Bộ Công thương không cần nghĩ thay, lo thay cho doanh nghiệp
“Theo chúng tôi, việc bảo hành bảo dưỡng ô tô không nhất thiết phải là ngành kinh doanh có điều kiện. Đã đến lúc, Bộ Công Thương không nên nghĩ thay, lo thay cho doanh nghiệp (DN). Tiền DN bỏ ra hãy để DN tự quyết", một chủ gara ô tô khẳng định.
Trong quá trình tranh cãi về sự tồn tại các quy định tương tự như Thông tư 20 về kinh doanh ô tô nhập khẩu, Bộ Công thương đã đề nghị phải có trạm bảo hành, bảo dưỡng được chính hãng hoặc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp phép. Trong khi đó, chính Bộ GTVT lại là đơn vị chủ động muốn xóa bỏ việc kinh doanh trạm bảo hành, bảo dưỡng ô tô ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Còn các ông chủ của gara ô tô cho rằng, giấy phép không làm nên uy tín một gara.
Gara ô tô có cần điều kiện kinh doanh?
Mới đây, khi “thuyết phục” về việc cần thiết phải có một quy định quản lý chặt ô tô nhập khẩu, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì ban hành quy định buộc tất cả các loại phương tiện đường bộ phải bảo đảm được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho hay sẽ đề xuất các loại phương tiện có thể được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa tại 3 loại cơ sở: hoặc là của chính hãng mở tại Việt Nam, hoặc là được chính hãng ủy quyền, hoặc là được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Bộ GTVT) cho phép thực hiện dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa phương tiện.
Với định hướng này, Bộ Công thương kiến nghị không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.
Thế nhưng, có một thực tế không được Bộ Công thương nhắc đến, là Bộ GTVT mới đây cũng đã có Quyết định công bố hết hiệu lực đối với Thông tư 19/2012/TT-BGTVT quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu xe ô tô từ ngày 1/7/2016 để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, nhiều “ông chủ, bà chủ” của các gara ô tô rất ủng hộ việc bỏ trạm bảo hành, bảo dưỡng là ngành kinh doanh có điều kiện như cách Bộ GTVT đã làm. Và tất nhiền là phản đối quan điểm của Bộ Công thương.
Giám đốc một DN kinh doanh gara ô tô ở Mỹ Đình, Hà Nội cho biết: "Khi Bộ GTVT ra Thông tư 19, chúng tôi đã phải đầu tư 10 tỷ đồng để đáp ứng các yêu cầu của một trạm bảo hành, bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn. Thế nhưng, đến nay nhìn lại, chúng tôi thấy có nhiều hạng mục đầu tư nhưng rất ít khi sử dụng".
Chỉ tay vào hệ thống thử phanh xe, vị giám đốc này than thở: "Chúng tôi đã phải đầu tư vài trăm triệu cho thiết bị thử phanh và độ chuẩn của bánh xe, nhưng thực tế rất ít khi chúng tôi dùng đến. Như thế vô cùng lãng phí".
Đầu tư vài trăm triệu, nhưng thiết bị thử phanh xe này rất ít khi được DN sử dụng. Ảnh: L.Bằng
Vị này cũng nói thêm: "Lúc đầu đọc báo cáo Bộ Công thương gửi Thủ tướng, chúng tôi thấy rất hoang mang. Bởi vì nếu chỉ các gara ô tô được chính hãng hoặc người được chính hãng ủy quyền xác nhận mới được bảo hành, bảo dưỡng xe thì hàng nghìn gara ô tô sẽ bị đóng cửa. Sau đó, Bộ Công Thương có giải thích thêm là cả cơ sở được Bộ GTVT cấp phép thì cũng tạm yên tâm.
“Theo chúng tôi, việc bảo hành bảo dưỡng ô tô không nhất thiết phải là ngành kinh doanh có điều kiện. Đã đến lúc, Bộ Công Thương không nên nghĩ thay, lo thay cho DN. Tiền DN bỏ ra hãy để DN tự quyết. Chính sách hiện giờ can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN”, vị giám đốc này chia sẻ.
Giấy phép chỉ “béo” ông cấp phép
Chỉ ra mặt bằng nhà xưởng rộng 1.400 m2 kín ô tô đang chờ sửa chữa, bảo dưỡng, ông Nguyễn Văn Vỹ, chủ gara Vyoto, kể rằng: "Tôi hoạt động 10 năm rồi. Với kinh doanh gara ô tô, khách hàng là người tự đánh giá một gara đủ tiêu chuẩn hay không. Nghề của tôi là nghề kỹ thuật. Nếu tôi không đảm bảo cái đó thì tôi cũng chết chứ không đợi Nhà nước can thiệp.
“Tôi vừa được một DN phụ tùng ô tô của Nhật mời đi Hồng Kông, Thẩm Quyến, tôi thấy các xưởng gara ô tô của họ thua xa ở Việt Nam. Thế nhưng họ không chịu sức ép bắt phải làm thế này, làm thế kia. Mỗi tháng chúng tôi mất 500 triệu tiền thuê đất, điện, nước, lương công nhân,... nếu làm ăn không bài bản chúng tôi sẽ chết đầu tiên”, ông Vỹ bộc bạch.
Bà Vũ Thị Bạch Tuyết, “bà chủ” Công ty ô tô Toàn Thịnh, chuyên kinh doanh gara nhận định: Tất cả các giấy phép ở Việt Nam sinh ra đều “béo” vào một số ông cấp giấy phép. Một số người hay phân biệt gara chính hãng hay không chính hãng, nhưng tôi đảm bảo bạn phỏng vấn 100 người, thì những người giàu và có bảo hiểm, còn hạn bảo hành sẽ chọn gara chính hãng. Nhưng khi hết thời hạn bảo dưỡng, bảo hành, họ sẽ chọn các gara ô tô bên ngoài.
“Bởi vì, họ sẽ chọn những gara trên cơ sở phục vụ nhanh nhất, kiểm soát được phụ tùng thay thế, giá cả hợp túi tiền”, bà Bạch Tuyết nói.
Bà Tuyết nói thêm: "Tất cả hàng hóa, phụ tùng của chúng tôi đều có hóa đơn. Làm rất bài bản, kê khai thuế đầy đủ... Cơ quan quản lý thị trường đến tôi đều xuất trình được hết giấy tờ, hợp đồng. Tôi không thích làm láo vì tôi muốn chiều khách hàng của tôi".
Bà chủ gara này nhấn mạnh đến việc tạo một sân chơi bình đẳng, có sự cạnh tranh, không độc quyền, không phân biệt giữa gara có giấy phép hay không có giấy phép. Bây giờ đặt ra điều kiện, thêm giấy phép là hàng ngàn gara có nguy cơ khai tử.
“Quan trọng nhất tôi với vai trò chủ gara cam kết làm việc cho khách hàng với giá cả hợp lý nhất, tiến độ như thỏa thuận, chất lượng đảm bảo, chứ không phải là vì tôi có giấy phép hay không”, bà Bạch Tuyết nhấn mạnh.
Theo Lương Bằng
Vietnamnet