Sau vô-lăng, những thói xấu nên bỏ

(Dân trí) - Hãy là người lịch thiệp khi ngồi sau vô lăng, dù có thể chẳng ai biết bạn là ai giữa phố phường đông đúc.

Khiếm nhã với người đi bộ

 

Sau vô-lăng, những thói xấu nên bỏ - 1
 
Chẳng người đi bộ nào thấy thích thú với việc nấn ná ở giữa đường gây cản trở giao thông. Hầu như tất cả đều cố gắng qua đường thật nhanh, hết mức có thể. Vì vậy, bạn đừng thiếu kiên nhẫn đến mức bấm còi inh ỏi để thúc giục họ rảo bước hoặc cố tìm cách lách qua. Hãy dành cho người đi bộ đủ thời gian và không gian cần thiết để sang đường.

 

Bám đuôi xe khác quá sát
 
Sau vô-lăng, những thói xấu nên bỏ - 2

 

Gần như bám dính cản sau của chiếc xe chạy trước sẽ không giúp bạn tới chỗ cần đến nhanh hơn, đặc biệt là khi đang tắc đường. Một số người có thể tự tin rằng mình lái chắc tay đủ mức cần thiết để bám sát đuôi xe khác với khoảng cách chỉ đút vừa chiếc iPod Nano, nhưng hãy nhớ rằng trừ phi bạn có thể kiểm soát vạn vật khách quan, thì kỹ năng lái của bạn không bao giờ là đủ.

 

Hãy thư giãn. Đích đến của bạn chẳng chạy đi đâu cả, nó sẽ vẫn ở đó dù bạn có giữ khoảng cách với đuôi xe trước 6mm hay 6m. Bạn cần giữ khoảng cách an toàn phòng trường hợp lái xe phía trước mất kiểm soát.

 

Chạy xe quá chậm

 

Bạn có thể cho rằng như vậy an toàn hơn, nhưng sẽ không hay chút nào nếu bạn chạy xe với tốc độ dưới giới hạn tối thiểu. Các kỹ sư đã phải làm đủ mọi nghiên cứu và tính toán để đảm bảo rằng, với điều kiện thời tiết và đường sá cho phép, bạn có thể lái xe an toàn ở giới hạn tốc độ ghi trên biển báo.
 
Sau vô-lăng, những thói xấu nên bỏ - 3

 

Không phải cứ lái chậm là an toàn. Đôi khi việc chạy xe quá chậm trên đường cũng tiềm ẩn những nguy cơ. Xe bạn có thể trở thành chướng ngại vật nguy hiểm trên đường với các xe khác. Một lời khuyên không mới, nhưng luôn hữu ích: hãy lái xe trong giới hạn tốc độ tối thiểu và tối đa.

 

Chiếm hai chỗ đậu xe
 
Sau vô-lăng, những thói xấu nên bỏ - 4

 

Dù xe bạn có mới và bóng bẩy đến mấy, nó cũng không có đặc quyền chiếm hai chỗ trong bãi đậu xe. Như vậy là khiếm nhã. Nếu bạn thấy xe của mình cần có chỗ đậu thật rộng rãi, hãy tìm một bãi đậu vắng vẻ, thay vì chiếm tới 2 chỗ ở một nơi đất chật, xe đông.

 

Luôn bật đèn pha

 

Nếu bạn đang lái xe một mình trên đường tối, hãy bật đèn pha (chùm sáng mạnh, chiếu ngang và xa) để đảm bảo an toàn. Nhưng nếu thấy có xe chạy ngược chiều, hoặc nếu bạn đang lái xe trên đường được chiếu sáng tốt, hãy chuyển sang đèn cốt (ánh sáng chiếu chúc xuống mặt đường, tầm phát sáng ngắn hơn) để không làm chói mắt lái xe ngược chiều.
 
Sau vô-lăng, những thói xấu nên bỏ - 5

 

Nếu bị ánh đèn pha của bạn làm chói mắt, lái xe chạy ngược chiều có thể bị mất kiểm soát trong chốc lát đủ để đâm trực diện vào xe bạn.
 
Trong trường hợp bạn đến gần xe phía trước chạy cùng chiều và định vượt, hãy chuyển sang đèn cốt để lái xe phía trước không bị chói mắt, vượt xong rồi hãy chuyển về đèn pha nếu cần thiết.

 

Thêm một lời khuyên, nếu bạn đang định lắp bộ đèn xenon “siêu sáng” cho xe, hãy cân nhắc lại vì sự an toàn của bản thân và người đi đường.

 

Không cho xe khác vượt
 
Sau vô-lăng, những thói xấu nên bỏ - 6

 

Hãy nhớ dù là đường nội đô hay cao tốc thì cũng không phải đường đua, vì thế bạn chẳng giành được giải gì khi ngang ngạnh không cho xe khác vượt. Nếu có ai đó thực sự cần vượt, hãy để họ vượt.

 

Bấm còi inh ỏi
 
Sau vô-lăng, những thói xấu nên bỏ - 7

 

Một số tài xế cảm thấy cần phải "khiển trách" những lái xe phía trước không tuân theo tín hiệu giao thông, bằng cách nhấn còi một cách thiếu kiên nhẫn, như khi đèn đã chuyển xanh mà các xe trước di chuyển quá chậm, hoặc có xe đậu vào phần đường ưu tiên rẽ phải khi đèn đỏ. Trong nhiều trường hợp, đúng là những người tham gia giao thông khác hơi vô ý, nhưng hãy cố gắng giữ bình tĩnh, bấm một hai tiếng còi là đủ. Đừng tự khiến bản thân stress thêm khi cứ bấm còi inh ỏi đầy bực tức.

 

Bật nhạc quá to
 
Sau vô-lăng, những thói xấu nên bỏ - 8

 

Hẳn nhiên là việc này có thể giúp bạn thu hút sự chú ý trên phố, nhưng đa số sẽ kèm theo sự khó chịu. Nếu bạn thực sự có nhu cầu nghe nhạc, và nghe với âm lượng lớn, hãy nâng kín cửa kính, giới hạn âm thanh chỉ trong cabin, đừng làm phiền những người đi đường khác. Thêm vào đó, hãy lưu ý rằng việc mở nhạc quá to có thể gây nguy hiểm nếu bạn không thể nghe thấy tiếng còi xe khác và mất tập trung.

 

Lười bật xi-nhan
 
Sau vô-lăng, những thói xấu nên bỏ - 9

 

Có lẽ ai cũng biết công dụng của đèn xi-nhan, nhưng không phải ai cũng sử dụng đúng mọi nơi mọi lúc. Nhiều khi bạn định rẽ phải/trái khi đang chạy sát lề phải/trái và nghĩ rằng không cần thiết bật xi-nhan. Không hẳn. Hãy luôn bật xi-nhan khi chuẩn bị rẽ để các xe khác biết bạn định chuyển hướng, vì không ai lường trước được những tình huống bất ngờ.

 

Nhật Minh

Theo Askmen

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm