1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Bà Trương Mỹ Lan nói vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát là kinh khủng

Xuân Duy

(Dân trí) - Được nói lời sau cùng, bị cáo Trương Mỹ Lan nói vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát là vụ án kinh khủng chưa từng có, triệt tiêu hết những ước mơ, hy vọng của bà.

Ngày 26/11, phiên tòa phúc thẩm vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1) tiếp tục phần tranh luận với lời đối đáp của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Sau đó, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.

Bà Trương Mỹ Lan nói SCB từ chối cung cấp tài liệu là có ý đồ

Bà Trương Mỹ Lan mở đầu phần tranh luận dài hơn 1 giờ đồng hồ của mình bằng lời cảm ơn đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đã khẳng định không giao tài sản bị kê biên cho SCB toàn quyền xử lý như đề nghị của ngân hàng này mà sẽ giao cho cơ quan thi hành án phối hợp với các cơ quan hữu quan.

Bà cam kết sẽ hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền để khắc phục tối đa thiệt hại vụ án.

Bà Trương Mỹ Lan nói vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát là kinh khủng - 1

Bà Trương Mỹ Lan nghi ngờ việc SCB không cung cấp tài liệu (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Theo bà Lan, lúc nào bị cáo cũng nghĩ tới lợi ích của xã hội, không sợ bất kỳ mức án nào vì danh dự của gia tộc là quan trọng nhất, nên xin HĐXX xem xét đầy đủ lại các số liệu liên quan.

Tiếp đó, bà Lan kể tuổi trẻ của bà rất cơ cực, phải sớm phụ mẹ làm việc để lo cho gia đình khi cha bà mất sớm. Bên cạnh đó, bà chủ Vạn Thịnh Phát nói trên đời phải có tiền.

"Năm 1993, bị cáo gặp chồng, chồng bị cáo rủ bị cáo đi nước ngoài để phát triển, ông ấy ở Hong Kong và Anh nhưng bị cáo từ chối, từ đó bị cáo đầu tư bất động sản", bà Lan trình bày.

Theo bị cáo, cũng vì muốn đóng góp như trên nên bà mới tham gia tái cơ cấu 3 ngân hàng yếu kém trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng.

Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan cho biết rất buồn vì SCB từ chối cung cấp các số liệu. 

Trước đó bà Lan và đại diện VKS đã đề nghị SCB cung cấp số liệu liên quan khoản nợ cũ trước thời điểm hợp nhất; dư nợ gốc và lãi đến thời điểm 31/12/2017; dư nợ gốc và lãi từ 1/1/2018 đến 7/10/2022 là thời điểm khởi tố vụ án để bóc tách trong tổng số dư nợ từng giai đoạn nêu trên có bao nhiêu là vay để đảo nợ, bà Trương Mỹ Lan rút ra bao nhiêu tiền nhưng ngân hàng này từ chối cung cấp.

"SCB từ chối cung cấp số liệu là có ý gì? Khi nó có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến hàng chục anh em đã từng làm việc cho SCB đang bị xét xử ở đây?", bà Lan nói tại tòa.

Nói về chồng mình là bị cáo Chu Lập Cơ, bà Trương Mỹ Lan không giấu được xúc động và cho rằng ông không đáng phải vướng vào vòng lao lý chỉ vì cho SCB mượn tài sản (Times Square).

Sau khi bà Lan trình bày, luật sư của người phụ nữ này trình bày bổ sung thêm một số vấn đề liên quan tới tài sản.

Xin giảm nhẹ hình phạt cho đồng phạm

Trước khi tòa vào nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng. Là người đầu tiên thực hiện quyền này, bà Trương Mỹ Lan trình bày nhiều vấn đề và đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét trong quá trình lượng hình.

Bà Trương Mỹ Lan gửi lời cảm ơn HĐXX, VKS đã lắng nghe, ghi nhận lời bào chữa của bà cũng như các luật sư. Tiếp đó, bà Lan nói vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát là vụ án "kinh khủng" chưa từng có, triệt tiêu hết những ước mơ, hy vọng của bà về việc đóng góp cho đất nước.

Bà Trương Mỹ Lan nói vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát là kinh khủng - 2

Bị cáo Chu Lập Cơ, chồng của bà Lan (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

"Cho đến hôm nay, bị cáo vẫn chưa được ngủ với con của mình vì từ khi sinh ra bị cáo đã giao nó cho bà vú để lao vào công việc", bà Trương Mỹ Lan nói lời sau cùng.

Tiếp đó, bị cáo Lan xin HĐXX công tâm, khách quan, tạo điều kiện để bà thực hiện được nguyện vọng trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước và trả lại tiền cho người dân trong vụ trái phiếu. Từ đó, bị cáo Lan đề nghị có cơ chế đặc biệt cho vụ án này để thi hành án, khắc phục tối đa hậu quả vụ án, cũng như xem xét khoan hồng cho các bị cáo còn lại vì bà cho rằng những người này chỉ góp sức để "cứu SCB trong giai đoạn khó khăn".

Theo bà Trương Mỹ Lan, nếu được tạo điều kiện trả hết nợ cho Ngân hàng Nhà nước và trái chủ xong, phần tài sản còn lại bà không cần nhận lại cho gia đình mà đưa tài sản còn dư vào quỹ bảo trợ y tế cho người nghèo, xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Bà Trương Mỹ Lan xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt và nếu được có thể xem xét lại tội danh Tham ô tài sản của bản thân bà cũng như tất cả các bị cáo khác.

"Uy tín và đạo đức là vốn vô tận của doanh nghiệp, hồ sơ thể hiện Vạn Thịnh Phát không có nội dung nào liên quan đến SCB cả, việc giúp SCB là chuyện cá nhân của bị cáo. Bị cáo sống tới nay chưa từng có lỗi với ai nhưng để các bị cáo khác còn lại phải ở đây vì liên lụy là bị cáo áy náy vô cùng", bà Lan xin HĐXX xem xét cho các bị cáo còn lại.

Theo bản án sơ thẩm, trong 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay.

Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay với dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và bà Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB. Sau khi cấn trừ một số khoản vay được tất toán trong quá trình xét xử, bà Lan còn phải bồi thường cho SCB 673.000 tỷ đồng.

Hồi tháng 4, TAND TPHCM xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.

Sau phán quyết trên, bà Lan kháng cáo xin được sống. Trình bày quan điểm tại tòa, đại diện VKSND cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX bác kháng cáo, tuyên phạt bị cáo Lan mức án tử hình.