Đi xe máy cùng trẻ nhỏ: Đừng chủ quan để phải ân hận!

Nhật Minh

(Dân trí) - Đã có không ít trường hợp tai nạn do người lớn bất cẩn khi đi xe máy cùng trẻ nhỏ, gây chấn thương nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới tử vong, nhưng dường như nhiều người vẫn rất chủ quan...

Sự việc đau lòng xảy ra hôm 27/5 vừa qua ở Bình Định khi bé 4 tuổi vô tình vặn tay ga khiến chiếc xe máy chồm lên tông vào tường, làm 3 người trong gia đình tử vong và một người bị thương, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ này. Đó thực sự là tai nạn có thể chủ động phòng tránh.

Những sai lầm thường gặp

Sai lầm đầu tiên và lớn nhất mà nhiều người lớn mắc phải khi chở trẻ nhỏ bằng xe máy là để trẻ không đội mũ bảo hiểm. Không lý do gì có thể bao biện cho sự bất cẩn, chủ quan này của người lớn. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại mũ bảo hiểm dành cho trẻ nhỏ, với giá bán không quá cao, chỉ từ hơn 100 ngàn đồng.

Đi xe máy cùng trẻ nhỏ: Đừng chủ quan để phải ân hận! - 1

Nhiều phụ huynh khá bất cẩn khi chở trẻ nhỏ bằng xe máy, với suy nghĩ rằng chỉ đi chậm và đi quãng đường ngắn thì không nguy hiểm (Ảnh minh họa: DTiNews).

Ngoài việc không đội mũ bảo hiểm cho con, nhiều phụ huynh còn vô tư để trẻ ngồi trên xe hoặc trên đùi mà không có các phương tiện bảo hộ cần thiết khác, như ghế dành riêng cho trẻ hoặc dây đai an toàn. Đã xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm do người lớn chủ quan, khiến trẻ nhỏ bị hất văng xuống đường khi xảy ra va chạm giao thông.

Đa số phụ huynh đều cho trẻ ngồi phía trước khi đi xe máy nhưng không phải ai cũng chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ, để trẻ ngồi chênh vênh ở phía trước. Trong khi lưu thông trên đường, kể cả đường vắng, chỉ cần một va chạm nhỏ cũng có thể khiến trẻ nhẹ thì lao về phía trước, đập ngực hoặc đầu vào bảng đồng hồ xe, nặng thì bị hất văng xuống đường. 

Nhiều người đã có ý thức bảo vệ trẻ bằng việc sử dụng ghế dành riêng, đặt giữa yên xe và tay lái, nhưng lại quên cố định ghế này, nên khi xảy ra va chạm mạnh, trẻ vẫn có thể bị văng xuống đường cùng với ghế.

Nguy hiểm hơn, có phụ huynh chủ quan tới mức cho trẻ đứng trên yên xe phía sau, hoặc ngồi quay mặt về phía sau, cho trẻ ngồi vắt vẻo một bên trên đùi, thậm chí một tay ôm trẻ một tay lái xe,... 

Những lưu ý có tính sống còn

Trước tiên, khi đi xe máy với trẻ, hãy sử dụng các phương tiện bảo hộ thiết yếu, như mũ bảo hiểm, ghế ngồi riêng được lắp và cố định chắc chắn vào xe máy, dùng dây đai an toàn, gối/đệm bảo vệ để tránh cho trẻ bị đập đầu, mặt hoặc ngực khi xe phanh gấp hoặc xảy ra va chạm. 

Đối với trẻ 1-2 tuổi, vị trí an toàn nhất là ngồi giữa hai người lớn. Đối với trẻ lớn hơn, nên cho ngồi phía sau.

Khi đội mũ bảo hiểm cho trẻ, hãy chọn loại vừa đầu và cần chú ý đội mũ đúng cách, cài chặt quai. Với các phương tiện bảo hộ khác cũng vậy, cần siết chặt dây an toàn.

Thứ hai, để có thể giảm thiểu rủi ro cho trẻ nhỏ đi cùng, người điều khiển xe máy nói chung và xe ga nói riêng cần luôn nhớ phải kiểm soát 100% chiếc xe, không để trẻ nhỏ có cơ hội nghịch dại. 

Khi dừng xe, nếu rời tay khỏi tay lái, đừng quên tắt máy đối với xe ga và về mo (số N) đối với xe số. Hãy tạo cho cả bản thân và trẻ nhỏ thói quen xuống xe ở bên trái (vì tay ga ở bên phải của xe). Trong quá trình lên xuống xe, hoặc do hiếu động, trẻ rất dễ vặn tay ga, khiến xe vọt đi mất kiểm soát.

Quy định pháp luật 

Theo Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển xe mô-tô 2 bánh, xe gắn máy được chở tối đa 2 người, với điều kiện ít nhất 1 trong 2 người đi cùng là trẻ em dưới 14 tuổi.

Như vậy, người điều khiển mô-tô, xe gắn máy không được phép chở 1 người lớn và 2 trẻ em dưới 14 tuổi - trường hợp thường gặp ở các gia đình có hai con nhỏ. 

Bên cạnh đó, trẻ em từ 6 tuổi khi tham gia giao thông bằng xe máy cùng người lớn phải đội mũ bảo hiểm.

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm