Những nguyên tắc "vàng" khi lái xe về quê ăn Tết, đi du xuân lúc tối trời
(Dân trí) - Sáng sớm và tối muộn là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, do cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, nhưng lại được nhiều người lựa chọn di chuyển vì muốn tranh thủ thời gian, tránh đông đúc...
Tầm nhìn bị hạn chế, ngay cả khi có đèn đường, và dễ mệt mỏi, buồn ngủ..., nên ngoài những kỹ năng an toàn cơ bản, tài xế cần tuân thủ thêm một số nguyên tắc sau khi lái xe vào sáng sớm và tối muộn:
Sử dụng đèn hợp lý
Trước khi xuất phát, hãy kiểm tra kỹ để đảm bảo toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng bên ngoài xe hoạt động tốt, bao gồm đèn pha, đèn cốt, đèn sương mù...
Đặc biệt, nếu di chuyển trong điều kiện sương mù, tài xế nên chuẩn bị sẵn trên xe vài mảnh nilon màu vàng hoặc đỏ để dán vào đèn xe khi cần thiết vì đây là màu đèn giúp tăng khả năng quan sát cho cả tài xế lẫn người đối diện trong sương.
Khi lái xe trên đường cao tốc, đường ngoài đô thị, đặc biệt là những đoạn đường cong, đèo dốc, tài xế nên bật chế độ đèn chiếu xa để tăng tầm quan sát và giúp các xe ngược chiều nhận biết đang có xe đi tới. Tuy nhiên, khi tới gần xe đối diện hoặc khi bám đuôi xe khác, tài xế nên chuyển sang chế độ chiếu sáng thấp (đèn cốt) để không làm chói mắt tài xế xe khác.
Đi chậm hơn so với ban ngày
Lý do là khi tối trời, tầm quan sát của tài xế thấp hơn nhiều so với khi trời sáng, khó phát hiện sớm các mối nguy hiểm tiềm ẩn trên đường, như xe đi ngược chiều, chướng ngại vật hay người đi bộ băng sang đường. Việc kiểm soát tốt tốc độ giúp tài xế có đủ thời gian xử lý các tình huống bất ngờ.
Hãy lưu ý rằng khi tối trời, nên lái xe dưới giới hạn tốc độ cho phép một chút sẽ an toàn hơn và đừng cố "đua", hãy nhường đường cho các phương tiện phía sau vượt khi có thể.
Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước
Việc giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước giúp bạn có đủ thời gian xử lý các tình huống bất ngờ, cũng là giúp tài xế xe phía trước không bị lóa mắt bởi đèn pha của xe bạn, dễ dẫn tới nguy hiểm.
Ngoài ra, giữ khoảng cách còn giúp bạn quan sát đường phía trước tốt hơn, đặc biệt là những nơi ít, hoặc thậm chí không có đèn đường.
Cuối cùng, việc giữ khoảng cách an toàn giúp giảm nguy cơ đâm vào đuôi xe khác, đặc biệt là trên đường cao tốc.
Trong điều kiện trời mưa, sương mù, trời tối..., tầm nhìn bị hạn chế, tài xế cần tăng gấp đôi hoặc gấp rưỡi khoảng cách với xe phía trước so với thông thường.
Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT có quy định rõ ràng và chi tiết về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ của xe như sau (trong điều kiện đường khô ráo):
Tuy nhiên, khi lái xe trên đường, không dễ ước lượng khoảng cách bằng đơn vị mét, nên các tài xế thường áp dụng quy tắc 3 giây để tính khoảng cách an toàn khi lái xe trên đường cao tốc.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong điều kiện bình thường, 3 giây là khoảng thời gian đủ để tài xế kịp phản ứng trước các sự cố như phía trước có xe bị hư hỏng, gặp chướng ngại vật trên đường…
Bản chất của quy tắc 3 giây là khoảng thời gian cần thiết để tài xế dừng xe an toàn sau khi đạp phanh, dựa trên các tính toán tổng hợp về tốc độ phản xạ của người lái, quán tính của xe sau khi phanh để xe có thể dừng lại hoàn toàn và tránh được va chạm.
Để xác định cự ly "3 giây", bạn hãy tìm một vật cố định bên đường để làm "cột mốc"; đó có thể là biển báo giao thông, cột đèn hay cây cối… Khi xe ngay trước bạn vượt qua "cột mốc", bạn hãy đếm 1... 2... 3… theo nhịp đúng 3 giây.
Sau khi đếm xong, nếu xe của bạn tới đúng "cột mốc" thì tức là khoảng cách với xe phía trước đủ an toàn. Ngược lại, nếu bạn chưa đếm hết 3 giây mà đã tới "cột mốc", thì cần đi chậm lại để nới rộng cự ly, đảm bảo khoảng cách an toàn.
Không lái cố khi thấy mệt hoặc buồn ngủ
Khi cơ thể mệt mỏi hoặc buồn ngủ, nhận thức và phản xạ sẽ suy giảm. Do đó, nếu thấy có dấu hiệu thiếu tỉnh táo, phản ứng chậm với tình huống, hãy tìm một cây xăng hoặc trạm dừng chân gần nhất trên đường cao tốc, hoặc bất kỳ địa điểm nào rộng rãi, an toàn ở bên đường để nghỉ ngơi, chợp mắt tối thiểu 15 phút.
Tuy nhiên, cần lưu ý không dừng xe ở những nơi vắng và tối ở bên đường để tránh nguy cơ trộm cướp...