Loạt ô tô đã lâu chưa có bản nâng cấp tại Việt Nam: Chủ yếu là xe Nhật

Nguyễn Lâm

(Dân trí) - Dù thua thiệt về trang bị do đã lâu không được nâng cấp, nhưng không phải mẫu xe nào trong danh sách này cũng bán chậm nhất phân khúc của mình.

Thông thường, chu kỳ sản phẩm của một mẫu ô tô sẽ kéo dài 4-5 năm, trước khi được nâng cấp lên thế hệ mới. Đây là dịp để các hãng xe cập nhật, làm ra nhiều thay đổi lớn như khung gầm, động cơ hay thiết kế.

Giữa giai đoạn đó, khoảng 2-3 năm sau khi được ra mắt, xe sẽ trải qua một đợt nâng cấp gọi là giữa vòng đời (facelift). Khung gầm và động cơ thường được giữ nguyên, nhưng thiết kế có thể sửa đổi nhẹ và bổ sung thêm trang bị mới nhằm giữ được sức cạnh tranh.

Chu trình này cũng được áp dụng đối với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có một số sản phẩm đã lâu chưa được nâng cấp, ví dụ như những cái tên dưới đây.

Kia Soluto

Sau khi Suzuki Ciaz bị ngừng kinh doanh, Kia Soluto trở thành sản phẩm bán chậm nhất phân khúc sedan hạng B. Dù sở hữu giá bán khá hấp dẫn ở nhóm xe này (386-449 triệu đồng), song những thua thiệt về trang bị do đã lâu chưa được nâng cấp khiến Soluto chưa thể trở thành sự lựa chọn của số đông.

Loạt ô tô đã lâu chưa có bản nâng cấp tại Việt Nam: Chủ yếu là xe Nhật - 1

Kia Soluto dù nằm ở phân khúc sedan hạng B nhưng không gian bên trong lại không rộng rãi bằng các đối thủ do chiều dài cơ sở chỉ đạt 2.570mm (Ảnh: THACO).

Kia Soluto lần đầu ra mắt Việt Nam vào năm 2019 và vẫn giữ nguyên kiểu dáng đến nay. Năm 2021, xe được nâng cấp nhẹ nhưng chưa phải facelift, chỉ đơn thuần bổ sung một số trang bị như: logo mới, tăng độ ngả lưng ghế, bệ tì tay và tựa đầu trung tâm hàng ghế thứ 2.

Trong nhiều tháng gần đây, Kia Soluto thường góp mặt trên danh sách 10 mẫu ô tô bán chậm nhất thị trường. Tính từ đầu năm đến hết tháng 8, mẫu xe Hàn Quốc này chỉ đạt doanh số 243 xe, thua xa các đối thủ cùng phân khúc.

Mitsubishi Attrage

Mitsubishi Attrage cũng nằm cùng phân khúc sedan hạng B với Kia Soluto. Lần cuối cùng mẫu xe Nhật được nâng cấp là vào năm 2020, nhưng chỉ là bản facelift.

Loạt ô tô đã lâu chưa có bản nâng cấp tại Việt Nam: Chủ yếu là xe Nhật - 2

Mitsubishi Attrage được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan với 3 phiên bản, cùng giá bán lẻ đề xuất dao động 380-490 triệu đồng (Ảnh: MMV).

Nhờ những trang bị hiện đại và không gian nội thất rộng rãi hơn Kia Soluto, mẫu Mitsubishi Attrage vẫn thu hút được những khách hàng tìm kiếm một mẫu sedan hạng B giá rẻ có động cơ tiết kiệm. Tất nhiên, khi so sánh với các "đồng hương" khác, trang bị của Attrage đã có phần tụt hậu.

Loạt ô tô đã lâu chưa có bản nâng cấp tại Việt Nam: Chủ yếu là xe Nhật - 3

Tại phân khúc sedan hạng B, doanh số của Mitsubishi Attrage chỉ cao hơn Kia Soluto (Ảnh: Nguyễn Lâm).

Toyota Raize

Lần đầu ra mắt Việt Nam vào cuối năm 2021, Toyota Raize đã duy trì phiên bản hiện tại được gần 3 năm. Tuy nhiên, không như 2 cái tên kể trên, mẫu xe Nhật Bản vẫn giữ được vị thế trong phân khúc SUV đô thị cỡ A.

Loạt ô tô đã lâu chưa có bản nâng cấp tại Việt Nam: Chủ yếu là xe Nhật - 4

Toyota Raize được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia (Ảnh: TVN).

Có 2 nguyên nhân giúp Toyota Raize vẫn nắm giữ được một thị phần nhất định dù đã lâu không được nâng cấp. Đầu tiên, phân khúc SUV cỡ A ít sự cạnh tranh khi chỉ có VinFast VF 5 Plus, Kia Sonet và Hyundai Venue; do đó, trang bị của Raize không quá lạc hậu.

Thứ 2 là giá bán. Lúc mới ra mắt, Toyota Raize có giá bán lẻ đề xuất là 552 triệu đồng, nhưng sang năm 2024, xe được hãng điều chỉnh giảm 54 triệu xuống 498 triệu đồng. Mức giá này thuộc tầm thấp trong phân khúc A-SUV, rẻ hơn Hyundai Venue (499-539 triệu đồng) và Kia Sonet (539-624 triệu đồng).

Loạt ô tô đã lâu chưa có bản nâng cấp tại Việt Nam: Chủ yếu là xe Nhật - 5

Dù là sản phẩm mới nhưng Hyundai Venue thường xuyên bán chậm nhất phân khúc SUV hạng A, chỉ vượt qua Toyota Raize ở tháng 8/2024 (Ảnh: Nguyễn Lâm).

Mazda CX-30

Được ra mắt từ năm 2021 cùng "đàn em" CX-3, nhưng đến nay, Mazda CX-30 vẫn chưa được nâng cấp tại Việt Nam. Trong khi đó, mẫu CX-3 đã có phiên bản mới vào cuối năm 2023 với một số tinh chỉnh nhẹ về thiết kế và trang bị.

Xét về kích thước, Mazda CX-30 nằm ở phân khúc SUV đô thị cỡ B+, cạnh tranh trực tiếp với Toyota Corolla Cross. Nhóm xe này chỉ có 2 tên gọi trên, nên thường được gộp chung với các sản phẩm ở phân hạng B khi so sánh về doanh số, trang bị và cả giá bán.

Loạt ô tô đã lâu chưa có bản nâng cấp tại Việt Nam: Chủ yếu là xe Nhật - 6

Mazda CX-30 được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan (Ảnh: đại lý Mazda).

Phân khúc này nhận nhiều sự quan tâm của khách Việt, nên ngoài Corolla Cross, mẫu Mazda CX-30 còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của những cái tên như Mitsubishi Xforce hay Toyota Yaris Cross. So với các đối thủ, trang bị của CX-30 chưa có dấu hiệu "tụt hậu" nhưng khó cạnh tranh do giá bán chưa đủ hấp dẫn.

Mẫu xe Nhật có giá khởi điểm từ 699 triệu đồng, gần ngang bản cao nhất của một mẫu SUV hạng B như Mitsubishi Xforce (705 triệu đồng). Do đó, khách Việt có xu hướng nghiêng về các mẫu xe hạng B, hy sinh không gian chật hơn một chút nhưng bù lại có nhiều trang bị hơn bản tiêu chuẩn của CX-30.

Trong khi đó, giá bản cao nhất của Mazda CX-30 lại ngang với biến thể tiêu chuẩn của "đàn anh" CX-5. Đây cũng là sản phẩm được người dùng ưa chuộng ở phân khúc C-SUV, sẵn sàng đánh đổi một số tính năng để sở hữu không gian rộng rãi với mức giá rẻ.

Loạt ô tô đã lâu chưa có bản nâng cấp tại Việt Nam: Chủ yếu là xe Nhật - 7

Xét lũy kế doanh số 8 tháng đầu năm 2024, Mazda CX-30 là sản phẩm tiêu thụ kém nhất phân khúc SUV cỡ B và B+ (Ảnh: Nguyễn Lâm).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm