SUV thống lĩnh Triển lãm ô tô Bắc Kinh 2016
(Dân trí) - Triển lãm ô tô Bắc Kinh 2016 đang diễn ra ở Trung Quốc phản ánh rõ rệt cuộc chạy đua giữa các thương hiệu lớn với các hãng xe nội địa nhằm thoả mãn "cơn khát" xe to của thị trường ô tô lớn nhất thế giới này.
"Thị trường SUV [ở Trung Quốc] dường như không thể thoả mãn... Bạn sẽ thấy nó liên tục tăng trưởng," ông Mark Reuss - Phó chủ tịch phụ trách phát triển sản phẩm toàn cầu của GM nhận xét.
Hôm 25/4 vừa qua, khi Triển lãm ô tô Bắc Kinh 2016 chính thức khai mạc, các hãng xe hàng đầu thế giới, như Mercedes, Honda Motor, Ford, Volkswagen và GM, đồng loạt ra mắt các mẫu SUV mới, trong đó, nhiều xe là dạng concept, hoặc xe mẫu, nhằm giới thiệu phong cách và công nghệ mới, chứ chưa được sản xuất đại trà để bán ra thị trường.
Ví dụ, chiếc T-Prime Concept GTE của Volkswagen là xe hybrid sạc điện có táp-lô công nghệ cao.
"Nhu cầu mua xe to tại Trung Quốc đang tăng, và các nhà sản xuất ô tô giờ đây tập trung vào việc nới không gian bên trong xe và tăng số chỗ ngồi trên xe SUV," ông Namrita Chow - chuyên gia phân tích của IHS Automotive - cho biết.
"Ví dụ, Ford đã thêm hàng ghế thứ ba vào mẫu Edge SUV, biến nó thành xe 7 chỗ trong ở các thị trường khác là 5 chỗ. Đây chính là cách các nhà sản xuất ô tô dùng để gia tăng thị phần ở Trung Quốc."
Chiếc SUV chạy điện EX200 EV của hãng xe nội địa Trung Quốc BAIC (Ảnh: Bloomberg/Getty Images)
Doanh số SUV ở Trung Quốc đại lục đã tăng 52% trong năm ngoái, là một trong số ít phân khúc vẫn đang tăng trưởng của thị trường ô tô, theo IHS. Tính riêng tháng 3 vừa qua, nhu cầu SUV của thị trường Trung Quốc tăng 46,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Fitch Ratings. Việc các nhà sản xuất giảm giá cả những mẫu xe bán chạy nhất cho thấy cuộc cạnh tranh trên phân khúc SUV ngày càng khốc liệt.
Tính đến thời điểm hiện tại, các thương hiệu quốc tế vẫn dẫn đầu thị trường, dù các hãng xe nội địa có giá rẻ hơn.
Mẫu CS35 - SUV đầu tiên của Changan Auto có giá bán chỉ từ 10.000 USD, nhưng lãnh đạo các thương hiệu quốc tế không thấy bị đe doạ.
"Chúng tôi tạo sự khác biệt bằng chất lượng, khả năng kết nối, độ bền, và chúng tôi sẽ cạnh tranh cả về giá," ông Reuss nói.
Acura CDX - tân binh trên thị trường SUV-crossover cỡ nhỏ - vừa ra mắt tại Triển lãm ô tô Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, các quy định mới có thể sẽ là một trở ngại đối với các hãng xe ngoại.
Trung Quốc có kế hoạch siết chặt các tiêu chuẩn khí thải vào năm 2017 nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí; theo đó, các quy định mới có thể sẽ hạ mức giới hạn khí thải cho phép của các xe động cơ xăng và diesel xuống chỉ còn một nửa so với hiện tại, theo Reuters.
Toyota cho rằng các quy định mới này có thể sẽ khiến công ty không đạt được mục tiêu doanh số 2 triệu xe/năm tại Trung Quốc vào năm 2025.
Tuy nhiên, các công ty đều đang rất nỗ lực tìm kiếm giải pháp đối phó với các quy định về khí thải và tiêu thụ nhiên liệu ngày một khắt khe hơn, không chỉ ở Trung Quốc.
Ông Chow cho biết, các nhà sản xuất ô tô giờ đây sử dụng hệ thống tăng áp cho động cơ dung tích nhỏ hơn, đồng thời cố cắt giảm trọng lượng xe hết mức có thể để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu.
Một số hình ảnh các mẫu xe mới ra mắt tại Triển lãm ô tô Bắc Kinh 2016:
Mẫu Mazda CX-4 được phát triển riêng cho thị trường Trung Quốc (Ảnh: Leftlane)
Chiếc T-Prime Concept GTE của Volkswagen (Ảnh: Leftlane)
SUV với động cơ hybrid như Volkswagen T-Prime Concept vừa đáp ứng nhu cầu xe cỡ lớn của thị trường Trung Quốc và giải quyết vấn đề giảm lượng khí thải (Ảnh: Reuters)
Mẫu Senova X35 của BAIC (Ảnh: AFP/Getty Images)
Chery Tiggo 7 (Ảnh: AP)
Mẫu xe offroad của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc BAIC có diện mạo khá giống Jeep Wrangler (Ảnh: AP)
Honda Avancier (Ảnh: Reuters)
Thị trường Trung Quốc cũng dành nhiều sự quan tâm đến các loại xe xanh, xe sử dụng năng lượng mới. (Ảnh: Reuters)
Toyota FCV Plus (Ảnh: AP)
Toyota Jixie concept (Ảnh: AP)
Triển lãm ô tô Bắc Kinh được tổ chức hai năm/lần, luân phiên với Triển lãm ô tô Thượng Hải. Năm nay, Triển lãm ô tô Bắc Kinh diễn ra từ ngày 25/4 đến 4/5.
Nhật Minh
Theo CNBC, CBC