, bà H. vẫn khẳng định giữ nguyên con số 2 tỷ đồng và yêu cầu dỡ hết các tài sản, nội thất do bà mua sắm khỏi nhà của mẹ chồng, trong trường hợp tòa xử mẹ chồng thắng kiện.
Lúc này, bà B. tỏ ra mất bình tĩnh và yêu cầu đại diện bị đơn ngừng liệt kê các tài sản đề nghị tháo dỡ.
Chủ tọa đề nghị hai bên bình tĩnh và tiếp tục phân tích, mong muốn họ ngồi lại với nhau để có thể hòa giải trong êm đẹp.
Sau gần 30 phút nghỉ giải lao, trở lại phòng xét xử, đại diện nguyên đơn và bị đơn đều đồng ý hòa giải, xin hoãn phiên tòa để đưa ra con số cuối cùng.
HĐXX chấp nhận và thông báo sẽ mở lại phiên tòa khi các đương sự thống nhất, thời gian không quá một tháng.