Tâm sự chua chát của nữ tài xế có xe bị tạt sơn khi đỗ đầu ngõ
(Dân trí) - Từng phẫn nộ khi đọc những câu xúi bẩy nhau phá xe người khác và xem ảnh trên mạng xã hội về những chiếc xe bị phá hoại kiểu tạt sơn, nhưng chủ chiếc Kia Morning không ngờ có ngày mình cũng "dính"...
"Tôi mới chuyển về ở tại ngõ 639 Hoàng Hoa Thám hơn một tháng nay. Đó là nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Sau mấy chục năm đi lấy chồng, giờ tôi quay về chăm sóc nhà cửa bởi cha mẹ đều đã khuất núi.
Đầu ngõ 639 Hoàng Hoa Thám rộng lắm, lại không cấm xe ô tô, nên xe tải vẫn có thể đến chuyên chở hàng. Trong ngõ còn có chung cư mini, ô tô vẫn ra vào thường xuyên.
Vì thấy đầu ngõ luôn có xe ô tô đỗ cả ngày lẫn đêm, xe ô tô đi lại thoải mái nên những ngày đầu tôi cũng tính đu theo, đỗ đêm. Được vài tối thì tổ trưởng gọi điện nhắc nhở tôi mang xe đi chỗ khác. Mặc dù hơi buồn và thất vọng nhưng muốn dung hòa quan hệ cư dân nên tôi thực hiện theo yêu cầu của tổ trưởng, không mang xe về đầu ngõ đỗ nữa.
Hôm 27/7 vừa qua, do sau giờ làm còn đi chút việc riêng nên 23h tôi mới trở về nhà, vừa mệt lại nghĩ sáng hôm sau mình đi làm sớm nên tôi lùi xe đỗ ở đầu ngõ 639 Hoàng Hoa Thám.
7h sáng hôm sau, khi ra lấy xe đi làm, tôi vô cùng sốc vì thấy sự thể như ảnh đính kèm. Ai đó "đầy lòng trắc ẩn" đã đầu tư tặng tôi cả lon sơn đỏ chót để phủ lên kính trước xe của tôi. Chỉ muốn thổn thức vì "tấm lòng" và sự tốn kém mà họ đã dành cho tôi các bạn ạ.
Tôi vội gặp anh chủ nhà to đùng nơi tôi đỗ xe cạnh tường để xin trích xuất camera có góc chiếu thẳng vào chỗ xe tôi đỗ. Song rất tiếc anh từ chối. Với góc độ tình cảm hàng xóm láng giềng biết nhau từ thời thơ ấu. anh chỉ nhẹ nhàng căn dặn tôi từ nay né chỗ đỗ sát nhà anh ra, vì trước đó đã có nhiều xe đã bị bẻ gương, gạt kính tại đấy.
Tôi cũng nhắn tin qua Zalo và gửi ảnh xe bị phá hoại cho tổ trưởng tổ dân phố để anh kịp thời nắm bắt tình hình ngõ xóm. Anh chỉ thả trái tim vào tấm hình chiếc xe bị phủ sơn.
Cảm xúc mênh mang về một nỗi buồn tình làng nghĩa xóm vẫn còn nguyên trong tôi cho đến giờ.
Tôi chỉ có cái "xe cỏ" này làm phương tiện đi lại, kiếm sống. Trên xe luôn ghi số điện thoại để nếu ai cần có thể gọi. Gần 20 năm biết "vần vô lăng", chưa bao giờ tôi đỗ xe chắn cửa nhà ai hoặc khiến ai đó khó ra vào, lên xuống... Tôi cũng từng phẫn nộ khi đọc được những câu xúi bẩy nhau phá xe người khác và xem ảnh ở đâu đó trên mạng xã hội về những chiếc xe bị phá hoại kiểu như thế này, nhưng tôi không ngờ có ngày mình lại là người "dính chưởng".
Thôi thì sai đúng ở đâu cũng chỉ biết nương nhờ luật pháp, tôi chọn đi trình báo Công an Phường sở tại (phường Vĩnh Phúc).
Dù kết quả tìm kiếm có ra sao, dù sự hả hê hay đồng cảm của cộng đồng ở mức nào thì tôi cũng nghĩ mình cần viết lên đây để góp thêm tiếng nói báo động về những hành như trên cần sớm chấm dứt. Giữa thủ đô mà còn xảy ra những hiện tượng như thế này thì thật đáng buồn biết bao! Cám ơn các bạn vì đã đọc!".
Những chia sẻ trên của chị Thanh H. (Hà Nội) trên OFFB, một trong những diễn đàn về xe và giao thông đông thành viên nhất trên mạng xã hội Facebook, đã thu hút hàng ngàn lượt xem và bình luận, làm dấy lên tranh luận sôi nổi.
Rất nhiều ý kiến cho rằng dù đúng sai thế nào thì cũng không được phép phá hoại tài sản của người khác.
"Chủ xe đỗ như thế dù có sai đi nữa cũng không được phá hoại tài sản người ta như thế này. Với xe có gắn số điện thoại, thấy vướng sao không gọi mắng cho một trận?", tài khoản Facebook Tiến L. nêu ý kiến.
"Đúng sai thế nào không biết, nhưng hành xử như thế này thật đáng sợ. Bác chủ xe có để lại số điện thoại mà, sao không gọi nhau một câu, nỡ nào làm thế kia", tài khoản H.Anh bình luận.
"Lòng đường đã hẹp, lòng người còn hẹp hơn… Chán thật!", tài khoản N.Đức bình luận.
"Trước mình cũng ở trong ngõ này, trong ngõ này sâu hơn xíu có hai bãi để ô tô nhưng thường là cho dân khu chung cư để nên nhanh hết chỗ gửi lắm. Thi thoảng về nhà ngủ trưa hay để qua đêm mà không gửi được ra bãi mình vẫn để lại số điện thoại. Hàng xóm cũng gọi để bảo đánh xe ra cho người ta đỗ xe về, chứ chẳng ai hành xử thiếu tình người như thế này luôn. Đen cho chị chủ xe quá", tài khoản P.Dung chia sẻ.
Trong khi đó, một số người khác cho biết ở đầu ngõ này, tại vị trí đối diện cũng từng có một chiếc Toyota Vios bị tạt sơn đỏ.
Một số ý kiến cho rằng nếu những sự việc tương tự không được xử lý theo luật pháp thì sẽ tái diễn.
"Ngay cả trong trường hợp chủ ô tô đỗ xe sai thì cũng không thể lấy một hành vi sai trái khác để xử lý hay dằn mặt kiểu "giang hồ", bởi nếu vậy thì còn cần đến pháp luật để làm gì?", tài khoản Tuấn M. nêu ý kiến.
"Dựa vào đâu mà nhiều người được phép coi vỉa hè, lòng đường, không gian phía trước hoặc bên cạnh nhà mình là "của mình", không cho ai dừng đỗ xe vậy? Tôi chung chứ không phải cụ thể trường hợp này, đã có quá nhiều vụ việc tương tự. Nếu người thực hiện hành vi phá hoại tài sản người khác mà không bị truy cứu trách nhiệt thì chuyện còn dài", tài khoản Anh Q. bình luận.
"Có bữa tôi lên Phố Huế, dừng xe nghe điện thoại khoảng 5-7 phút, vỉa hè thì rộng nhưng chủ nhà vẫn ra đập kính rất mạnh đuổi đi. Nói nhẹ nhàng là em nghe điện thoại chút mà anh ấy văng tục dọa dẫm, sợ thực sự!", tài khoản B.Bình chia sẻ.
Về quy định dừng, đỗ xe, Khoản 4 điều 18 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định không được dừng, đỗ xe tại các vị trí như bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; nơi dừng xe buýt; trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe…
Trong khi đó, Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định mức phạt tiền 10-50 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá 2-50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp tái phạm; hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Nếu gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị áp mức phạt tù 2-7 năm.