"Cấm sạc xe điện ở chung cư là nhìn nhận sai lầm và có phần quy chụp"

Gia An

(Dân trí) - Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách khoa Hà Nội), việc một số nơi cấm sạc xe điện vì lo ngại nguy cơ cháy nổ là quyết định cực đoan và sai về mặt khoa học.

Bảo Xuân, sinh viên năm 3 ở trọ tại một chung cư mini thuộc phố Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội), đang tính toán chuyển đến chỗ ở khác vì quy định mới được chủ nhà đưa ra. "Người cho thuê yêu cầu em và một số bạn cũng đi xe đạp điện không được sạc ở dưới tầng 1 nữa vì lo ngại cháy nổ. Em lại cần xe đạp điện để đi học và đi làm thêm", cô nói.

Trường hợp của Bảo Xuân không phải cá biệt khi một số nhà trọ, đặc biệt là chung cư mini, gần đây có nhiều động thái "siết" việc sạc xe điện. Quy định cấm sạc xe điện qua đêm, thậm chí là cấm luôn xe điện, được không ít nơi đưa ra ngay sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người thiệt mạng.

Hạn chế xe điện vì lo cháy nổ là sai lầm về mặt khoa học

Thực tế đến nay, cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân vụ cháy trên. Dưới góc độ kỹ thuật, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng quy định cấm sạc xe điện tại chung cư vì lo lắng hỏa hoạn là quyết định mang tính cực đoan và sai về khoa học.

Cấm sạc xe điện ở chung cư là nhìn nhận sai lầm và có phần quy chụp - 1

Một số chung cư, khu trọ gần đây đưa ra các quy định chặt chẽ hơn trong việc sạc xe điện (Ảnh: Thế Hưng).

Theo ông Phúc, xét về bản chất thì rủi ro cháy nổ có thể xảy ra ở bất kỳ phương tiện nào. "Nếu so sánh thì rõ ràng xăng dễ cháy hơn khi chỉ cần một tàn thuốc, một mồi lửa cũng sẽ khiến ngọn lửa bùng lên. Trong khi đó, sự cố hỏa hoạn không dễ xảy ra với xe điện đạt chuẩn vì nó được bảo vệ nhiều lớp trong sản xuất", chuyên gia cho biết thêm.

Đồng quan điểm, kỹ sư điện - điện tử Vũ Quang Tú, nhận định việc sạc điện dẫn đến nổ pin chỉ là trường hợp cá biệt và không nên quy chụp.

"Xe đạp điện loại bình dân, giá rẻ thường dùng ắc-quy và bộ phận này cũng có trên gần như tất cả các mẫu ô tô và xe máy, chỉ khác nhau về kích cỡ (dung lượng). Còn với xe dùng pin thì hầu hết là loại lithium-ion, cũng chính là pin trong điện thoại, máy tính xách tay và rất nhiều thiết bị điện tử khác. Bởi vậy nếu đã cực đoan cấm xe điện, cấm sạc xe điện thì cũng cần cấm cả các dòng xe kia, cấm luôn mấy thiết bị điện tử dùng pin", ông Tú nêu vấn đề.

Kỹ sư điện-điện tử này cho rằng với các mẫu xe điện đủ điều kiện bán ở Việt Nam đều đảm bảo an toàn khi chúng đã vượt qua hàng loạt bài kiểm tra liên quan đến nạp điện quá mức, phóng điện quá mức, khả năng chịu ngắn mạch, khả năng chịu rung động… Bộ sạc và pin tiêu chuẩn khi sạc gần đầy sẽ tự giảm tốc độ sạc và tiến tới ngắt dòng sạc.

Xe điện an toàn, sạc pin an toàn… tại sao vẫn cháy?

Ông Tú cho rằng để nói về nguyên nhân xe điện cháy thì cần phải xác minh được rõ nguồn gốc sự việc dưới góc độ khoa học. Trong đó, chuyên gia này cho rằng phần nhiều vụ cháy xuất phát từ chập điện khi sạc và nó chủ yếu xuất phát từ việc quá tải.

Cấm sạc xe điện ở chung cư là nhìn nhận sai lầm và có phần quy chụp - 2

Một trong những nguyên nhân của các vụ cháy xe điện là do nguồn bị quá tải (Ảnh: DMX).

"Phần lớn chung cư hiện nay được xây dựng mà hệ thống điện không tính toán, thiết kế cho việc sạc xe điện của cư dân. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng tại những chung cư cũ, chung cư mini, nhà trọ... Trong khi đó, lượng người sử dụng xe điện lại ngày càng tăng, họ thường sạc cùng lúc là khi đi làm, đi học về, nên càng dễ dẫn đến quá tải và chập cháy", ông Tú nói.

Chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về nguyên nhân vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ. Còn theo lời kể của người bảo vệ, ông đang trực thì phát hiện bảng điện ở tầng một bốc cháy. Lửa nhỏ, ông vác bình cứu hỏa đến dập lửa, nhưng "càng xịt càng cháy to".

Hàng loạt xe máy ở tầng một bắt đầu bén lửa, phát ra tiếng nổ bồm bộp. Nam bảo vệ dập cầu dao điện, nhưng khói lửa đã nhanh chóng bao trùm tầng một rồi lan lên các tầng trên.

Cấm sạc xe điện ở chung cư là nhìn nhận sai lầm và có phần quy chụp - 3

Nguyên nhân xe điện cháy có thể do một số mẫu giá rẻ sử dụng pin kém chất lượng hoặc xe đã được tân trang, sửa chữa (Ảnh: Hindustan Times).

Mỹ cũng phải đối mặt với tình trạng gia tăng các vụ hỏa hoạn liên quan đến xe đạp điện, loại phương tiện được dùng nhiều bởi các nhân viên giao hàng và giao đồ ăn tại đây, theo TechCrunch. Dữ liệu của Sở Cứu hỏa New York cho thấy số vụ cháy liên quan tới xe đạp điện đã tăng gấp đôi mỗi năm, tính từ 2020 đến 2022.

Một số báo cáo cho thấy nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra là do sử dụng xe đạp điện giá rẻ hoặc xe cũ, với pin không đảm bảo chất lượng. Ngay cả với những mẫu xe "xịn" nhưng lại dùng loại pin tân trang, "chế cháo" lại cũng có thể dẫn đến nguy cơ hỏa hoạn. Một nguy cơ khác là hệ thống quản lý pin của xe, nếu gặp vấn đề, cũng có thể gây cháy nổ.

Người dân và chung cư nên quản lý sạc xe điện thế nào để an toàn?

Theo các chuyên gia, việc "siết" quy định về sạc pin xe điện của những chủ nhà trọ và các đơn vị vận hành chung cư có điểm đúng, tuy nhiên không nên áp dụng các quy định máy móc và càng không nên cấm.

Cấm sạc xe điện ở chung cư là nhìn nhận sai lầm và có phần quy chụp - 4

Một số chung cư bố trí khu vực sạc xe điện ở nơi thoáng mát, trong tầm quan sát của bảo vệ, ngắt nguồn tổng để không cho sạc vào ban đêm (Ảnh: Thế Hưng).

Việc tách riêng khu vực cho xe điện tại các hầm chung cư là cần thiết để thuận tiện quản lý. Vị trí này nên ở nơi thông thoáng, khô ráo, trong tầm quan sát của bảo vệ. Ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, không sạc qua đêm và khi không có người lớn ở nhà. Tại các chung cư có thể cắt nguồn sạc vào đêm, khi lực lượng bảo vệ không đủ trông coi.

Ban quản lý chung cư, nhà trọ cũng cần kiểm tra đường điện để tính toán công suất phù hợp với nhu cầu sạc cho xe điện để tránh tình trạng quá tải. Các ổ cắm cần thường xuyên được kiểm tra chân tiếp xúc, bố trí khoảng cách phù hợp giữa các phương tiện. Cần trao đổi với chủ xe nếu thấy xe điện hay bộ sạc của người dùng có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.

Về phía người dùng, PGS-TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng vấn đề đầu tiên là nên lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn, từ những thương hiệu uy tín. "Mọi người phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất trong suốt quá trình sử dụng. Đặc biệt là không tự ý thay đổi kết cấu, nhất là với hệ thống pin, ắc-quy, bộ sạc…", ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng đặt vấn đề với cơ quan chức năng trong việc quản lý. Theo ông Phúc cần phải hạn chế các sản phẩm trôi nổi, giám sát chặt các quy chuẩn để đảm bảo an toàn cũng như sự công bằng cho người dùng, tránh gây hiểu lầm và hoang mang cho người dùng.