Bị húc đuôi, chủ xe ô tô điện than mất hơn 42.000 USD sửa cản sau
(Dân trí) - Va chạm lẽ ra có thể khiến các chủ xe động cơ đốt chỉ tốn khoảng 1.500 USD được cho là đã mang về cho chủ một xe bán tải điện hóa đơn sửa chữa lên tới hơn 42.000 USD.
Khi cân nhắc mua ô tô điện, hầu hết mọi người chỉ tập trung vào pin và sạc, mà thường quên tìm hiểu những khó khăn và chi phí liên quan tới việc sửa chữa, thay thế phụ tùng. Có lẽ chính điều này đã mang lại trải nghiệm thực sự khó quên cho chủ một chủ xe bán tải Rivian R1T ở Mỹ, và có lẽ là cả phía xe gây tai nạn.
Theo chia sẻ của chủ xe trên một diễn đàn về ô tô điện Rivian, vào đầu tháng 2, chiếc R1T của anh bị một xe khác đâm từ phía sau. Va chạm xảy ra ở tốc độ khá thấp và túi khí trên xe anh cũng không bung.
Ban đầu, công ty bảo hiểm của chủ xe phía sau ước tính mức thiệt hại là khoảng 1.600 USD và đã gửi chi phiếu thanh toán cho chủ xe Rivian R1T.
Chủ xe sống ở trung tâm Ohio và phải mất khoảng 40 phút lái xe mới tới được một trong 3 xưởng sửa chữa ủy quyền của Rivian tại bang này. Xưởng có khu sân bãi rộng tới hơn 6.500 mét vuông dành cho xe điện.
Tại đó, nhân viên kỹ thuật đã tỉ mỉ tháo toàn bộ phần đuôi xe ra để đánh giá mức độ thiệt hại. Họ cẩn thận chụp ảnh từng bước khi tháo các bộ phận, để gửi cho phía công ty bảo hiểm.
Chiếc xe bán tải chạy điện đã phải nằm lại xưởng sửa chữa hơn 2,5 tháng. Khi được gửi về với chủ, chiếc xe ở trong tình trạng "hoàn hảo", với hóa đơn lên tới... hơn 42.000 USD. Số tiền này lớn hơn giá một chiếc xe bán tải Chevy Colorado Trail Boss.
Nhiều ý kiến cho rằng có vấn đề với hóa đơn sửa chữa này, vì với va chạm nhỏ như vậy, không cần phải tháo tung đuôi xe, tháo cả kính sau ra. Một số ý kiến nghi ngờ có sự gian lận nhằm trục lợi bảo hiểm.
Tuy nhiên, trong phần bình luận bên dưới bài chia sẻ, một chủ xe Tesla cho biết trường hợp này giống xe của anh. "Xe tôi bị đâm mạnh từ phía sau. Khung xe không bị ảnh hưởng nhưng chi phí sửa chữa lên tới 53.000 USD, trong khi chiếc xe có giá 55.000 USD, nên công ty bảo hiểm đã xếp loại là xe hư hỏng toàn bộ. Tôi thực sự không hiểu sao chi phí sửa chữa loại xe này lại đắt vậy", anh cho biết.
Một người khác cũng chia sẻ câu chuyện đồng nghiệp của anh lái chiếc Tesla Model S vào ổ gà, ban đầu tưởng chỉ bị hỏng bánh, nhưng hóa ra khay để pin bị móp và chiếc xe đã được công ty bảo hiểm xếp loại là hư hỏng toàn bộ.
Hiện chưa rõ công ty bảo hiểm của chủ xe đâm chiếc Rivian R1T nói trên có chấp nhận hóa đơn bồi thường hơn 42.000 USD không. Hạn mức bồi thường tối đa cho chủ xe gây tai nạn là 50.000 USD.
Có ý kiến cho rằng xưởng đã lợi dụng việc xe Rivian sử dụng loại khung gầm hoàn toàn mới để báo giá sửa chữa "khủng" nhằm gian lận bảo hiểm. "Trừ khi mất khoảng 300 giờ công để tháo toàn bộ đuôi xe và cả kính phía sau ra rồi lắp lại, không thể có giá 42.000 USD cho một sửa chữa như vậy. Tôi từng thấy những chiếc Aventador với toàn bộ phần đuôi bằng vật liệu sợi carbon cũng có chi phí sửa chữa rẻ hơn thế...", người này cho biết. "Rivian Mỹ nên vào cuộc để tránh bị ảnh hưởng hình ảnh thương hiệu".
Nhiều người đã đề nghị chủ xe đăng hóa đơn chi tiết để xem xưởng sửa chữa tính chi phí như thế nào.