Bỏ quy định nhập khẩu chính hãng - thị trường ôtô có tốt hơn?

(Dân trí) - Tại một sự kiện được tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một kiến nghị đã được đưa ra, đề xuất với các cơ quan quản lí bỏ một số quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT, “cởi trói” cho hoạt động nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc. Tuy nhiên, kiến nghị này đã vấp phải sự phản đối của các nhà sản xuất và nhập khẩu ôtô chính hãng.

Bỏ quy định nhập khẩu chính hãng - thị trường ôtô có tốt hơn? - 1

Sở dĩ có đề xuất này là do vào ngày 1/7 tới đây, Thông tư 20/2011/TT-BCT sẽ hết hiệu lực khi Bộ Công Thương trình Chính Phủ một nghị định mới liên quan đến các điều kiện kinh doanh mảng nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng. Và kiến nghị này đề xuất loại bỏ hẳn Điều 1 quy định về vai trò của nhà nhập khẩu chính hãng cùng điều kiện cở sở bảo hành, bảo dưỡng chứ không nên đưa vào như một điều khoản trong dự thảo nghị định trình Chính phủ.

Sự “đồng thuận” bất ngờ giữa các đối thủ cạnh tranh

Sự ra đời của Thông tư 20/2011/TT-BCT (Thông tư 20) vào năm 2011 được coi là hợp lí và được ủng hộ khi có được sự đồng tình của hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ôtô tại Việt Nam. Điều này thể hiện ở chỗ khi kiến nghị mà VCCI vừa đưa ra, ngay lập tức đã có hàng loạt các bản đề xuất giữ nguyên các điều kiện đã nêu trong Điều 1 của Thông tư 20/2011/TT-BCT(1). Thậm chí, có những ý kiến cho rằng nên kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư 20 này trong khi chờ đợi phê duyệt của Chính phủ về một nghị định mới, quy định về điều kiện kinh doanh ôtô mới.

Lẽ dĩ nhiên, đại diện các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng tại Việt Nam, như Audi, BMW, Rolls-Royce…, là những đơn vị bày tỏ quan điểm mạnh mẽ nhất về việc bảo vệ các điều khoản trong Thông tư 20/2011/TT-BCT. Bên cạnh đó, các công văn của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội các doanh nghiệp Đức (GBA), đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam (GIC/AK), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF (2) gửi đến Chính phủ đề xuất tiếp tục giữ hiệu lực của Thông tư 20/2011/TT-BCT. Đó là chưa kể Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tập đoàn Trường Hải… cũng đã gửi tới Thủ Tướng Chính Phủ văn bản kiến nghị có nội dung tương tự.

Ngoài ra, các cơ quan này còn đề xuất với Bộ Tư Pháp, trước khi thực hiện việc được điều chỉnh hoặc bãi bỏ Thông tư 20, cần có những cuộc họp công khai lấy ý kiến các nhà nhập khẩu ôtô chính thức cũng như các nhà sản xuất ôtô trong nước. Sở dĩ có đề xuất này là do ngay văn bản kiến nghị của VCCI cũng không hề có sự tham vấn của bất cứ nhà phân phối ôtô chính hãng nào, thậm chí là cả các thành viên VAMA.

“Chính hãng” để làm gì?

Việc đề xuất bãi bỏ Thông tư 20/2011/TT-BCT của VCCI hiển nhiên được các công ty nhập khẩu ôtô không chính hãng hưởng ứng, bởi các quy định này ngăn cản họ nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc dưới 9 chỗ nếu không phải là nhà nhập khẩu ủy quyền hay có hợp đồng đại lí.

Trong khi đó, đối với các công ty phân phối ôtô nhập khẩu chính hãng lại hoàn toàn ủng hộ đối với các quy định có trong Thông tư 20. Các công ty này lập luận, khi có các nhà nhập khẩu chính thức được công nhận bởi các nhà sản xuất, thị trường Việt Nam sẽ đón nhận những mẫu xe được thiết kế phù hợp với điều kiện thời tiết và đường sá cũng như loại nhiên liệu hiện có.

Ngoài ra, các công ty này được sự hỗ trợ từ nhà sản xuất về việc cập nhật các kỹ thuật tiên tiến, đào tạo kỹ thuật đúng bài bản và được cung cấp các linh kiện, phụ tùng có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Đặc biệt các mẫu xe được phân phối chính hãng sẽ phải thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng theo đúng quy trình giúp người tiêu dùng luôn được đảm bảo sự an toàn khi sử dụng chiếc xe.


Rõ ràng việc sử dụng các mẫu xe nhập khẩu không chính thức sẽ khiến khách hàng không được thụ hưởng đầy đủ quyền lợi của mình về trách nhiệm của nhà sản xuất khi sản phẩm bị lỗi trong quá trình sản xuất

Rõ ràng việc sử dụng các mẫu xe nhập khẩu không chính thức sẽ khiến khách hàng không được thụ hưởng đầy đủ quyền lợi của mình về trách nhiệm của nhà sản xuất khi sản phẩm bị lỗi trong quá trình sản xuất

Đại diện một nhà phân phối chính hãng cho biết sẽ là không công bằng đối với các nhà phân phối chính hãng nếu Thông tư 20/2011 của bộ Công thương bị bãi bỏ, khi họ phải đầu tư nhiều tỉ đồng cho cơ sở vật chất (nhà xưởng, phòng trưng bày…), đào tạo nhân lực trong khi đó các nhà nhập khẩu không chính thức không cần đảm bảo các quy định đó cũng có thể được nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc mà không cần có các điều kiện về con người, trình độ khoa học kỹ thuật…

Một khía cạnh quan trọng nữa liên quan đến việc có nên bãi bỏ việc yêu cầu nhập khẩu xe chính hãng, đó là trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người đang sử dụng xe.

Khi nhà sản xuất thực hiện một chiến dịch triệu hồi để sửa chữa và thay thế linh kiện rõ ràng quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo khi sử dụng các dịch vụ, sản phẩm chính hãng. Gần đây nhất, các mẫu Audi Q5 2.0L nhập khẩu chính thức được thực hiện miễn phí việc thay thế hệ thống túi khí, trong khi đó khách hàng sử dụng các mẫu Q5 nhập khẩu không chính thức có lỗi tương tự sẽ không được hưởng ưu đãi này.

Vào thời điểm này, không phải bất cứ nhà phân phối xe chính hãng nào cũng được nhà sản xuất công nhận là nhà phân phối “độc quyền” tại Việt Nam.
Vào thời điểm này, không phải bất cứ nhà phân phối xe chính hãng nào cũng được nhà sản xuất công nhận là nhà phân phối “độc quyền” tại Việt Nam.

Ông Đoàn Trung - đại diện nhà phân phối chính thức Rolls-Royce tại Việt Nam cho biết: Với tư cách là nhà nhập khẩu chính thức, chúng tôi có trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, triệu hồi xe gặp sự cố và có trách nhiệm phối hợp xử lý các công việc này với nhà sản xuất. Nếu bãi bỏ thông tư 20/2011/TT-BCT, các nhà nhập khẩu không chính thức cũng sẽ được nhập khẩu xe như chúng tôi nhưng lại không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước khách hàng về sự việc tương tự.

Trong khi đó, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - ông Yoshihisa Maruta cho biết: Chất lượng xe và dịch vụ bảo dưỡng chuyên nghiệp có ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo an toàn giao thông, khi Thông tư 20 hết hiệu lực và không được thay thế, chúng tôi lo ngại về việc ai sẽ đảm bảo chất lượng và dịch vụ, các chiến dịch triệu hồi, xử lí sản phẩm thải bỏ nếu như các nhà nhập khẩu không chính thức sẽ dừng hoạt động kinh doanh vì những lí do nào đó.

Theo đánh giá của ông Trần Bá Dương - chủ tịch HĐQT công ty CP ôtô Trường Hải, nếu Thông tư 20 không được đưa vào Nghị định mới để duy trì thì quản lí thì chắc chắn tình hình kinh doanh ôtô trong thời gian tới tại Việt Nam cũng sẽ trở lại giai đoạn trước năm 2011; nhập khẩu xe không phù hợp với điều kiện vận hành, các doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ồ ạt dẫn đến nhập siêu và có thể phải bán lỗ do không kiểm soát được cung/cầu, gây thiệt hại cho bản thân doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung…

Và những nguy cơ gian lận thương mại

Trong khi các công ty kinh doanh ôtô mới nhập khẩu không chính thức đòi sự công bằng cách bãi bỏ Thông tư 20 thì đến lượt họ bị chính các nhà phân phối chính thức ôtô tại Việt Nam “tố” có hành vi gian lận thương mại.

Đại diện một nhà phân phối chính thức cho biết: Không ít các nhà nhập khẩu không chính thức đã lợi dụng khe hở của pháp luật để khai giá trị xe thấp hơn nhiều so với giá trị thật để giảm số tiền thuế phải nộp. Ngoài ra, các chiêu thức để nhập xe mới chưa qua sử dụng bằng cách khai báo nhập khẩu xe dưới dạng quà tặng hoặc hợp thức hóa dưới dạng xe cũ (đăng kí sử dụng tối thiếu 6 tháng từ khi sản xuất và đồng hồ đo đường đi trên 10.000 km) để đưa về Việt Nam là điều không còn xa lạ.

Và điều này cũng nhận được sự đồng tình của chủ tịch HĐQT công ty Trường Hải khi ông Trần Bá Dương cho biết; vào thời điểm trước khi có Thông tư 20, các doanh nghiệp nhỏ nhập khẩu không chính thức sẽ phải thu gom xe với giá cao từ các đại lí bán xe ở các thị trường khác, đi kèm với đó là chi phí vận chuyển, quản lí do vậy để có thể cạnh tranh cùng các mẫu xe nhập khẩu chính thức, các công ty này phải khai giá trị trên hợp đồng và trên tờ khai Hải quan thấp hơn giá trị mua thật để giảm số tiền đóng thuế. Chính vì vậy, số tiền chênh lệch này sẽ phải chuyển lậu ngoại tệ ra nước ngoài bằng cách thu gom trên thị trường chợ đen, gây bất ổn cho thị trường ngoại tệ.

Rõ ràng từ khi Thông tư 20/2011/TT-BCT được ban hành, hoạt động kinh doanh ôtô nhập khẩu chưa qua sử dụng đã ổn định hơn, với các sản phẩm thực sự phù hợp với điều kiện vận hành tại Việt Nam, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng được đảm bảo hơn khi hoạt động triệu hồi sửa chữa và thay thế xe có lỗi trong quá trình sản xuất được thực hiện tốt hơn. Và nếu như trong trường hợp Thông tư 20 bị bãi bỏ tới đây mà không còn các hàng rào kĩ thuật khác thay thế thì tình hình kinh doanh ôtô sẽ không có sự ổn định, tạo tâm lí bất an cho đối với các doanh nghiệp trong việc đề ra các kế hoạch hợp tác phát triển trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2018, và xa hơn là các hiệp định FTA vào năm 2028.

Việt Hưng

(1): Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định, ngoài các thủ tục nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ, doanh nghiệp phải nộp: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.

(2): Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) được thành lập năm 1997 tại Hội nghị Tư vấn thường niên giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ. Diễn đàn như một kênh đối thoại chính sách hoạt động phi lợi nhuận, không mang tính chất chính trị nhằm mục đích xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam. Hoạt động của Diễn đàn chủ yếu thông qua các phiên họp cấp cao định kỳ giữa lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đồng thời thông qua hoạt động của các nhóm công tác chuyên trách trên tất cả các lĩnh vực kinh tế.

Bỏ quy định nhập khẩu chính hãng - thị trường ôtô có tốt hơn? - 4
Bỏ quy định nhập khẩu chính hãng - thị trường ôtô có tốt hơn? - 5
Bỏ quy định nhập khẩu chính hãng - thị trường ôtô có tốt hơn? - 6

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm