BYD rầm rộ tiến công thị trường Việt Nam và những bài toán cần lời giải

Nguyễn Lâm

(Dân trí) - Giá bán, hạ tầng và khả năng giữ giá khi bán lại sẽ là những câu hỏi người dùng đặt ra khi tiếp cận với xe điện BYD, đặc biệt khi hãng xe này đang gặp một số khiếu nại tại Thái Lan.

Trong những hãng xe Trung Quốc đã và đang lên kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam, BYD là cái tên nhận được không ít chú ý. Thương hiệu này có doanh số tốt tại nhiều khu vực, nhưng với tính đặc thù cao như tại Việt Nam thì vẫn còn đó những vấn đề cần được giải quyết nếu không muốn lặp lại kịch bản cũ.

Trong quá khứ, không ít hãng xe Trung Quốc "khua chiêng gióng trống" khi bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam. Để rồi không lâu sau đó phải rút lui trong âm thầm khi người tiêu dùng không đón nhận, doanh số ảm đạm. Khách đã mua xe còn chật vật tìm linh kiện thay thế, chấp nhận mất giá khi bán lại.

Những vấn đề này tiếp tục là bài toán với BYD và sẽ còn thêm thách thức khi hãng quyết định tiếp cận thị trường Việt Nam lần nữa với xe thuần điện.

BYD rầm rộ tiến công thị trường Việt Nam và những bài toán cần lời giải - 1

Ngày 18/7, BYD sẽ công bố giá bán của 3 mẫu xe đầu tiên: Atto 3, Seal và Dolphin (Ảnh: BYD).

Bài toán giá bán

Do những trải nghiệm không tốt trong quá khứ, khách Việt vẫn luôn "dè dặt" với các mẫu xe có xuất xứ Trung Quốc, lo ngại về chất lượng. Cộng đồng người dùng không lớn đồng nghĩa với việc thanh khoản chậm, dễ mất giá khi bán lại.

Những yếu tố trên khiến các mẫu xe Trung Quốc khi gia nhập thị trường Việt Nam thường chọn cạnh tranh bằng yếu tố giá rẻ. Tuy nhiên, đây sẽ là một bài toán không dễ giải với BYD, do xe điện thường đắt hơn xe sử dụng động cơ đốt trong, bởi pin là một bộ phận quan trọng và có giá trị không nhỏ.

BYD rầm rộ tiến công thị trường Việt Nam và những bài toán cần lời giải - 2

BYD Atto 3 nằm ở phân khúc crossover cỡ B+, cạnh tranh với VinFast VF 6 (Ảnh: BYD).

Phía đại lý đã hé lộ giá dự kiến của 3 mẫu xe đầu tiên mà BYD đem đến Việt Nam. Trong đó, Atto 3 được kỳ vọng sẽ có giá trong khoảng 750-850 triệu đồng, Seal có giá dự kiến 1,1-1,3 tỷ đồng và Dolphin hứa hẹn dễ tiếp cận hơn, có thể giá khoảng 650 triệu đồng.

Nếu là con số trên, phản ứng của người dùng Việt không mấy "mặn mà", do những mức giá dự kiến này cao hơn kỳ vọng. BYD Seal cùng cỡ với các mẫu sedan hạng D nhưng giá dự kiến còn đắt hơn Mazda6 (769-809 triệu đồng) và Kia K5 (859-999 triệu đồng), đắt ngang Toyota Camry (1,105-1,495 tỷ đồng).

BYD rầm rộ tiến công thị trường Việt Nam và những bài toán cần lời giải - 3

BYD Seal có thể xem là lựa chọn sedan thuần điện hiếm hoi tại Việt Nam (Ảnh: BYD).

Giá dự kiến của Atto 3 cao ngang đối thủ là VinFast VF 6 (765-855 triệu đồng, kèm pin), nhưng sản phẩm thương hiệu Việt có lợi thế là trạm sạc độc quyền, được hãng phát triển gần như phủ khắp toàn quốc. Chưa kể, VinFast đang có chương trình miễn phí sạc pin 1-2 năm tùy sản phẩm, áp dụng từ 1/7.

Về phía BYD Dolphin, mẫu xe này được định vị ở phân khúc hatchback hạng B, không có đối thủ trực tiếp nhưng giá dự kiến đang đắt hơn những mẫu xe xăng cùng cỡ như Suzuki Swift (559,9 triệu đồng) hay Mazda2 Sport (527-544 triệu đồng). Chưa kể khách Việt hiện nay không mấy "mặn mà" với phân khúc này.

Vấn đề muôn thủa: Hạ tầng trạm sạc

Trạm sạc có trước hay người mua có trước? Câu hỏi này tương tự câu chuyện "con gà và quả trứng", nhưng không phải hãng xe nào cũng sẵn sàng đầu tư hạ tầng trạm sạc riêng trước khi mở bán.

Hiện nay, đã có một số đơn vị thứ 3 xây dựng hệ thống trạm sạc, có thể kể đến như EV One, EverCharge hay Eboost… Trong số đó, EV One có thể xem là đối tác chính của BYD trong công cuộc đem lại giải pháp sạc điện công cộng cho khách Việt khi dùng xe thương hiệu này.

BYD rầm rộ tiến công thị trường Việt Nam và những bài toán cần lời giải - 4

Một trạm sạc EV One tại TPHCM chỉ có 2 cổng sạc (Ảnh: Nhã Minh).

Tuy nhiên, những đơn vị trên vẫn có hạn chế nhất định.

Đầu tiên là độ phủ chưa lớn, như EV One hiện có 37 trạm sạc đang hoạt động trên toàn quốc (thống kê dựa trên ứng dụng điện thoại), nhưng mỗi trạm chỉ có 1-2 cổng sạc và đa phần có công suất chỉ khoảng 11-22kW. Sạc nhanh 180kW chỉ có 3 trụ ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

Thứ 2, chi phí sạc điện của những đơn vị này chưa cạnh tranh. Tiếp tục lấy ví dụ như EV One, trụ sạc 11-22kW yêu cầu người dùng chi trả 7.900 đồng/kWh, còn trụ sạc nhanh 180kW có chi phí lên tới 9.900 đồng/kWh. Trong khi đó, chi phí sạc điện của VinFast là 3.858 đồng/kWh, nhưng thậm chí hãng còn đang miễn phí tiền sạc cho chủ xe trong 1-2 năm.

Khi trạm sạc của các đơn vị thứ 3 chưa nhiều và chi phí chưa rẻ, các sản phẩm của BYD nói riêng và các mẫu xe điện khác trên thị trường nói chung sẽ phù hợp với những khách hàng có không gian đỗ xe tại nhà để sạc. Điều này sẽ tạo nên hạn chế với những người dùng ở chung cư hay nhà trong ngõ nhỏ.

Hạn chế trạm sạc công cộng cũng khiến 1 chiếc ô tô điện khó thể đi xa. Ngay cả khi 1 lần sạc xe BYD có thể đi tới 400km thì sẽ vẫn có những bất tiện, buộc chủ xe phải tính toán lộ trình và các phương án di chuyển khi cần đi xa, nếu không hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng hết điện giữa đường.

Giảm giá liên tục tại Thái Lan, chỉ là trường hợp thiểu số hay có khả năng lan rộng tới Việt Nam?

Khi hạ tầng trạm sạc chưa thực sự được giải quyết và trong trường hợp giá bán được chốt ở mức không rẻ, xe điện BYD sẽ khó thuyết phục khách hàng Việt xuống tiền. Để kích cầu và tranh giành thị phần trong thời gian đầu, chiến lược chính nhiều khả năng sẽ là giảm giá.

"Chiêu bài" này đã được nhiều hãng xe Trung Quốc áp dụng tại Việt Nam. Wuling Mini giảm 40-50 triệu đồng hay Haval H6 HEV giảm giá tới 244 triệu đồng sau một thời gian ra mắt.

Với BYD, lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi gần đây hãng xe này liên tục bị khiếu nại tại Thái Lan do giảm giá quá nhiều. Việc hạ giá liên tục trong thời gian ngắn khiến người dùng cảm thấy như bị lừa, tưởng chừng đã bắt "đáy" của hôm qua nhưng lại là "đỉnh" của hôm nay.

BYD rầm rộ tiến công thị trường Việt Nam và những bài toán cần lời giải - 5

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại Thái Lan đã nhận được khoảng 70 đơn khiếu nại về tình trạng giảm giá của xe BYD tại đại lý, khiến chính quyền quốc gia này phải bắt tay vào điều tra (Ảnh: Reuters).

Nguyên nhân của "trào lưu" khiếu nại này xuất phát từ việc các tư vấn bán hàng giục khách mua xe để hưởng khuyến mại, kết thúc ưu đãi sẽ tăng giá. Tuy nhiên sau đó, đại lý tiếp tục giảm giá xe sâu hơn.

Trên mạng xã hội Facebook, một chủ xe tại Thái Lan chia sẻ, anh này đã mua một chiếc BYD Atto 3 với giá 1,19 triệu baht (quy đổi khoảng 832 triệu đồng) nhưng giờ đây, đại lý lại bán mẫu xe này với mức giá chỉ 859.000 baht (khoảng 600 triệu đồng).

Cập nhật đầu tháng 7 trên trang web của Rever Automotive, đơn vị phân phối độc quyền xe BYD tại Thái Lan cho thấy, nhiều mẫu xe được giảm giá tới 340.000 baht (gần 240 triệu đồng) nhân dịp hãng khánh thành nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á.

Giới chuyên gia nhận định, việc giảm giá liên tục tại Thái Lan như vậy sẽ kéo theo giá bán lại của các dòng xe BYD tại thị trường này đi xuống. Điều này gây thiệt thòi cho người dùng tại xứ sở chùa Vàng, và đó cũng là những lo ngại của khách Việt khi thương hiệu này chuẩn bị ra mắt.

Dù đã dễ tiếp cận hơn, ô tô vẫn là một tài sản không nhỏ với phần đông các gia đình. Vậy nên, người dùng Việt vẫn có xu thế quan tâm tới các sản phẩm có khả năng giữ giá tốt, tính thanh khoản cao.