Xe đua Toyota dùng hydro lỏng và xăng sinh học, “phá đảo” thử thách 24 giờ
(Dân trí) - Cặp xe đua Toyota dùng nhiên liệu “xanh” đã chứng minh được tính khả thi trong hướng tiếp cận mục tiêu trung hòa carbon của hãng xe Nhật Bản.
Không lâu sau khi trình làng thế hệ thứ ba của dòng pin nhiên liệu (Fuel Cell) dùng khí hydro đến công chúng, Toyota tiếp tục thể hiện rõ sự kiên định của mình đối với các dòng xe thân thiện với môi trường không thuần điện.
Lần này, thương hiệu Nhật Bản - thông qua đội đua Toyota Gazoo Rookie Racing - đã cử bộ đôi GR86 Future FR Concept và GR Corolla H2 Concept tranh tài ở chặng NAPAC Fuji 24 Hours Race, thuộc giải ENEOS Super Taikyu Series 2025 diễn ra hồi cuối tháng 5.
GR86 Future FR Concept mang số 28 vận hành bằng xăng E20 do ENEOS - thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực nhiên liệu - cung cấp.
Xăng E20 chứa khoảng 20% ethanol (cồn sinh học) được chiết xuất từ ngô và mía. Bản thân thực vật hấp thụ CO2 trong quá trình sinh trưởng, nên E20 được xem là loại xăng “ít carbon” và có khả năng tái tạo nổi trội so với xăng khoáng truyền thống, vốn là những yếu tố cần có trong định hướng trung hòa carbon.

Về phần GR Corolla H2 Concept, đây là lần thứ ba phương tiện dùng hydro lỏng chinh chiến tại cuộc đua sức bền 24 giờ. Quá trình nghiên cứu và phát triển xe đeo số 32 này phức tạp hơn hẳn so với “đồng đội”, từ hệ động lực cho đến hệ thống tiếp nhiên liệu, đồng thời phải thay đổi góc nhìn của công chúng về hydro từ “nguy hiểm, dễ phát nổ” thành “tương lai”.
Năm ngoái, mẫu xe chỉ thải ra nước đạt được mục tiêu chinh phục 30 vòng Fuji Speedway (Nhật Bản) - tương đương gần 137km - chỉ với một bình nhiên liệu đầy, và hoàn thành tổng cộng 332 vòng với tổng quãng đường khoảng 1.515km.
Ở màn tái xuất này, hãng xe đến từ “xứ Phù Tang” không chỉ cải thiện độ bền của hệ thống bơm nhiên liệu cao áp và các thành phần cơ khí bên trong động cơ, mà còn tìm cách nâng cao hiệu suất vận hành và phạm vi di chuyển sau mỗi lần nạp hydro lỏng.
Sau hàng loạt nỗ lực trong nhiều năm qua, đội ngũ phục vụ giải đua từ Toyota và các đối tác đã thu về trái ngọt khi GR Corolla H2 Concept chính thức về đích tại chặng NAPAC Fuji 24 Hours Race với 468 vòng, tương đương 2.135km.
Thậm chí, GR86 Future FR Concept còn gây ấn tượng với vị trí thứ 13 chung cuộc, thành tích 523 vòng dài 2.386km. Đây được xem là bước tiến của thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới trong quá trình hiện thực hóa các loại nhiên liệu “xanh” trong riêng mảng đua xe.
Kết quả này một phần xuất phát từ những tiến bộ về công nghệ, đặc biệt là hệ thống điều chỉnh tỷ lệ không khí - nhiên liệu tự động. Tùy theo thao tác đạp ga của người lái mà động cơ đốt trong dùng hydro lỏng sẽ trộn không khí - nhiên liệu theo tỷ lệ phù hợp, cho ra công suất đầu ra cao hơn hoặc tối ưu khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Hãng xe Nhật Bản cho biết họ đang nghiên cứu giải pháp cải tiến công nghệ này nhằm tiệm cận động cơ xăng truyền thống, sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng trên sản phẩm thương mại.
Ngoài ra, Toyota đã thay thế một phần hệ thống dây điện trên xe từ lõi đồng sang nhôm, giúp xe nhẹ thêm 18%. Hệ thống cách nhiệt được chế tạo bằng công nghệ hàn laser sợi quang do Furukawa Electric phát triển, hạn chế tình trạng ăn mòn trong điều kiện nóng ẩm.
Quan trọng hơn cả, phương pháp này hoàn toàn có thể được sử dụng trong dây chuyền sản xuất hàng loạt mà không đội giá thành phẩm.

Động thái mới nhất góp phần củng cố chiến lược tiếp cận đa chiều của hãng xe lớn hàng đầu thế giới. Với Toyota, đích đến cuối cùng là trung hòa lượng khí CO2 nên mục tiêu cần nhắm đến là carbon chứ không phải là động cơ đốt trong.
Chủ tịch Akio Toyoda nói riêng và Toyota nói chung vốn nổi tiếng về lập trường không dồn tổng lực cho xe thuần điện. Năm ngoái, vị lãnh đạo từng gây chú ý khi nhận định rằng, ngay cả trong dài hạn, xe điện cũng chỉ chiếm khoảng 30% doanh số ô tô toàn cầu.
Ông đồng thời cảnh báo rằng quá trình chuyển dịch đột ngột sang xe điện có thể tác động đến việc làm của khoảng 5,5 triệu người lao động ở Nhật Bản - nơi ngành công nghiệp ô tô truyền thống phát triển mạnh.
Dù không phát thải trong quá trình sử dụng, nhưng theo ông Akio Toyoda, xe điện vẫn phát thải ra môi trường từ khâu sản xuất đến việc tạo ra điện để sạc. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng sạc còn chưa đồng đều tại nhiều nơi, khiến xe hybrid trở thành lựa chọn thực tế hơn đối với nhiều khách hàng ở giai đoạn hiện tại.

Dĩ nhiên, hành trình đưa nhiên liệu mới như hydro lỏng và xăng sinh học, hay động cơ tiên tiến, ít phát thải đến gần với người tiêu dùng vẫn còn nhiều thách thức, do đó Toyota tích cực tìm kiếm những đồng minh có cùng tầm nhìn nhằm đẩy nhanh quá trình phổ cập các giải pháp di chuyển bền vững, hướng tới một xã hội xanh, sạch và tạo ra những “xế hộp” ngày càng hoàn thiện hơn.
Tại Việt Nam, hãng Nhật cũng hiện thực hóa mục tiêu giảm khí thải cacbon với nhiều giải pháp, trong đó tập trung phát triển dải sản phẩm xe Hybrid tự sạc, mang đến lựa chọn xe “xanh” mà không làm thay đổi thói quen lái xe, không phụ thuộc hạ tầng trạm sạc. Toyota cũng trưng bày các mẫu xe thuần điện như bZ4x, FT-3e tại các kỳ triển lãm ô tô Việt Nam, hướng tới ra mắt loại xe này tại Việt Nam trong tương lai gần.