Ô tô tập lái "chiếm trọn" làn tốc độ cao, bảo sao đi ra đường là ức chế

PV

(Dân trí) - Không hiếm những chiếc xe gắn biển "tập lái", khi đi cao tốc lại "bò ra đường" ở bên trái - làn vốn thiết kế cho những phương tiện đi với vận tốc cả trăm km/h (Độc giả Ngô Tuấn).

Có một nghịch lý khi tham gia giao thông ở Việt Nam: Tại những đoạn đường cần đi chậm thì người ta lại phóng nhanh vượt ẩu, trong khi trên những tuyến cao tốc lại không khó bắt gặp những chiếc xe đi theo kiểu rùa bò nhưng lại chiếm trọn làn ở bên trái.

Đường cao tốc là nỗ lực của xã hội, của đất nước trong việc giúp người dân đi lại nhanh, thuận tiện và an toàn hơn. Thế nhưng có không ít người như muốn kéo cả xã hội đi lùi, hoặc nói đúng theo nghĩa đen là buộc những người khác phải đi chậm lại, khi điều khiển xe "bò ra đường" trên những tuyến cao tốc.

Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng một trong số đó đến từ chính cách các thầy dạy lái xe hướng dẫn cho học viên.

Ô tô tập lái "chiếm trọn" làn tốc độ cao, bảo sao đi ra đường là ức chế (Video: GTVM).

Hôm vừa rồi, khi đi trên tuyến cao tốc Láng - Hòa Lạc, ngay phía trước xe tôi là chiếc ô tô gắn biển "tập lái" chạy với tốc độ khoảng 50km/h suốt cả một chặng dài. Đáng phê phán hơn khi xe ấy chạy ở làn bên trái, vốn thiết kế với tốc độ tối đa 100km/h.

Thế là tôi và những người đi sau không thể chạy nhanh hơn, buộc phải giảm tốc độ theo. Dù đã bấm còi, xi-nhan xin vượt nhưng đều vô ích. Cảm giác vô cùng ức chế khi gặp cảnh như vậy trên đường cao tốc.

Sẽ có những người thắc mắc: sao không chuyển sang làn bên phải để vượt? Xin trả lời rằng theo quy tắc giao thông thì phương tiện đi nhanh di chuyển ở làn bên trái, xe đi chậm hơn thì đi ở làn phải (theo chiều đi của mình). Thông tin này thậm chí được đặt trên rất nhiều tấm biển tại các tuyến cao tốc.

Thầy dạy lái mà còn để cho học viên "bò ra đường" ở làn trái trên cao tốc thì tự hỏi sao ra đường không gặp nhiều tài xế điều khiển xe cũng như vậy. Từ những cái rất đơn giản, rất cơ bản như thế mà các thầy còn không nhắc nhở học viên, thì làm sao dám mong tới những điều to tát hơn.

Một điểm rất tiếc nữa là ở Việt Nam thường có xử phạt chạy quá tốc độ chứ hiếm thấy trường hợp vi phạm lỗi chạy chậm.

Luật giao thông đường bộ có quy định: "Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi ở tốc độ thấp hơn phải đi sang phía bên phải đường".

Trường hợp điều khiển phương tiện chạy ở tốc độ thấp mà không đi về phía bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông, sẽ bị phạt tiền 300.000-400.000 đồng đối với xe gắn máy, xe mô tô và phạt tiền 400.000-600.000 đồng đối với ô tô.

Điều khiển xe dưới tốc độ tối thiểu tại những đoạn đường có quy định tốc độ tối thiểu, sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy; phạt tiền 800.000-1.000.000 đồng đối với ô tô.

Độc giả Ngô Tuấn