Ô tô tải tạt đầu, cà xước xe con rồi bỏ chạy gây bức xúc
(Dân trí) - Sự việc diễn ra vào ngày 14/7 trên Quốc lộ 32b hướng đi Phù Yên (Sơn La) và được camera hành trình của ô tô con ghi lại.
Pha tạt đầu để vượt được cho là do tài xế ô tô tải cố ý gây va chạm với xe con, chứ không phải do đường không đủ rộng.
Khi video được chia sẻ lên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng vết xước tuy không lớn, nhưng chủ xe có camera hành trình nên trình báo sự việc lên cơ quan chức năng để truy tìm tài xế xe tải, yêu cầu bồi thường thiệt hại, không nên bỏ qua.
Cũng có không ít ý kiến phán đoán rằng trước đó, có thể xe con không nhường đường cho ô tô vượt lên một đoạn dài, khiến tài xế ô tô tải bức xúc. Tuy nhiên, đó là lý do khó được chấp nhận.
Với khu vực đường đèo nhỏ hẹp như tình huống trong clip, tài xế ô tô tải cần kiên nhẫn chờ khi đủ điều kiện an toàn mới vượt.
"Kể cả là xin vượt mà không được nhường đường thì cũng phải chịu. Xe người ta chạy đúng tốc độ, đường thì hẹp, chạy ép sát thêm nữa sang bên phải đường dễ xuống mương lắm.
Theo tôi, trong tình huống này là xe tải cố tình tạt đầu, cần truy tìm và yêu cầu chịu trách nhiệm bồi thường để biết thế nào là đúng sai chứ không họ sẽ nghĩ có quyền làm như vậy khi tham gia giao thông", tài khoản Hùng Anh nêu ý kiến.
"Sao lại có cái lý lẽ là tại xe có camera hành trình chạy chậm nên tài xế xe tải bực mình mới làm vậy nhỉ? Có phải đường cao tốc phân làn đâu mà không được chạy chậm.
Muốn vượt thì tìm chỗ thoáng mà vượt. Cái kiểu không vượt được thì ép đầu xe khác như vậy mà nhiều người còn bênh được. Nếu lỡ vì bị tạt đầu bất ngờ mà người ta bị mất lái gây tai nạn thì sao?", tài khoản Đức Hùng bình luận.
Dù lý do là gì, theo quy định pháp luật, sau khi xảy ra va chạm, người điều khiển phương tiện phải lập tức dừng xe để giải quyết hậu quả.
Cụ thể, Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển xe và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm:
- Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
- Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi lực lượng chức năng đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu, phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất;
- Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Về mức phạt đối với người điều khiển ô tô gây tai nạn giao thông không dừng lại, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức xử phạt hành chính 16-18 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 5-7 tháng.
Ngoài ra, tùy trường hợp, tài xế gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 72 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt tù từ 3 đến 10 năm.
Ngoài ra, Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn.