Nhóm người đi xe đạp tràn vào đường Võ Nguyên Giáp, tranh làn với ô tô

Nhật Minh

(Dân trí) - Đây là tình trạng khá phổ biến trên đường Võ Nguyên Giáp, nơi cấm xe đạp và người đi bộ, dù việc này cực kỳ nguy hiểm và lực lượng cảnh sát giao thông vẫn thường xuyên cắm chốt để xử lý.

Tình huống trong clip dưới đây được camera hành trình của một ô tô đi trên đường Võ Nguyên Giáp (Hà Nội) ghi lại vào ngày 22/10.

Hàng chục người đi xe đạp thể dục tràn vào đường Võ Nguyên Giáp, tranh làn với ô tô ở nơi cho phép xe chạy với vận tốc lên tới 80-90km/h (Video: OFFB).

Không ít lần đã xảy ra va chạm giữa ô tô với người đi xe đạp thể dục trên tuyến đường này nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Cảnh sát giao thông thường xuyên cử người cắm chốt và xử lý hiện tượng đi xe đạp vào làn đường không được phép nhưng vẫn có nhiều người vô ý thức, lợi dụng thời điểm đêm và rạng sáng để cố tình vi phạm, vừa gây nguy hiểm cho bản thân vừa gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Vào cuối tháng 9 năm ngoái thậm chí đã xảy ra tình huống va chạm giữa một số người đi xe đạp vào làn ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp, và khi bị tài xế nhắc nhở, những người đi xe đạp đã lập tức hò nhau quây kín chiếc ô tô rồi đe dọa, xúc phạm tài xế. Sự việc khiến cả tuyến đường ùn tắc và gây bức xúc trong cộng đồng.

"Thật khó hiểu khi đây là tình trạng diễn ra thường xuyên, gây bức xúc trong dư luận nhưng lực lượng chức năng vẫn không thể giải quyết dứt điểm. Việc này ngang nhiên kéo dài thì khác gì thách thức pháp luật. 

Tôi được biết đây là các loại xe đạp thể thao có giá không hề rẻ, như vậy chủ sở hữu là những người có điều kiện kinh tế. Phải chăng có tiền thì có thể coi thường pháp luật?", người dùng Facebook có tên Hoàng M. bình luận sau khi xem video trên được chia sẻ trong một nhóm về xe và giao thông.

Trong khi đó, tài khoản Hà L. nêu ý kiến: "Có lẽ việc chỉ tuyên truyền, xử lý phạt tiền không có tác dụng với những người này, mà cần hình thức phạt mạnh tay hơn, như tịch thu phương tiện, báo cáo về cơ quan, xử lý hình sự... vì theo tôi, hành động vi phạm này cũng là quấy rối trật tự công cộng, đe dọa sự an toàn của cộng đồng".

Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô-tô và máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ trường hợp phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự, theo quy định tại Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008.

Đối với lỗi đi vào đường cao tốc, Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, có quy định như sau:

- Phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự đi vào đường cao tốc;

- Phạt tiền từ 4 triệu đến 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự đi vào đường cao tốc gây tai nạn giao thông;

- Phạt tiền từ 10 triệu đến 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng có thiết kế nhỏ hơn 70km/h, máy kéo đi vào đường cao tốc;

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ đi vào đường cao tốc;

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc.