Vượt Nhật Bản, quốc gia châu Á này thành thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới
(Dân trí) - Trung Quốc và Mỹ vẫn giữ hai vị trí dẫn đầu, nhưng Nhật Bản đã phải nhường vị trí thứ 3 cho một thị trường châu Á khác.
2022 là một năm đầy khó khăn của ngành công nghiệp ô tô do sức ép lạm phát ở khắp nơi trên thế giới, tình hình chiến sự căng thẳng ở Ukraine và ảnh hưởng của nó tới chi phí nhiên liệu tại châu Âu, cùng với tình hình căng thẳng ở nhiều nơi khác. Trong bối cảnh đó, ngành ô tô đã ghi nhận kết quả trái chiều ở các khu vực thị trường khác nhau.
Dưới đây là tổng hợp các mẫu xe bán chạy nhất ở một số thị trường lớn.
Thị trường Trung Quốc: Tăng trưởng nhờ xe điện
Tình hình ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, khá tốt giữa rối ren toàn cầu. Tiêu thụ xe tăng 2% lên 26,86 triệu chiếc, cao hơn cả thời điểm năm 2019, khi chưa bùng phát đại dịch Covid-19.
Đây là lần đầu tiên quy mô thị trường Trung Quốc lớn gần gấp đôi Mỹ. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ xe điện, do có chính sách hỗ trợ của chính phủ. Theo dữ liệu sơ bộ, xe điện chiếm tới 20% tổng doanh số, với Wuling Hongguang Mini EV nằm trong Top 3 mẫu xe bán chạy nhất toàn thị trường, cùng với BYD Song Plus.
Thị trường Mỹ: Nốt trầm
Thị trường ô tô lớn thứ hai thế giới đã trải qua năm 2022 với những sức ép lạm phát lớn và lãi suất tăng cao. Tổng tiêu thụ ô tô đạt 13,83 triệu xe, giảm 8% so với năm 2021 xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012 và giảm 19% so với năm 2019.
Người tiêu dùng vẫn có xu hướng chuyển dịch từ thể loại sedan và minivan sang SUV và bán tải, trong khi Tesla tiếp tục củng cố vị thế bằng việc góp tới 2 mẫu xe vào danh sách các xe điện bán chạy nhất thị trường Mỹ. Tuy nhiên, xe điện vẫn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng doanh số; mẫu Ford F-Series vẫn giữ ngôi vương với 653.957 xe bán ra, kế đến là Chevrolet Silverado (523.249 xe) và Ram Pickup (468.344 xe).
Thị trường châu Âu: Xuống dốc không phanh
Tại châu Âu, tình hình không khác gì Mỹ. Số liệu tại 5 thị trường lớn nhất (Đức, Anh, Pháp, Italy, và Tây Ban Nha) cho thấy sự sụt giảm chưa dừng lại.
Cụ thể, trong năm 2022, tiêu thụ ô tô tại châu Âu đạt 9,05 triệu xe, giảm 6% so với năm 2021, giảm 7% so với năm đại dịch 2020 và giảm 29% so với năm 2019 - thời điểm chưa có dịch.
Tại Đức, Volkswagen một lần nữa đứng số 1 khi chiếm trọn Top 3.
Tại Pháp, sự thống trị của Renault đã không còn, nhường vị trí số 1 cho Peugeot 208 với doanh số 88.812 xe.
Trong vòng 4 năm, thị trường ô tô châu Âu đã sụt giảm doanh số tới hơn 3,7 triệu xe.
Những điểm sáng
Không như Mỹ và châu Âu, tình hình ở Australia, Ấn Độ, Indonesia, và Thổ Nhĩ Kỳ khá khả quan, với doanh số không chỉ tăng so với năm 2021, mà cao hơn cả năm 2020 và 2019.
Đặc biệt, Australia chứng kiến sự lên ngôi của xe dẫn động 4 bánh toàn thời gian. Đứng đầu thị trường là mẫu xe bán tải Toyota Hilux, với tổng doanh số 64.391 chiếc, kế đến là Ford Ranger (47.479 chiếc) và Toyota RAV4 (34.845 chiếc).
Trong khi đó, Ấn Độ đạt doanh số kỷ lục 4,37 triệu xe, vươn lên trở thành thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới, qua mặt Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ vượt Nhật Bản về mức tiêu thụ ô tô.
Tại Indonesia, ngành công nghiệp ô tô đã trở lại mốc doanh số 1 triệu xe được thiết lập trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2018. Tiêu thụ ô tô của nước này tăng 17% so với năm 2021 và tăng 95% so với năm 2020.
Mẫu xe bán chạy nhất một số thị trường lớn:
Argentina: Fiat Cronos (38.769 chiếc)
Australia: Toyota Hilux (64.391 chiếc)
Brazil: Fiat Strada (112.456 chiếc)
Trung Quốc: BYD Song Plus (459.424 chiếc)
Pháp: Peugeot 208 (88.812 chiếc)
Đức: Volkswagen Golf (84.282 chiếc)
Ấn Độ: Maruti Wagon R (217.317 chiếc)
Indonesia: Daihatsu Gran Max (65.062 chiếc)
Italy: Fiat Panda (105.384 chiếc)
Anh: Nissan Qashqai (42.704 chiếc)
Nga: Lada Granta (99.356 chiếc)
Tây Ban Nha: Hyundai Tucson (21.985 chiếc)
Mỹ: Ford F-Series (653.957 chiếc)
Thổ Nhĩ Kỳ: Fiat Egea (68.779 chiếc)