Mách nhỏ với người cầm vô-lăng

(Dân trí) - Ngoài các bước kiểm tra bắt buộc về luật giao thông đường bộ cũng như cách sử dụng ô tô, có những mẹo nhỏ có thể giúp người cầm lái rất nhiều về độ an toàn và tiết kiệm nhiên liệu.

Là một trong những thị trường ô tô tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam có tỷ lệ người mới bắt đầu lái xe và sở hữu xe lần đầu rất lớn, kèm theo đó là số vụ tai nạn đường bộ tăng lên. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (NTSC), năm 2010, tại Việt Nam đã xảy ra 13.713 vụ tai nạn giao thông, khiến 11.060 người thiệt mạng và 10.306 người bị thương.
 
Nhận thức được vấn đề này, những năm gần đây, một số liên doanh sản xuất ô tô, như Ford Việt Nam và Honda Việt Nam, và các tổ chức an toàn giao thông đã triển khai các chương trình hướng dẫn lái xe an toàn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Và dưới đây là một số lưu ý nhỏ có thể giúp đỡ người lái xe rất nhiều trong việc giữ an toàn cho mình cũng như những người ngồi trên xe.
 
Luôn cài và sử dụng dây an toàn đúng cách:
 
Không chỉ riêng người ngồi ghế trước mới cần cài dây an toàn, những người ngồi hàng ghế sau cũng nên tập hình thành thói quen này. Theo những nghiên cứu của Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP), lợi ích của chiếc dây này không hề nhỏ, khi nó giữ an toàn cho người sử dụng, nhất là trong trường hợp xe phanh gấp, hoặc túi khí bung quá gần khi xảy ra va chạm (dây an toàn giữ người không bị văng theo lực quán tính).
 
Trước khi khi động và vận hành xe:
 
Hãy thực hiện các thao tác như: điều chỉnh ghế lái, gương chiếu hậu vị trí phù hợp nhất và cài dây an toàn. Điều này khiến người lái cảm thấy an toàn và thoải mái hơn với tầm quan sát các tình huống giao thông tối ưu.
 
Kiểm tra chức năng đèn, còi:
 
Trước những hành trình dài, việc đảm bảo các chức năng này hoạt động tốt sẽ tăng thêm sự tự tin của người lái cũng như gia tăng sự an toàn khi tham gia giao thông.
 
Tránh xao nhãng khi lái xe:
 
Ngoài việc không uống rượu, bia trước khi lái xe như luật quy định, chúng ta cũng cần lưu ý tránh tình trạng quá căng thẳng, mệt mỏi, hay buồn ngủ khi ngồi sau tay lái. Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến tính trạng sức khỏe và tỉnh táo của tài xế. Gần đây nhất là trường hợp xe chở quan tài bị tai nạn ở Thanh Hóa, khiến 4 người tử vong hồi đầu tháng 4. Chúng ta cũng không sử dụng điện thoại di động, không xem video khi đang lái xe.
 
Mách nhỏ với người cầm vô-lăng - 1

Việc tập trung khi lái xe là vô cùng cần thiết 
 
Tốc độ càng cao, nguy cơ tai nạn càng cao
 
Hãy luôn nhớ duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước, nắm vững nguyên tắc “3 giây” - thời gian đủ để lái xe tránh được va chạm trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ từ xe phía trước. Khoảng cách an toàn càng lớn, thời gian và phản xạ càng tốt trong các tình huống bất ngờ.
 
Trong trường hợp thời tiết xấu, tầm nhìn bị hạn chế (trời mưa to, sương mù), cần tăng thêm khoảng cách an toàn.

Mách nhỏ với người cầm vô-lăng - 2

Trong điều kiện thời tiết xấu, lái xe càng phải thận trọng
 
Tiết kiệm nhiên liệu đồng nghĩa bảo vệ môi trường:
 
Để tiết kiệm nhiên liệu, tài xế cần biết lợi dụng quán tính của xe, tạo đà cho xe vận hành; tăng-giảm chân ga nhẹ nhàng và chuyển đổi số ở tốc độ vòng tua của động cơ trong khoảng 1.500 - 2.500 vòng/phút; sử dụng đà của xe, bỏ chân ga sớm khi đến gần điểm cần dừng, đỗ, rẽ. Tránh tăng tốc và phanh gấp liên tục.
 
Nên tắt máy khi dừng xe lâu, như đợi chắn tàu, đợi cầu, phà… (lượng nhiên liệu tiêu thụ khi máy nổ không tải trong hơn 2 phút có thể giúp xe đi được 1km với tốc độ 50km/h).
 
Ngoài ra, việc thường xuyên kiểm tra áp suất lốp xe trước khi khởi hành sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu và xe chạy an toàn hơn (áp suất của lốp xe thấp hơn 20% mức tiêu chuẩn s làm tăng 10% lực cản, đồng thời tăng 2% tiêu hao nhiên liệu). Hãy loại bỏ những đồ dùng nặng không cần thiết hoặc ít sử dụng, vì theo tính toán, nếu xe chở thêm 100kg sẽ tiêu tốn nhiên liệu thêm 0,5 lít/100km.
 
Văn hóa lái xe:
 
Văn hóa lái xe là một khái niệm tưởng dễ, nhiều người biết nhưng lại khó thực hiện. Nhiều người lái ô tô thường xuyên bấm còi một cách thiếu văn hóa, hoặc điều khiển xe chạy giữa hai làn đường, cản trở xe sau vượt, hoặc đỗ xe gần giao lộ, gây cản trở đường đi của các phương tiện khác…
 
Việc lái xe thiếu văn minh có thể gây phiền toái cho các phương tiện giao thông khác, gián tiếp gây ra những sự cố không đáng có.
  
Việt Hưng