Nghiên cứu hiệu quả sử dụng xăng sinh học tại Việt Nam trên ô tô thế hệ mới
(Dân trí) - Dự án có sự phối hợp của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn.
Biên bản ghi nhớ về Dự án Nghiên cứu hiệu quả ứng dụng nhiên liệu sinh học đối với phương tiện giao thông tại Việt Nam đã được ký kết sáng nay (16/3) tại Hà Nội.
Mục tiêu của chương trình nhằm nghiên cứu, theo dõi, đánh giá hiệu quả của việc sử dụng nhiên liệu sinh học đối với phương tiện giao thông, bao gồm ô tô sử dụng động cơ xăng thông thường và ô tô sử dụng động cơ xăng lai điện (hybrid). Từ đó, các bên sẽ phân tích hiệu quả giảm phát thải của các dòng xe khi sử dụng nhiên liệu sinh học, hướng tới việc ứng dụng rộng rãi trong điều kiện giao thông tại Việt Nam.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án phát triển các cách tiếp cận đa chiều, hướng tới mục tiêu giảm phát thải carbon thông qua việc đưa ra các giải pháp về năng lượng thay thế và lựa chọn các dòng xe điện hóa phù hợp với nhu cầu di chuyển của khách hàng.
Để triển khai chương trình trên, Toyota Việt Nam đã cung cấp cho Đại học Bách khoa Hà Nội hai chiếc Toyota Corolla Cross sử dụng làm công cụ nghiên cứu, bao gồm một xe phiên bản dùng động cơ xăng thông thường và một chiếc được trang bị động cơ xăng lai điện. Trong khi đó, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp nhiên liệu trong quá trình thực hiện.
Nhiên liệu sinh học (Biofuels) là thuật ngữ để chỉ nguồn năng lượng được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật (mỡ động vật, dầu dừa...), ngũ cốc (lúa mì, đậu tương...), chất thải trong nông nghiệp (rơm rạ, phân...), sản phẩm thải trong công nghiệp (mùn cưa, sản phẩm gỗ thải...). Gần gũi với người điều khiển ô tô, xe máy tại Việt Nam chính là xăng sinh học E5 RON 92.
Theo giới thiệu của Petrolimex, xăng E5 RON 92 có trị số octan và các chỉ tiêu chất lượng tương đương RON 92. Tuy nhiên, dòng sản phẩm xăng sinh học này chống kích nổ tốt hơn cho động cơ, có hàm lượng oxy cao hơn nên quá trình cháy sạch và triệt để hơn, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu các khí thải độc hại của động cơ.
Để có những đánh giá chính xác, ba đơn vị nêu trên sẽ phối hợp để hoàn thành dự án Nghiên cứu hiệu quả ứng dụng nhiên liệu sinh học đối với phương tiện giao thông tại Việt Nam, đặc biệt trên các dòng ô tô thế hệ mới. Thông qua chương trình sẽ góp phần giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải, đồng thời cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và xã hội một góc nhìn cụ thể hơn về hiệu quả của ứng dụng nhiên liệu sinh học vào mục tiêu chung về bảo vệ môi trường.
Theo Chiến lược quốc gia về Ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2050 đã được phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Giám đốc điều hành Toyota khu vực Châu Á - ông Tiền Quốc Hào cho biết Toyota có cùng chung mục tiêu trên với Chính phủ Việt Nam.
"Chúng tôi tin rằng cắt giảm carbon là nhiệm vụ chung mà Chính phủ và doanh nghiệp đều cần phải nỗ lực thực hiện bằng tất cả các giải pháp và công nghệ khả thi. Với dự án nghiên cứu về ứng dụng xăng sinh học, chúng tôi mong muốn thể hiện quan điểm của Toyota trong việc tạo ra nhiều lựa chọn đáp ứng nhu cầu di chuyển của tất cả mọi người", ông Hào chia sẻ bằng tiếng Việt trong khuôn khổ buổi ký kết.