Những trường hợp được đi đè vạch xương cá

Nhật Minh

(Dân trí) - Hiện nay, có không ít vạch xương cá được kẻ bất hợp lý trên đường, khiến người tham gia giao thông lúng túng, không biết đi như thế nào cho đúng.

Ý nghĩa của vạch xương cá 

Trong quy định pháp luật hiện nay về giao thông, không có thuật ngữ vạch xương cá, mà đây là cách gọi phổ biến của người dân đối với vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được quy định tại Phụ lục G Quy chuẩn quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT.

Vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V (vạch xương cá) được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông giao thông trên đường.

Những trường hợp được đi đè vạch xương cá - 1

Vạch xương cá chằng chịt trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (đoạn từ cầu Nhật Tân rẽ ra đường gom thuộc huyện Đông Anh và chiều ngược lại) từng nhiều lần bị phản ánh là khiến người tham gia giao thông di chuyển khó khăn nếu không muốn đè lên vạch kẻ (Ảnh: Quân Đỗ).

Khi vạch xương cá được sử dụng, các phương tiện giao thông phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008.

Quy cách vạch như sau:

- Vạch xương cá bao gồm các vạch liền nét, màu trắng được vẽ song song, mỗi vạch rộng 45cm, khoảng cách hai mép vạch 100cm, vạch nghiêng một góc 135 độ theo chiều ngược chiều kim đồng hồ so với hướng chuyển động của xe.

- Vạch xác định phạm vi kẻ vạch xương cá là vạch đơn liền nét, màu trắng. Vạch này có bề rộng nét vẽ b = 20cm.

Những trường hợp được đi đè vạch xương cá - 2

Minh họa vạch xương cá theo Quy chuẩn quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT.

Đi đè vạch xương cá sẽ bị phạt như thế nào?

Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

Trong khi đó, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người tham gia giao thông cần tuân theo chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có vạch kẻ đường.

Mức phạt lỗi đè vạch xương cá được áp dụng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Những trường hợp được đi đè vạch xương cá - 3

Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính như sau:

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng.

- Người vi phạm không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Như vậy, các phương tiện giao thông phải đi theo tuyến đường quy định, không được đè vạch xương cá, trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định như:

- Xe gặp sự cố buộc phải dừng, đỗ trên đường;

- Tài xế, phương tiện đang trong tình trạng nguy hiểm;

- Ảnh hưởng bởi thời tiết xấu… 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm