Đè vạch xương cá để vượt, tài xế xe con nhận cái kết "đắng"

Nhật Minh

(Dân trí) - Đây là lỗi mà nhiều tài xế mắc phải khi lái ô tô trên đường cao tốc, do nóng vội muốn vượt xe phía trước.

Tình huống trong clip dưới đây diễn ra trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào chiều 12/6 vừa qua.

Theo đó, chiếc ô tô con màu đỏ đã đè vạch kẻ đường màu vàng để vượt lên ở bên trái xe có camera hành trình với tốc độ khá cao. Và liền sau đó, chiếc xe này đã bị cảnh sát giao thông "tuýt còi".

Đè vạch vàng để vượt, tài xế xe con nhận cái kết "đắng" (Video: OFFB).

Ý nghĩa của vạch xương cá

Trong Luật giao thông đường bộ năm 2008 không có khái niệm vạch xương cá. Đây là tên gọi được người dân sử dụng do loại vạch này có hình chữ V giống như chiếc xương cá.

Theo quy định trong Phụ lục G Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Việt Nam QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ, vạch xương cá chính là vạch 4.1 và 4.2.

Còn theo quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008, đó là Vạch kênh hóa dòng xe.

Vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông giao thông trên đường. Khi vạch 4.1 và 4.2 được sử dụng, các phương tiện giao thông phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Một số trường hợp khẩn cấp thường gặp gồm: xe gặp sự cố buộc phải dừng, đỗ trên đường; tài xế, phương tiện đang trong tình trạng nguy hiểm; ảnh hưởng bởi thời tiết xấu…

Lỗi đè vạch xương cá bị xử phạt thế nào?

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

Trong đó, hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.

Do đó, hành vi điều khiển phương tiện giao thông đè lên vạch kẻ nét liền màu vàng bị coi là không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường.

Nếu thực hiện hành vi vi phạm này mà gây tai nạn giao thông sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng