Ô tô Trung Quốc: Tốt thực sự hay khách mua xe "cuồng" quá mức?

Nam Anh

(Dân trí) - Các mẫu xe Trung Quốc được trang bị nhiều công nghệ, tính năng, đi kèm mức giá không hề rẻ nhưng vẫn chưa thực sự thuyết phục khách hàng tại chính quê nhà cũng như người dùng Việt Nam.

Zotye Z8, Brilliance V7, Baic X55 hay gần đây có Beijing X7 là những mẫu xe Trung Quốc tạo được sự quan tâm nhất định đối với khách hàng trong nước. Các thương hiệu láng giềng “đánh” vào phân khúc không hề rẻ nhưng "bù đắp" bằng hàng loạt tính năng như một cách làm hoa mắt khách.

Truyền thông nhiều, bán được bao nhiêu? 

Một số nguồn tin cho rằng Beijing X7 đã nhận được 1.000 đơn đặt hàng trong vòng một tháng ra mắt tại Việt Nam. Thậm chí, mức giá của mẫu xe này còn bị đồn tăng từ 688 triệu lên 698 triệu đồng, trong khi khách hàng phải đặt cọc tới 200 triệu đồng mới có tên trong danh sách chờ.

Ô tô Trung Quốc: Tốt thực sự hay khách mua xe cuồng quá mức? - 1

Để nhìn tổng quan, Beijing X7 bán được 13.805 xe tại thị trường quê nhà sau 4 tháng ra mắt, tức trung bình mỗi tháng bán được 3.451 xe. Trong khi đó, toàn thị trường Trung Quốc tiêu thụ 21 triệu xe mỗi năm, quy mô lớn gấp 70 lần thị trường ô tô Việt Nam với sức mua 300.000 xe mỗi năm.

Tại thị trường này, Honda CR-V, đối thủ được cho là đồng hạng với Beijing X7 dù giá cao gấp đôi, bán được khoảng 17.000 xe mỗi tháng.

Tại Việt Nam, tính trung bình từ đầu năm, mẫu xe có doanh số tốt nhất phân khúc C-SUV CX-5 mỗi tháng hiện chỉ tiêu thụ được trung bình hơn 800 chiếc. Tháng cao điểm nhất, mẫu này đạt tới con số 1.700 chiếc bán ra thị trường.

Từ những con số trên, người dùng hoàn toàn có thể đặt dấu hỏi về mức 1.000 đơn hàng của Beijing X7, hoặc người Việt đang “cuồng” chiếc xe này gấp khoảng 10 - 20 lần so với chính khách hàng Trung Quốc.

Ô tô Trung Quốc: Tốt thực sự hay khách mua xe cuồng quá mức? - 2

"Ma trận" thông tin mang tính dẫn dắt, sắp đặt về xe Trung Quốc trên mạng xã hội

“Thực tế, lượng người quan tâm xe Trung Quốc vì tò mò là nhiều. Chưa kể các đơn vị phân phối, bán hàng sử dụng mạng xã hội để truyền thông nên người dùng tiếp cận theo hướng thụ động bởi các video, quảng cáo, bài viết “đập” vào mắt”, Phan Văn Quốc, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông nhận định.

“Đòn tâm lý được sử dụng nhuần nhuyễn trong các nội dung về xe Trung Quốc và đặc biệt là Beijing X7. Họ lấy xe Nhật, xe Hàn vào để nói rằng người dùng này là không biết hưởng thụ, chi tiền một cách “mù quáng”. Thậm chí họ kéo xe Đức xuống để so sánh như một cách để bẩy mình lên”, chuyên gia này cho biết thêm. 

Đó còn là hiệu ứng đám đông, đưa khách hàng vào “ma trận” những nội dung mà không biết đó là người dùng thật hay những tài khoản Facebook chỉ mới lập được mấy ngày và hoàn toàn không có tương tác gì ngoài mấy bài viết về xe Trung Quốc. Chiêu bài "sốt ảo" cũng được áp dụng để thu hút khách.

Xe Trung Quốc “đuối” ngay tại chính quê nhà 

Baic, hãng mẹ của thương hiệu Beijing, chỉ bán được 79.115 xe trong 9 tháng đầu năm 2020, giảm đến 61,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bản thân đơn vị này cũng phụ thuộc chính vào việc liên doanh với Hyundai và Mercedes-Benz, còn các mẫu xe của riêng mình chưa tạo được chỗ đứng rõ nét trên thị trường nội địa.

Ô tô Trung Quốc: Tốt thực sự hay khách mua xe cuồng quá mức? - 3

Nếu đạt 1.000 đơn hàng trong tháng đầu ra mắt thì Beijing X7 tại đang "hot" gấp hàng chục lần so với tại chính quê nhà

Hay như “hàng hot” một thời là Brilliance V7, được tung hô với công nghệ động cơ BMW, lúc đỉnh điểm bán được hơn 2.000 xe mỗi tháng, một con số quá nhỏ so với quy mô thị trường quê nhà. Sang năm 2020, có tháng không bán được chiếc nào, sau đó “bại tướng” này lại được đưa về Việt Nam rồi truyền thông rầm rộ.

Theo báo cáo của JD Power, công ty toàn cầu nghiên cứu về người dùng, ô tô Trung Quốc đã cải thiện chất lượng so với thương hiệu quốc tế nhưng vẫn còn một khoảng cách. Tuy nhiên, lỗi liên quan đến hỏng hóc, xe không hoạt động, phát ra tiếng kêu hay xuống cấp theo thời gian lại tăng lên.

“Cùng là thanh sắt nhưng để làm dao thì khác, làm kiếm lại khác và câu chuyện về vật liệu trên ô tô cũng vậy. Hay như các chi tiết nhựa, sơn vỏ… cũng cần phải chống chọi được với thời tiết sau nhiều năm, nhưng điều này với xe Trung Quốc vẫn còn là câu hỏi”, kỹ sư Nguyễn Việt Đức, chủ một gara tại Hà Nội, nhận xét. 

Đó còn là chưa kể đến những công nghệ an toàn, bảo vệ người trên xe. Đồng ý là các mẫu ô tô Trung Quốc đang được quảng cáo với nhiều túi khí, hàng loạt tính năng an toàn chủ động nhưng tất cả những va chạm đều tác động vào khung gầm, thân vỏ và liệu nó có đủ cứng vững để bảo vệ chủ xe?

“Chỉ khoảng 25% khách hàng mua xe Trung Quốc có niềm tin vào chất lượng”, một khảo sát cho biết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm