Từ vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 11/7:

Hiểm họa chết người từ việc dừng xe trên đường cao tốc

Nhật Minh

(Dân trí) - Dừng xe ở làn ngoài cùng bên trái, không đặt vật cảnh báo nguy hiểm phía sau xe, và tài xế đứng giữa đường giải quyết va chạm là những điều cấm kỵ trên đường cao tốc, có thể dẫn tới tai nạn liên hoàn.

Hình ảnh vụ tai nạn liên hoàn trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do camera giám sát giao thông ghi lại (Video: OFFB).

Sự việc xảy ra vào khoảng 9 giờ ngày 11/7, khi một chiếc xe khách (9 chỗ hoán cải từ xe 16 chỗ) chạy trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chiều đi Hải Phòng, khi tới thị trấn Gia Lộc (Hải Dương) thì đâm vào đuôi xe bán tải. Hai xe dừng lại ở làn ngoài cùng bên trái, nơi có giới hạn tốc độ tối đa lên tới 120km/h.

Trong lúc hai tài xế xuống đường để giải quyết va chạm thì một xe 7 chỗ đang chạy tốc độ cao đã đâm vào hông xe khách rồi xoay ngang ra đường.

Hậu quả là một tài xế và một hành khách tử vong tại chỗ, 10 người khác bị thương, đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Hiểm họa chết người từ việc dừng xe trên đường cao tốc - 1

Tại hiện trường, xe khách bị đâm móp hông, rụng cánh cửa lên xuống (Ảnh: OFFB).

Hiểm họa chết người từ việc dừng xe trên đường cao tốc - 2

Xe 7 chỗ nát đầu, bung túi khí, nằm ngang làn giữa (làn 2) của đường cao tốc (Ảnh: OFFB).

Vụ tai nạn liên hoàn này một lần nữa cho thấy mức độ nguy hiểm của việc dừng xe trên đường cao tốc. Đặc biệt, ở làn ngoài cùng bên trái (làn 1), các phương tiện thường di chuyển với tốc độ tối đa cho phép, trong trường hợp này là 120km/h, nên tài xế chỉ lơ là mất tập trung trong tích tắc, hoặc không giữ khoảng cách đủ an toàn với xe phía trước để kịp quan sát và xử lý tình huống là có thể xảy ra tai nạn liên hoàn, như tình huống trên.

Do đó, nếu không may xảy ra sự cố trên đường cao tốc, tài xế cần lập tức bật đèn khẩn cấp (nút bấm hình tam giác màu đỏ trên xe), đặt vật cảnh báo nguy hiểm để thu hút sự chú ý của các tài xế khác, đồng thời khẩn trương tìm cách di chuyển xe vào làn dừng khẩn cấp, thậm chí có thể phải dùng sức đẩy xe.

Đặt vật cảnh báo phía sau xe như thế nào cho đúng?

Vật cảnh báo nguy hiểm có thể là tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón, cành cây lớn, đèn pin, hoặc bất cứ vật gì khác... Nên đặt các vật dụng cảnh báo nguy hiểm ở phía sau xe dừng đỗ với một khoảng cách phù hợp, để tài xế các xe phía sau có đủ thời gian giảm tốc độ và đánh lái tránh.

Hiểm họa chết người từ việc dừng xe trên đường cao tốc - 3

Khi bắt buộc phải dừng xe giữa đường, cần đặt cảnh báo ở khoảng cách đủ xa để "phát ra tín hiệu" cho các tài xế khác kịp xử lý (Ảnh: CarsGuild).

Về khoảng cách đặt vật cảnh báo phía sau xe gặp sự cố, có thể tham khảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ, dù bộ quy chuẩn này hiện được thay bằng QCVN 41:2019/BGTVT. 

Theo đó, nếu tốc độ vận hành trung bình của xe là dưới 20km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là dưới 50m.

Nếu tốc độ vận hành trung bình của xe là 20-35km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 50-100m.

Nếu tốc độ vận hành trung bình của xe là 35-50km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 100-150m.

Nếu tốc độ vận hành trung bình của xe là từ 50km/h trở lên thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 150-250m.

Như vậy, với điều kiện giao thông bình thường trên quốc lộ, đường cao tốc, khoảng cách phù hợp để đặt vật cảnh báo nguy hiểm là 150-250m.

Bên cạnh đó, nếu có thể, hãy xếp các cọc tiêu hình nón tạo thành một barrier di động, để các xe khác không lao vào khu vực có xe gặp sự cố. 

Để đảm bảo an toàn tính mạng, khi xe gặp sự cố, tất cả mọi người nên rời khỏi xe, di chuyển ra phía sau lan can đường hoặc khu vực càng xa làn đường xe chạy càng tốt. 

Giữ khoảng cách với xe phía trước như thế nào là an toàn?

Thông tư 31/2019/TT-BGTVT có quy định rõ ràng và chi tiết về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ của xe (trong điều kiện đường sá khô ráo) như sau:

Hiểm họa chết người từ việc dừng xe trên đường cao tốc - 4

Trên một số đường cao tốc có sẵn các tấm biển ghi 0m, 50m, 100m hoặc 70m, 140m… chính là để giúp tài xế căn khoảng cách với xe phía trước dễ hơn.

Ngoài việc chú ý giữ khoảng cách an toàn, khi lái xe nói chung và lái xe trên đường cao tốc nói riêng, bạn còn cần luôn tập trung chú ý quan sát để có thể kịp thời xử lý tình huống bất ngờ.

Trên thực tế, để căn khoảng cách an toàn với xe phía trước trên đường cao tốc, các tài xế thường áp dụng quy tắc 3 giây, vì nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong điều kiện bình thường, 3 giây là khoảng thời gian đủ để tài xế kịp phản ứng trước các sự cố như phía trước có xe bị hư hỏng, gặp chướng ngại vật trên đường… 

Bản chất của quy tắc 3 giây là khoảng thời gian cần thiết để tài xế dừng xe an toàn sau khi đạp phanh, dựa trên các tính toán tổng hợp về tốc độ phản xạ của người lái, quán tính của xe sau khi phanh để xe có thể dừng lại hoàn toàn và tránh được va chạm.

Để xác định cự ly "3 giây", bạn hãy tìm một vật cố định bên đường để làm "cột mốc"; đó có thể là biển báo giao thông, cột đèn hay cây cối… Khi xe phía trước vượt qua "cột mốc", bạn hãy đếm 1... 2... 3… theo nhịp đúng 3 giây.

Sau khi đếm xong, nếu xe của bạn tới đúng "cột mốc" thì tức là khoảng cách với xe phía trước đủ an toàn. Ngược lại, nếu bạn chưa đếm hết 3 giây mà đã tới "cột mốc", thì cần đi chậm lại để nới rộng cự ly, đảm bảo khoảng cách an toàn.

Quy tắc 3 giây được áp dụng trong điều kiện thời tiết tốt, trời khô ráo, tầm nhìn thoáng... Trong điều kiện trời mưa, tầm nhìn bị hạn chế thì phải tăng lên thành 6 giây, tức giữ khoảng cách với xe phía trước gấp đôi so với thông thường.