Thị trường ngách cho xe ngoại ở Trung Quốc

(Dân trí) - GM, Honda, và một số nhà sản xuất ô tô lớn khác đang tiếp cận đối tượng khách hàng bình dân ở Trung Quốc bằng những mẫu xe giá rẻ được phát triển riêng, với thương hiệu riêng, cho thị trường đầy tiềm năng này.

Anh Chen Libin, một hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc, mỗi ngày lái xe khoảng 300km quanh khu tự trị Nội Mông để làm việc, nên độ bền là yếu tố chính quyết định lựa chọn xe mới của anh, với ngân sách tối đa 80.000 nhân dân tệ (khoảng 12.153 USD).

 

Chen cho biết xe của nhà sản xuất ô tô trong nước, như Tianjin FAW Xiali Automobile, bắt đầu trục trặc sau 2 năm sử dụng, trong khi xe ngoại có thể chạy ít nhất 5 năm mà không có sự cố gì nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao anh cố dùng chiếc Xiali A+ già nua của mình đợi đến khi GM và Honda ra mắt các mẫu xe dành riêng cho thị trường Trung Quốc trong năm nay. “Đó là những thương hiệu tôi sẽ cân nhắc,” Chen nói tới thương hiệu con Baojun của GM và Li Nian của Honda lập riêng cho thị trường Trung Quốc. “Công nghệ nước ngoài đem đến cho tài xế sự tiện nghi, thoải mái, hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu cao hơn, trong khi chi phí bảo dưỡng lại thấp hơn.”

 

Những khách hàng tiềm năng như Chen là niềm hy vọng của GM, Honda và Nissan, những nhà sản xuất ô tô đang mở thương hiệu con dành riêng cho Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Mục tiêu của họ là tăng doanh số ở Trung Quốc đại lục, nơi mức thu nhập của người dân đã tăng gần 11% trong năm ngoái.
 
Thị trường ngách cho xe ngoại ở Trung Quốc - 1
Mẫu xe Li Nian S1 của Honda phát triển riêng cho thị trường Trung Quốc

 

Theo ông John Zeng, một chuyên gia phân tích ngành ô tô của J.D. Power & Associates (MHP) ở Thượng Hải, việc mở các thương hiệu bình dân hơn sẽ giúp các hãng xe quốc tế cạnh tranh về giá với các hãng xe nội địa mà không làm giảm giá trị các thương hiệu chính của họ đang hoạt động khá tốt ở những khu vực thị trường phát triển hơn của Trung Quốc. “Đây là tình huống đôi bên cùng có lợi,” ông giải thích. “Người tiêu dùng trả ít tiền hơn mà vẫn được dùng công nghệ nước ngoài, trong khi các hãng xe ngoại được lợi từ việc tăng doanh số mà không ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu.”

 

Theo chuyên gia phân tích Leah Jiang của công ty nghiên cứu thị trường Macquarie Research ở Thượng Hải, những thương hiệu dành riêng cho thị trường Trung Quốc này sẽ sử dụng cơ sở gầm bệ của các model xe cũ, rồi bổ sung vài tính năng mới. Hộp số tự động, phanh chống bó cứng, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ tự động, và ghế ngả có thể không được trang bị trên các xe này để giữ giá xe ở mức khoảng 50.000 tệ (khoảng 7.600 USD), theo ông Koji Endo, một nhà phân tích ngành ô tô của công ty Advanced Research Japan, nói.

 

Thị trường ô tô giá rẻ ở Trung Quốc hiện do các hãng xe nội như BYD, Geely, và Chery chiếm lĩnh. Ông Jiang cho biết, xe nội địa Trung Quốc chiếm 3/4 thị phần ô tô giá dưới 50.000 tệ, trong đó hơn một nửa thị phần ô tô giá từ 50.000 đến 80.000 tệ. “Tôi không lo ngại gì về các thương hiệu mới,” ông Jin Yibo, trợ lý giám đốc của Chery, cho biết. Chery có doanh số tăng 36% trong năm ngoái. “Ô tô Trung Quốc cạnh tranh về giá tốt hơn. Thêm vào đó, chúng tôi rất hiểu thị trường và khách hàng trong nước.” Dù vậy, mới đây BYD đã phải giảm giá 5 mẫu xe để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

 

Tiêu thụ ô tô tại Trung Quốc năm 2010 tăng hơn 32% lên gần 18,1 triệu xe, và dự kiến tăng tiếp khoảng 15% trong năm nay, với 2/3 khách hàng đến từ các thành phố có thu nhập trung bình dưới 5.000 USD/năm, theo J.D. Power. “Nếu các thương hiệu này thành công, họ sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều,” ông Bill Russo, một chuyên gia tư vấn cấp cao của công ty Booz & Co. ở Bắc Kinh, nhận định. “Số người có khả năng mua xe ở mức giá đó lớn hơn nhiều.”
 
Thị trường ngách cho xe ngoại ở Trung Quốc - 2
Xe Baojun 630

 

GM, nhà sản xuất ô tô nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc, sẽ bắt đầu bán mẫu sedan cỡ nhỏ Baojun 630 vào mùa xuân năm nay, thông qua liên doanh SAIC-GM-Wuling Automotive. Mẫu xe này sẽ có mặt tại hơn 100 đại lý ở Trung Quốc. GM, hiện chưa công bố giá bán xe Baojun 630, ỳ vọng tốc độ tăng trưởng 15% trong năm tới, sau khi đã chứng kiến mức tăng trưởng 29% vào năm ngoái, lên 2,35 triệu xe.

 

Volkswagen, nhà sản xuất ô tô nước ngoài lớn thứ hai ở Trung Quốc, cùng với các đối tác SAIC Motor và FAW Group có thể cũng sẽ lập một thương hiệu riêng cho thị trường Trung Quốc, theo lời ông Karl-Thomas Neumann, giám đốc Volkswagen Trung Quốc, hồi tháng 1.

 

Honda và đối tác Guangzhou Automobile Group có thể bắt đầu bán mẫu Li Nian S1 trong thời gian tới, giá bán cũng chưa được tiết lộ. Mẫu xe này được phát triển dựa trên Honda City, sử dụng động cơ dung tích nhỏ và nhắm vào đối tượng khách hàng bình dân. “Chúng tôi kỳ vọng những khách mua xe Li Nian rồi sẽ tiến tới xe Honda,” ông Takayuki Fujii, người phát ngôn của Honda tại Bắc Kinh, nói. Doanh số của Honda tại Trung Quốc đã tăng 12% trong năm ngoái, và dự kiến tiếp tục tăng 10% trong năm nay.

 

Nissan cùng đối tác Dongfeng Motor Group cho biết mẫu xe Qi Chen sắp ra mắt nhắm vào phân khúc ô tô giá rẻ. Ông Endo cho rằng có thể giá sẽ rơi vào khoảng 50.000 - 70.000 tệ.

 

Nhật Minh

Theo Business Week