Ô tô tải chèn ngã xe máy rồi bỏ chạy khiến cộng đồng phẫn nộ

Nhật Minh

(Dân trí) - Vào thời điểm đó, trên cầu không có nhiều xe cộ qua lại, tài xế ô tô tải có vẻ như đã cố tình đánh lái sang phải để tạt ngã người đi xe máy.

Sự việc diễn ra vào chiều 4/1 trên cầu Ngọc Tháp (Phú Thọ) và được camera hành trình của xe phía sau ghi lại.

Ô tô tải đánh lái chèn ngã xe máy rồi bỏ chạy (Video: OFFB/Tin nóng Phú Thọ 247).

Hình ảnh cho thấy hai người đi xe máy đã bị ngã ra đường và văng đi một đoạn, nhưng có vẻ không bị chấn thương nghiêm trọng, có thể tự đứng dậy sau tai nạn.

Khi được chia sẻ lên mạng xã hội, video ghi lại sự việc đã gây phẫn nộ; hầu hết ý kiến đều cho rằng cơ quan chức năng nên truy tìm tài xế ô tô tải và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

"Cầu rộng và vắng, không hiểu sao tài xế ô tô tải làm vậy. Ngay cả khi hai người đi xe máy song song cũng vẫn còn đủ đường để ô tô tải vượt lên. Trong tình huống này, nếu cần cảnh báo hoặc nhắc nhở xe máy đi gọn vào thì nhấn nhẹ còi là chuẩn nhất", tài khoản mạng xã hội có tên Hồng Quang bình luận.

"Dù lý do là gì cũng không thể chấp nhận hành vi của tài xế xe tải. Đó là vấn đề liên quan đến tính mạng của người khác. Rất mong cơ quan chức năng vào cuộc", nick Đức Hùng nêu ý kiến.

"Phải chăng tài xế ô tô tải thấy hai người đi xe máy dàn hàng ngang trên cầu để "buôn chuyện" nên khó chịu? Ô tô chèn ngã người khác là sai rồi, nhưng người đi xe máy cũng nên rút kinh nghiệm, đừng chạy song song như vậy vừa gây nguy hiểm cho bản thân vừa cản trở giao thông", nick Anh Quân bình luận.

"May mà người đi xe máy có đội mũ bảo hiểm. Nhiều người vẫn hay chủ quan cho rằng đi gần hoặc đi chậm thì không cần đội mũ bảo hiểm. Tình huống này cho thấy lý do phải luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy ra đường", nick Quang Thắng nhận xét.

Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển xe và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm:

- Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

- Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi lực lượng chức năng đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu, phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất;

- Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Về mức phạt đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức xử phạt hành chính 16-18 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 5-7 tháng.

Tài xế gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 72 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Ngoài ra, Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn.