Vì sao phần lớn xe kei Nhật Bản lắp biển số lệch sang một bên?
(Dân trí) - Nếu là người "cuồng" sự cân đối và đối xứng thì chắc chắn sẽ cảm thấy rất "ngứa mắt" khi nhìn vào nhiều mẫu xe kei Nhật Bản, bởi chúng đeo biển số lệch.
Trước tiên, nói về xe kei; đây không chỉ là phương tiện đi lại, mà được xem như một đại diện cho phong cách sống và văn hóa đậm chất riêng của người Nhật.
Tên gọi bắt nguồn từ Kei jidosha, có nghĩa là xe hạng nhẹ trong tiếng Nhật, bao gồm những chiếc xe sedan, xe tải, bản tải siêu nhỏ. Sở dĩ loại xe này rất được ưa chuộng tại Nhật vì chúng phù hợp với điều kiện "ngõ nhỏ, phố nhỏ, cửa hàng nhỏ" ở đất nước mặt trời mọc.
Một lý do khác là sau Thế chiến thứ 2, đất nước bị tàn phá nặng nề, nên Nhật Bản khuyến khích phát triển xe kích thước nhỏ để tiết kiệm nhiên liệu và chi phí sản xuất.
Khi mới xuất hiện vào năm 1949, xe kei chỉ dùng động cơ 4 thì 150cc và động cơ 2 thì 100cc. Đến năm 1950, dung tích động cơ được nâng lên 300cc và 200cc, rồi sau đó là 360cc và 240cc.
Cuối cùng, vào năm 1990, cơ quan chức năng Nhật Bản thống nhất giới hạn dung tích động cơ cho xe kei dừng ở 660cc và công suất tối đa chỉ 66 mã lực, nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường.
Loại xe này chưa bao giờ ghi điểm về hình thức, vì tiêu chí là nhỏ gọn và tiết kiệm. Tuy nhiên, có một chi tiết khá ngộ nghĩnh, gây chú ý, đó là phần lớn lắp biển số lệch sang một bên.
Cũng có những mẫu xe không phải của Nhật cũng lắp biển số lệch sang một bên, như mẫu Alfa Romeo 147 và 156.
Mặc dù khi nhìn lướt qua, những chiếc xe kei lắp biển số lệch trông khá đáng yêu, như một khóe miệng cười hở ra một chiếc răng, nhưng sự thực là việc lắp biển số lệch ở xe kei không phải vì yếu tố thẩm mỹ.
Lý do thực sự đằng sau thiết kế khác thường này là các ràng buộc và quy định dành cho xe kei. Bên cạnh dung tích động cơ (tối đa 660 cc) và công suất (tối đa 66 mã lực), xe kei cũng bị giới hạn về kích thước.
Để được xếp hạng là xe kei, chiếc xe phải có chiều dài không quá 3.400mm, chiều rộng 1.480mm và chiều cao 2.000mm. Với kích thước nhỏ bé như vậy, các nhà thiết kế và kỹ sư bị giới hạn về không gian khoang động cơ, trong khi phải "co kéo" cả không gian cabin. Đó cũng chính là lý do vì sao những chiếc xe kei có kiểu dáng hộp giống nhau.
Trở lại với động cơ, do kích thước và không gian bị hạn chế, các nhà thiết kế và kỹ sư phải tìm cách lắp khối động cơ và các bộ phận quan trọng khác vào khoang nhỏ phía trước xe.
Ví dụ, bộ tản nhiệt thường được đặt ở phía sau lưới tản nhiệt phía trước thì ở xe kei sẽ nằm ở gần hộp số hơn.
Lưu ý rằng nhờ kích thước nhỏ, mọi bộ phận cơ khí được đặt trong một không gian nhỏ gọn và chật hẹp và không có chỗ để đặt bộ tản nhiệt đặt phía trước động cơ như một chiếc xe thông thường.
Nhìn ảnh chụp khoang động cơ của mẫu Honda N-Box, có thể thấy là không còn chỗ cho bộ tản nhiệt ở phía trước động cơ như với ô tô thông thường.
Với bộ tản nhiệt được đặt gần hộp số hơn, trong khi hộp số nằm ở lệch về một bên chứ không phải chính giữa, nên không phải lắp biển số ở phía bên kia, để không cản luồng không khí vào động cơ.
Bên cạnh đó, bộ lọc dầu trên các xe kei cũng thường được đặt phía sau biển số, để việc thay thế đỡ phức tạp; chỉ cần tháo ốc giữ biển số là có thể tiếp cận.
Không có gì ngạc nhiên khi một số người "cuồng" xe kei. Đó không chỉ là một phương tiện có vẻ ngoài dễ thương hay một phương tiện đi lại giá rẻ ở Nhật Bản; nó còn là một tuyệt tác kỹ thuật và nhiều xe kei đời mới được trang bị an toàn rất tốt.
Tuy nhiên, với xu hướng ngày càng phát triển của xe điện, ngay cả các xe kei cũng không thể thoát khỏi quá trình chuyển đổi. Vì một chiếc xe kei thuần điện sẽ không cần đến bộ tản nhiệt, cộng thêm việc không có động cơ đốt trong (mô-tơ điện được lắp ở trục bánh xe, nên thời của biển số lắp lệch cũng sắp kết thúc.