Đỗ chắn trước cửa hàng, ô tô bị xịt sơn trắng xóa
(Dân trí) - Sáng nay, hình ảnh chiếc Honda CR-V màu đỏ bị xịt sơn trắng xóa do đỗ chắn mặt tiền của một cửa hàng quần áo ở Hải Phòng đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng.
Sự việc được xách định xảy ra vào ngày 4/4 tại số 9 Lương Khánh Thiện, Tp. Hải Phòng. Ảnh chụp cho thấy chiếc Honda CR-V đậu trên vỉa hè, chặn lối vào một cửa hàng quần áo.
Có vẻ như đây vẫn là chủ đề luôn gây tranh luận sôi nổi khi được đăng lên mạng xã hội, khi một bên cho rằng tài xế đã đậu xe quá thiếu ý thức nên phải chịu hậu quả, trong khi một bên lập luận rằng dù lý do là gì thì hành vi xịt sơn xe như vậy là cố ý hủy hoại tài sản của người khác, có thể bị kiện và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một tài khoản Facebook bình luận: "Việc xử lý sai phạm đã có cơ quan chức năng. Chủ nhà, chủ cửa hàng cứ hành xử kiểu "giang hồ" thế này thì còn gì là luật pháp. Hành vi này có thể bị truy tố tội cố ý hủy hoại tài sản của người khác".
"Từ bao giờ mà các hộ kinh doanh nghiễm nhiên coi vỉa hè, mặt đường phía trước cửa hàng là do mình quản lý vậy?" - một tài khoản khác nhận xét.
"Biết là chi phí thuê cửa hàng không rẻ, việc bị ô tô đỗ chắn cửa như vậy là ảnh hưởng, nhưng cũng không thể vì thế mà cố ý hủy hoại tài sản của người khác." - một người dùng mạng xã hội bình luận.
Có vẻ như nếu tài xế ô tô để lại số điện thoại sau khi đỗ xe thì đã không khiến sự việc trở nên nghiêm trọng như vậy.
Đây chỉ là một trong rất nhiều tình huống được chia sẻ trên mạng xã hội trong thời gian qua liên quan đến văn hóa dừng, đỗ xe. Gần đây nhất là trường hợp chiếc Mitsubishi Xpander màu trắng đỗ bên đường Trần Khát Chân (Hà Nội) bị dính đầy sợi mì, bún, hành… trên kính lái và nắp ca-pô. Sự việc được cho là do ô tô đỗ gần mặt tiền của một cửa hàng phở, chiếm chỗ để xe của khách vào quán. Ngoài việc bị làm bẩn, xịt sơn, cào xước..., một số trường hợp ô tô dừng đỗ còn bị người dân kéo thùng rác hoặc xếp gạch chặn xung quanh.
Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định mức phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 - 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp tái phạm; hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Nếu gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị áp mức phạt tù từ 2 - 7 năm.