1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Bắt đầu xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm trong "đại án" VNCB

(Dân trí) - Ngày 19/7, TAND TPHCM chính thức khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án kinh tế nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) dưới thời bị cáo Phạm Công Danh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).

Phiên tòa do Chánh tòa hình sự Phạm Lương Toản làm chủ tọa phiên tòa và dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 1 tháng.

Tại phiên tòa sáng nay có gần 400 người tham dự, trong đó có 36 bị cáo, 50 luật sư, 130 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ...

Do phiên tòa đông người tham gia, Tòa đã trưng dụng phòng xử án A của Tòa làm phòng xử án chính. Đây cũng là nơi có HĐXX, bị cáo, luật sư và người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan. Liền kề với phòng xử án A là khoảng trống, Tòa trưng dụng, bố trí ghế ngồi để các nhân chứng và người dự tòa ngồi. Đây là nơi người dự tòa có thấy trực tiếp HĐXX nhưng khá xa, vì vậy Tòa bố trí thêm 1 màn hình ti vi và truyền trực tiếp từ phòng A sang. Riêng báo chí sẽ ngồi đưa tin tòa tại phòng xử án B, liền kề 2 phòng nói trên, và sẽ theo dõi phiên tòa qua màn hình ti vi.

Tòa cũng cho biết, vào mỗi đầu giờ xử án, HĐXX sẽ cho phép báo chí vào phòng A tác nghiệp, sau đó các phóng viên sẽ trở về phòng B để theo dõi phiên tòa. Vụ án này được đánh giá là một "đại án" lớn được đưa ra xét xử.

7h35 sáng nay, bị cáo Phạm Công Danh đã được di lý đến dự tòa trong trang phục áo sơ mi ngắn tay, quần âu, tâm trạng khá bình thản.

8h, thư ký tòa bắt đầu điểm danh các thành phần tham dự phiên tòa và phổ biến nội quy dự tòa. Theo lịch, trong sáng nay, tòa chủ yếu thực hiện phần kiểm tra lý lịch 36 bị cáo.

Phạm Công Danh được di lý đến tòa
Phạm Công Danh được di lý đến tòa
Phạm Công Danh và 35 đồng phạm bị đưa ra xét xử từ ngày 19/7
Phạm Công Danh và 35 đồng phạm bị đưa ra xét xử từ ngày 19/7

Trước đó, ngày 30/6, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng về vụ án xảy ra tại VNCB. Tổng Bí Thư yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa vụ án ra xét xử.

Về vụ án, sau thời gian điều tra, ngày 20/11/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã Kết luận và tống đạt Kết luận điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại VNCB tới các bị can trong vụ án, đồng thời chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố các bị can.

Đồng tình với kết luận điều tra của phía công an, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và ủy quyền cho VKSND TPHCM truy tố ra TAND TPHCM.

Bắt đầu xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm trong "đại án" VNCB - 3
Các bị cáo được di lí đến tòa
Các bị cáo được di lí đến tòa
Những người liên quan đến vụ án đang làm thủ tục dự tòa
Những người liên quan đến vụ án đang làm thủ tục dự tòa

Theo đó, cáo trạng được công bố tại phiên xử hôm nay chỉ là Giai đoạn 1 của vụ án. Song song với công tác xét xử, Cơ quan điều tra vẫn đang khẩn trương điều tra tiếp tục vụ án (Giai đoạn 2) và sẽ tiếp tục mở thêm phiên tòa khi nào Cơ quan điều tra kết luận điều tra.

Theo cáo trạng, VNCB được Ngân hàng nhà nước chấp thuận tái cơ cấu ngày 6/9/2012. Sau đợt tái cơ cấu này, Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối VNBC.

Sau đó, bị cáo Danh đã chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh (do chính Danh làm Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc) và VNCB thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ của mình và tập đoàn Thiên Thanh, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân.

Trong vụ án này, VKS truy tố 36 bị cáo các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Có bị cáo bị truy tố 1 tội, có bị cáo bị truy tố nhiều tội cùng lúc. Tổng cộng trong vụ án này, Phạm Công Danh với vai trò chủ mưu cùng đồng bọn đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.

Cụ thể, 7 bị cáo gồm Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng và Bạch Quốc Hào bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại khoản 3 Điều 165 và khoản 3 Điều 179 Bộ luật hình sự.

4 bị cáo gồm Phạm Việt Thép, Trần Văn Bình, Nguyễn Thị Kim Vân và Lê Công Thảo, về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”,theo quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự.

25 bị cáo gồm Nguyễn Quốc Thịnh, Bùi Thị Hà Thu, Nguyễn Văn Cường, Trần Thanh Tùng, Nguyễn An Vinh, Cao Phước Nhàn, Vưu Thị Diệu, Nguyễn Minh Quân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn Chí Bình, Nguyễn Hữu Duyên, Phan Tuấn Anh, Lê Khắc Thái, Lâm Kim Thu, Doãn Quốc Long, Huỳnh Nguyên Sang, Võ Ngọc Nguyễn Bình, Lý Minh, Nguyễn Tiến Hùng, Hoàng Việt Thắng, Nguyễn Quốc Sơn, Bùi Thanh Nguyên, Đặng Đình Tuấn và Thái Minh Thanh, về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật hình sự.

Tùng Nguyên - Xuân Duy - Nguyễn Quang