Nghi vấn hãng xe Trung Quốc BYD đang che giấu khoản nợ 44 tỷ USD

Nhật Minh

(Dân trí) - BYD đang bị nghi ngờ che giấu số nợ "khủng", làm dấy lên những lo ngại về tính minh bạch và sự ổn định tài chính của doanh nghiệp có vai trò đầu tàu trên thị trường xe điện Trung Quốc.

Nghi vấn hãng xe Trung Quốc BYD đang che giấu khoản nợ 44 tỷ USD - 1

BYD đang có tầm ảnh hưởng lớn tới cục diện thị trường xe điện Trung Quốc (Ảnh: Shutterstock).

Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu tài chính GMT, nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD, đang bị nghi ngờ che giấu khoản nợ lên tới 323 tỷ nhân dân tệ (tương đương 44,1 tỷ USD) tính đến thời điểm giữa năm 2024, khác hẳn con số mà BYD tự công bố là 27,7 tỷ nhân dân tệ (3,78 tỷ USD).

Sự khác biệt này là do công ty thường loại bỏ các khoản phải thu ra khỏi bảng cân đối kế toán bằng cách bán hoặc thế chấp để vay nợ, và bằng cách coi các khoản phải trả trong 90 ngày như vốn lưu động.

Thủ thuật kế toán này, theo nhà phân tích Nigel Stevenson của GMT, chính là một hình thức che giấu nợ, khiến các nhà đầu tư hiểu nhầm về tình hình tài chính của BYD.

Căn nguyên của chiến lược tài chính này là cuộc chiến giá cả khốc liệt trong ngành xe điện Trung Quốc, nơi BYD có tầm ảnh hưởng rất lớn. Chiêu trò này không chỉ tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh yếu hơn, mà còn gia tăng đòn bẩy cho các nhà sản xuất lớn như BYD trong chuỗi cung ứng.

GMT tìm thấy rất ít thông tin về các khoản phải trả khác của công ty, trong khi các khoản mục này đã tăng vọt, từ 41,3 tỷ nhân dân tệ (5,63 tỷ USD) vào cuối năm 2021 lên 165 tỷ nhân dân tệ (22,52 tỷ USD) vào tháng 12/2023.

Theo GMT, sự thiếu minh bạch như vậy đặc biệt gây lo ngại nếu so với các nhà sản xuất lớn tương tự, như Geely Automobile Holdings Ltd., công ty có bản cân đối kế toán minh bạch hơn.

Sự phụ thuộc của BYD vào nghiệp vụ tài trợ chuỗi cung ứng được thực hiện thông qua nền tảng Dilink của công ty, bao gồm việc phát hành kỳ phiếu cho các nhà cung cấp, cho phép họ nhận được tiền sớm nếu đồng ý trả một khoản phí, hoặc giữ kỳ hạn dài.

Hệ thống này ra mắt vào năm 2021, và đến tháng 5/2023 đã phát hành số kỳ phiếu trị giá khoảng 400 tỷ nhân dân tệ (54,61 tỷ USD), với mặt tích cực là quản lý dòng tiền, nhưng khiến cho hệ thống báo cáo tài chính trở nên phức tạp.

Theo báo cáo của GMT, các kỳ phiếu này trong báo cáo tài chính đã bị "đặt dấu hỏi". Các nhà cung cấp như Guizhou Anda Energy Technology Co. và Shangshui Intelligent Equipment bị ủy ban chứng khoán chất vấn về các nghiệp vụ kế toán liên quan tới Dilink.

Thời hạn thanh toán mà BYD đang áp dụng (trung bình công ty mất 275 ngày để thanh toán cho các nhà cung cấp trong năm 2023) cao hơn nhiều so với thông lệ toàn cầu trong ngành ô tô (trung bình khoảng 45-60 ngày).

Thủ thuật này dù có lợi cho dự trữ tiền mặt của BYD, nhưng lại tạo nên những nguy cơ liên quan tới tính thanh khoản và mối quan hệ với nhà cung cấp, đặc biệt là trong trường hợp các điều kiện thị trường thay đổi, hoặc nếu công ty bỗng nhiên phải xử lý hết các khoản nợ.

Theo Business Standard, Bloomberg