Loạt xe xăng và xe hybrid của Trung Quốc rục rịch đổ bộ thị trường Việt Nam

Nhật Minh

(Dân trí) - Bên cạnh ô tô điện, các thương hiệu Trung Quốc không bỏ qua thị trường xe xăng và xe hybrid vẫn còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam, dự kiến sẽ có loạt sản phẩm mới ra mắt vào cuối năm.

Trong bối cảnh hạ tầng sạc công cộng vẫn đang là rào cản đối với ô tô điện không phải của VinFast tại Việt Nam, dường như các thương hiệu Trung Quốc nhìn thấy cơ hội trên thị trường xe hybrid và xe xăng truyền thống, dự kiến sẽ mang đến cho khách Việt thêm nhiều lựa chọn mới mẻ.

Omoda C5

Là thương hiệu thuộc tập đoàn ô tô Chery của Trung Quốc, Omoda từng xuất hiện và tổ chức lái thử tại Việt Nam từ đầu năm nay, nhưng mãi tới gần đây mới chốt ngày chính thức ra mắt mẫu Omoda C5 vào cuối tháng 11.

Loạt xe xăng và xe hybrid của Trung Quốc rục rịch đổ bộ thị trường Việt Nam - 1

Omoda C5 thuộc phân khúc SUV cỡ B, sẽ cạnh tranh với các xe như Kia Seltos khi về Việt Nam (Ảnh: Omoda).

Dự kiến mẫu xe này sẽ được bán tại Việt Nam với 2 phiên bản, chỉ khác nhau ở các tính năng hỗ trợ lái nâng cao (ADAS) và một số trang bị tiện nghi như cửa sổ trời, ghế chỉnh điện... Cả hai phiên bản cùng sử dụng động cơ xăng tăng áp 1.5L, cho công suất 145 mã lực và mô-men xoắn cực đại 210Nm, kết hợp với hộp số tự động vô cấp CVT và hệ dẫn động cầu trước. 

Mới đây, hãng đã chia sẻ hình ảnh lô xe Omoda C5 đầu tiên được xuất khẩu từ Indonesia sang Việt Nam. Tuy nhiên từ năm 2026, xe thuộc thương hiệu này sẽ được lắp ráp ở Việt Nam, tại nhà máy đang được xây dựng ở Thái Bình với công suất thiết kế lên tới 200.000 xe/năm.

Jaecoo J7

Thương hiệu này là "anh em" cùng nhà Chery với Omoda. Và cũng giống như Omoda C5, mẫu Jaecoo J7 đã được tổ chức lái thử ở Việt Nam từ đầu năm nay nhưng giờ mới có kế hoạch chính thức ra mắt.

Loạt xe xăng và xe hybrid của Trung Quốc rục rịch đổ bộ thị trường Việt Nam - 2

Jaecoo J7 được định vị ở phân khúc SUV cỡ B/B+ (Ảnh: Jaecoo).

Có kích thước tương đương Omoda C5, nhưng mẫu Jaecoo J7 sở hữu thiết kế vuông vức, bề thế và cao cấp hơn.

Hiện vẫn chưa rõ nhà phân phối sẽ lựa chọn đưa cấu hình động cơ nào cho mẫu J7 bán tại Việt Nam. Ở Trung Quốc, mẫu SUV này có cả bản máy xăng và hybrid sạc điện (plug-in hybrid hay PHEV).

Động cơ xăng 1.6L tăng áp có công suất tối đa 197 mã lực và mô-men xoắn cực đại 290Nm, được kết hợp với hộp số 7 cấp ly hợp kép.

Trong khi đó, bản PHEV kết hợp động cơ xăng TGDi 1.5L với một mô-tơ điện lắp ở cầu trước, cho công suất 347 mã lực và mô-men xoắn cực đại 525Nm. Theo công bố của nhà sản xuất, xe có phạm vi hoạt động kết hợp lên đến 1.200km/lần nạp nhiên liệu và sạc pin.

Khi về Việt Nam, Omoda C5 và Jaecoo J7 sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều xe ở phân khúc SUV cỡ B/B+ như Honda HR-V, Kia Seltos, Mitsubishi Xforce, Hyundai Creta, Toyota Yaris Cross, Toyota Corolla Cross, hay Mazda CX-3.

MG G50

Dù trong danh mục sản phẩm hiện tại ở Việt Nam có một số mẫu xe điện, nhưng trên thực tế, MG vẫn đang trung thành xe xăng. Có thể thấy rõ điều đó tại gian trưng bày của hãng tại Triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS) 2024 vừa qua.

Trong 10 mẫu xe mà thương hiệu ô tô Trung Quốc này mang tới sự kiện, 6 mẫu xe xăng vẫn là chủ lực, còn 4 mẫu xe điện về cơ bản chỉ mang tính xây dựng hình ảnh, phủ kín dải sản phẩm cho hãng tại thị trường Việt Nam.

Đáng chú ý trong dàn xe xăng của MG tại VMS 2025 là mẫu G50. Xe được định vị ở phân khúc MPV, dự kiến chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào cuối năm nay, cạnh tranh cùng phân khúc với Toyota Innova Cross, Hyundai Custin, hay "đồng hương" GAC M6.

Loạt xe xăng và xe hybrid của Trung Quốc rục rịch đổ bộ thị trường Việt Nam - 3

MG mới chỉ trưng bày và giới thiệu sơ lược về mẫu G50 tại sự kiện VMS 2024 hồi cuối tháng trước, chưa công bố giá bán (Ảnh: Nguyễn Lâm).

MG G50 có kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 4.825 x 1.825 x 1.800 mm, với chiều dài cơ sở 2.800 mm, tương đồng với Toyota Innova Cross (4.755 x 1.845 x 1.790 mm). Theo thông tin từ nhà sản xuất, G50 sẽ có 2 cấu hình chỗ ngồi là 7 ghế (2+2+3) hoặc 8 ghế (2+3+3).

Xe sử dụng động cơ xăng 1.5L tăng áp, sản sinh công suất tối đa 168 mã lực, và mô-men xoắn cực đại 285Nm, kết hợp với hộp số sàn 6 cấp hoặc tự động 7 cấp ly hợp kép ướt, tùy phiên bản.

Phiên bản xuất hiện tại VMS 2024 vừa qua có tên là Luxury, được trang bị đèn LED cả trước và sau, mâm hợp kim 17 inch, nội thất có màn hình đa thông tin dạng kỹ thuật số, màn hình giải trí 12,3 inch đặt nổi, điều hòa tự động, phanh tay điện tử và một số cổng sạc.

Tuy nhiên, MG G50 không có hệ thống an toàn chủ động (ADAS) như các đối thủ cùng phân khúc. 

Theo một số nguồn tin của phóng viên báo Dân trí, MG G50 sẽ ra mắt trong tháng 12, có thể được chốt giá quanh mức 500-600 triệu đồng, chỉ ngang một mẫu MPV cỡ nhỏ như Mitsubishi Xpander (560-658 triệu đồng).

Haval Jolion

Thông tin về mẫu xe này lần đầu xuất hiện vào đầu năm 2024 nhưng mãi chưa ra mắt. Giờ đây, một số đại lý đã bắt đầu nhận cọc, nên có thể xe sẽ được giới thiệu trong tháng 11.

Haval Jolion sẽ cạnh tranh cùng phân khúc crossover cỡ B+ với Toyota Corolla Cross và Mazda CX-30, thậm chí có thể đe dọa thị phần của các mẫu SUV hạng B như Mitsubishi Xforce hay Hyundai Creta.

Loạt xe xăng và xe hybrid của Trung Quốc rục rịch đổ bộ thị trường Việt Nam - 4

Theo nguồn tin từ một số nhân viên bán hàng, Haval Jolion sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan (Ảnh: Motortrivia).

Theo chia sẻ của đại diện hãng, mẫu xe này sẽ được phân phối với với 2 phiên bản; trong đó, biến thể tiêu chuẩn dự kiến có giá dưới 700 triệu đồng.

Cả hai bản đều sử dụng hệ truyền động hybrid kết hợp động cơ xăng tăng áp 1.6L với mô-tơ điện, hộp số tự động ly hợp kép 7 cấp và hệ dẫn động cầu trước. Cấu hình này tạo ra tổng công suất tối đa 190 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 375Nm.

Dongfeng Mage và Huge 

Thương hiệu xe du lịch Dongfeng đang chuẩn bị trở lại thị trường Việt Nam thông qua một đối tác mới, giới thiệu 4 mẫu xe trong tháng 11, trong đó có Mage và Huge là SUV sử dụng công nghệ hybrid.

Loạt xe xăng và xe hybrid của Trung Quốc rục rịch đổ bộ thị trường Việt Nam - 5

Tại thị trường Trung Quốc, Dongfeng Mage có trang bị khá ấn tượng, với công nghệ hỗ trợ AI; bản hybrid có công suất 288 mã lực (Ảnh: auto.ru).

Mẫu Dongfeng Mage thuộc phân khúc SUV cỡ C, cạnh tranh với Mazda CX-5 và Ford Territory. Dự kiến xe sẽ có cả bản máy xăng và hybrid, nhưng thông số chi tiết chưa được công bố.

Trong khi đó, Dongfeng Huge thuộc phân khúc SUV cỡ D, cạnh tranh với Ford Everest và Hyundai Santa Fe, chỉ có trang bị động cơ hybrid.

Theo công bố của nhà sản xuất, hệ thống hybrid của mẫu Dongfeng Huge có công suất tối đa 241 mã lực và mô-men xoắn cực đại 540Nm. 

Loạt xe xăng và xe hybrid của Trung Quốc rục rịch đổ bộ thị trường Việt Nam - 6

Giá bán của Dongfeng Huge tại Việt Nam chưa được công bố (Ảnh: carcarbaba.com).

BYD bán xe hybrid sạc điện

Sau khi đã giới thiệu loạt xe thuần điện, thương hiệu ô tô lớn nhất Trung Quốc này chuẩn bị đưa xe hybrid sạc điện (PHEV) về Việt Nam nhằm thích nghi với nhu cầu đa dạng của khách Việt. 

Theo tiết lộ của đại diện BYD tại Việt Nam, nếu mọi việc thuận lợi, xe hybrid sạc điện của hãng sẽ chính thức ra mắt thị trường trong tháng 12.

Các dòng xe sử dụng nền tảng hybrid sạc điện DM-i 5.0 như Sealion 6 DM-i (hay Song Plus DM) và Seal 5 đang được BYD làm thủ tục để đưa về bán tại Việt Nam.

Loạt xe xăng và xe hybrid của Trung Quốc rục rịch đổ bộ thị trường Việt Nam - 7

Các xe hybrid sạc điện như Sealion 6 DM-i được kỳ vọng sẽ giúp BYD "làm nên chuyện" ở thị trường Việt Nam trong bối cảnh hạ tầng trạm sạc chưa ủng hộ xe thuần điện (Ảnh: BYD).

PHEV được xem như bước đệm hoàn hảo nhất trước khi ngành công nghiệp ô tô chuyển hẳn sang xe thuần điện. Công nghệ này là lựa chọn phù hợp đối với những người muốn trải nghiệm xe điện nhưng vẫn còn e ngại về hạ tầng sạc công cộng.

Nền tảng hybrid sạc điện DM-i 5.0 được giới thiệu là có khả năng mang đến cho các xe như Sealion 6 DM-i khả năng di chuyển quãng đường lên tới 120km hoàn toàn bằng điện.