Thản nhiên cho trẻ nhỏ thò đầu qua cửa sổ trời: Đừng để đến khi quá muộn

Nhật Minh

(Dân trí) - Hình ảnh bé gái đứng thò đầu qua cửa sổ trời của chiếc ô tô chạy trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được chia sẻ mới đây trên mạng xã hội đã nâng cấp độ cảnh báo về sự chủ quan của người lớn.

Việc người lớn để cho trẻ nhỏ đứng hóng gió qua cửa sổ trời ô tô đang chạy trên đường thường khiến những người chứng kiến cảm thấy bất bình và lo lắng. Chẳng thể tưởng tượng nổi hậu quả sẽ thế nào nếu không may xảy ra va chạm hoặc gặp sự cố bất ngờ trên đường.

Nhiều người chủ quan cho rằng ô tô chỉ chạy trong phố với tốc độ chậm, việc để trẻ nhỏ đứng thò đầu qua cửa sổ trời không nguy hiểm. Tuy nhiên, việc này xuất hiện ngày càng nhiều và thậm chí diễn ra trên cả quốc lộ và đường cao tốc, đồng nghĩa với mức độ nguy hiểm cao hơn.

Thản nhiên cho trẻ nhỏ thò đầu qua cửa sổ trời: Đừng để đến khi quá muộn - 1

Hình ảnh được một người đi đường ghi lại trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Ảnh: OFFB).

Ngày nay, cửa sổ trời không phải "đặc quyền" của các mẫu xe cao cấp, mà đã xuất hiện nhiều hơn trên ô tô phổ thông, thậm chí dòng giá rẻ.

Trang bị này khiến cho chiếc ô tô trông "sang chảnh" hơn, không gian bên trong xe sáng hơn và cũng là một giải pháp hỗ trợ lấy gió ngoài, lưu thông không khí bên trong xe. Cửa sổ trời còn có vai trò là lối thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp mà cửa ra vào bị kẹt.

Tuy nhiên, nó chưa bao giờ được thiết kế để làm nơi hóng mát cho người đi xe. Ngay cả người lớn nếu đứng thò đầu qua cửa sổ trời khi xe ô tô đang chạy cũng rất nguy hiểm. Với trẻ em, mức độ nguy hiểm còn cao hơn.

Để trẻ em thò đầu qua cửa sổ trời sẽ nguy hiểm thế nào?

Thản nhiên cho trẻ nhỏ thò đầu qua cửa sổ trời: Đừng để đến khi quá muộn - 2

Cửa sổ trời hiện nay được trang bị trên nhiều mẫu ô tô, bao gồm cả xe phổ thông (Ảnh: Car Press).

Thứ nhất, cấu trúc xương của con người chỉ hoàn thiện sau năm 25 tuổi. Va chạm giữa cột sống với khung cửa khi trẻ đứng thò đầu qua cửa sổ trời, thường do xe phanh gấp, có thể dẫn đến những di chứng về xương. Do đó, quan niệm "chỉ chạy chậm sẽ an toàn" là chủ quan, vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết. 

Thứ hai, trẻ nhỏ chưa có nhận thức đầy đủ về sự an toàn, lại hiếu động, nên dễ xảy ra tình huống trẻ trèo hẳn ra khỏi xe qua cửa nóc. Lúc đó, chỉ cần người lái có chút thay đổi nhỏ, như chuyển hướng, tăng tốc hoặc rà phanh, cũng có thể khiến trẻ mất đà, trượt ngã từ trên nóc xe xuống đường. 

Hai lý do trên khiến cho việc để trẻ nhỏ đứng thò đầu qua cửa sổ trời khi xe đang chạy tiềm ẩn mối nguy lớn về an toàn ngay cả khi ô tô di chuyển chậm; còn với các xe chạy trên quốc lộ và đường cao tốc, nguy cơ sẽ cao hơn nhiều.

Nếu bạn đã từng xem video về các trường hợp người ngồi trên ô tô không cài dây an toàn bị hất văng ra khỏi xe, thì chắc chắn sẽ dễ dàng hình dung được hậu quả khủng khiếp hơn nhiều với tình huống trẻ nhỏ đang đứng thò đầu qua cửa sổ trời thì xe phanh gấp hoặc có va chạm.

Ngoài mối nguy đến từ việc chấn thương cột sống do xe phanh gấp hoặc xảy va chạm, việc trẻ đứng thò đầu qua cửa sổ trời còn tiềm ẩn một số nguy cơ khác, như bị đất đá, mảnh sắc nhọn trên đường văng vào vùng đầu, vùng ngực, hoặc bị vướng vào cành cây, dây điện sà thấp xuống đường.

Hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa có chế tài xử phạt

Trên thế giới đã xảy ra không ít trường hợp trẻ em thiệt mạng vì thò đầu ra ngoài cửa sổ trời khi xe đang chạy.

Tháng 10/2018, một cậu bé 13 tuổi tại Trung Quốc tử vong vì va vào thanh chắn trên cao khi đang ngồi hẳn ra ngoài cửa sổ trời. Trước đó, ngày 17/8/2016, hai trẻ đã thiệt mạng do bị dây diều cứa cổ khi đang đứng thò đầu ra khỏi chiếc Honda City tại lễ hội diều Ấn Độ.

Vì thế, đừng sử dụng cửa sổ trời sai mục đích. Để trẻ hóng mát, ngắm cảnh? Để trẻ đỡ say xe? Hay chỉ đơn giản là để trẻ đỡ buồn chán? Dù lý do là gì, đừng bao giờ cho phép trẻ nhỏ đứng thò đầu qua cửa sổ trời khi xe di chuyển trên đường, kể cả đường nội đô lẫn quốc lộ và đường cao tốc.

Hiện tại ở Việt Nam, pháp luật chưa có quy định xử phạt cụ thể đối với việc này, tài xế có thể chỉ bị phạt về hành vi chở người không cài dây an toàn. Tuy nhiên, sự an toàn, sức khỏe và tính mạng của người thân chính là cái giá phải trả đáng sợ hơn nhiều.