Ô tô càng nhiều công nghệ hỗ trợ lái thì chi phí sửa chữa lại càng tốn kém
(Dân trí) - Công nghệ tân tiến khiến cho việc sửa xe không còn đơn giản như thời trước, chi phí cũng không hề dễ chịu và đây là mặt trái ít được nhắc tới của các công nghệ hỗ trợ lái hiện đại.
Một khảo sát của Viện Bảo hiểm An toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS) cho thấy khoảng một nửa số xe được trang bị các hệ thống hỗ trợ lái tân tiến (ADAS) sau khi qua sửa chữa (vì bất kỳ lý do gì) không còn hoạt động trơn tru như trước.
ADAS là tên gọi chung cho các tính năng hỗ trợ lái như cảnh báo va chạm phía trước, hệ thống phanh khẩn cấp, hay hệ thống kiểm soát điểm mù.
"Phần lớn trong số hơn 3.000 chủ xe mà chúng tôi đã liên hệ cho biết họ chưa từng phải sửa chữa tính năng hỗ trợ tránh va chạm, nhưng một số ít thì có, và việc sửa chữa không phải lúc nào cũng dễ dàng", bà Alexandra Mueller - nhà khoa học nghiên cứu cao cấp của IIHS, cũng là người thiết kế khảo sát này - cho biết. "Nhiều người gặp phiền phức với công nghệ này sau đó, và một số chủ xe cho biết họ đã phải sửa đi sửa lại nhiều lần một bộ phận. Tuy nhiên, đa số cho biết nếu được chọn lại, họ sẽ vẫn mua một chiếc xe được trang bị công nghệ này, và phần lớn hài lòng với chi phí kéo theo".
Theo ước tính của IIHS, tại Mỹ, việc thay kính chắn gió có thể khiến chủ xe tốn khoảng 250 USD. Tuy nhiên, một khảo sát khác của Viện Dữ liệu Tai nạn giao thông (HLDI), thuộc IIHS, cho thấy các xe được trang bị tính năng phòng ngừa va chạm phía trước có thể có chi phí thay kính chắn gió trước ít nhất là 1.000 USD, chủ yếu liên quan đến việc hiệu chuẩn.
"Khoảng 2/3 chủ xe từng phải sửa tính năng chống va chạm đã phải thay kính chắn gió, và gần 3/4 trường hợp cần sửa xe do tai nạn cho biết họ gặp một số trục trặc với công nghệ này sau khi sửa xe", IIHS cho biết.
Cơ quan này giải thích thêm rằng một số quy trình hiệu chuẩn phức tạp và cần không gian rộng, sự đào tạo chuyên sâu và trang thiết bị đắt tiền. Phần mềm hiệu chuẩn phải thường xuyên cập nhật, nên các xưởng sửa chữa khó có thể theo được. Việc này trở nên phức tạp hơn nữa do thiếu sự tiêu chuẩn hóa quy trình hiệu chuẩn. Các nhà nghiên cứu của IIHS đang theo dõi các vấn đề này để xem liệu chúng có tiếp tục tồn tại hay sẽ biến mất theo thời gian.
Các tính năng hỗ trợ chống va chạm phía trước, như phanh tự động khẩn cấp (AEB) và hệ thống cảnh báo va chạm phía trước (FCW) đều hoạt động dựa vào các camera lắp phía sau gương chiếu hậu, được gắn bằng keo lên kính chắn gió. Đây là một thiết bị đo khoảng cách chính xác và không thể tháo bằng tay và lắp lại theo tiêu chuẩn nhà máy.
Với các hệ thống kiểm soát điểm mù cũng vậy, nhiều cái phụ thuộc vào radar giấu phía sau cản trước.
Trong một số trường hợp, việc lắp lốp quá to hoặc điều chỉnh độ cao của hệ thống treo (vượt quá giới hạn hợp lý) có thể ảnh hưởng tới độ chính xác.
Bên cạnh đó, nhiều xe ngày nay được lắp loại kính có khả năng cách âm tốt, nên chi phí thay thế không hề dễ chịu; nếu thay bằng loại rẻ tiền hơn thì hiệu quả cách âm sẽ giảm. Còn với các xe được trang bị màn hình HUD, kính chắn gió cần có một lớp phủ đặc biệt, cho phép hình ảnh chiếu lên đó rõ ràng.