Bê bối gian lận của các hãng xe Nhật: 5 thương hiệu đã bị thanh tra trụ sở

Nhật Minh

(Dân trí) - Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã tới trụ sở chính của Toyota, Yamaha, Suzuki, Mazda và Honda, để thanh tra việc cấp chứng nhận chất lượng xe không đúng quy định.

Việc thanh tra bắt đầu từ trụ sở của Toyota, rồi tới Yamaha, Suzuki, Mazda và Honda, nhằm xác minh xem 5 nhà sản xuất này có vi phạm quy định về cấp chứng nhận chất lượng cho xe hay không.

Bê bối gian lận của các hãng xe Nhật: 5 thương hiệu đã bị thanh tra trụ sở - 1

Các quan chức của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tới trụ sở chính của Mazda ở thành phố Fuchu, tỉnh Hiroshima hôm 10/6 (Ảnh: JIJI).

Sau khi hoàn tất việc kiểm tra, Bộ sẽ kiểm tra 38 mẫu xe có liên quan để xác định xem chúng có đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo đúng quy định hay không.

Trong vụ bê bối gian lận thử nghiệm này, Honda có nhiều xe bị ảnh hưởng nhất - 22 mẫu, trong đó có Fit, nhưng tất cả hiện không còn được sản xuất.

Toyota thừa nhận 7 mẫu xe được cấp chứng nhận chất lượng không đúng theo quy định quốc gia, với 1,7 triệu xe sản xuất trong thời gian từ năm 2014 đến 2024 bị ảnh hưởng.

Với Mazda, phần mềm điều khiển động cơ các xe MX-5 RF và Mazda2 đã bị can thiệp trong cuộc thử nghiệm chính thức. Công ty cũng đã thử nghiệm các mẫu Atenza/Mazda6 và Axela (đã ngừng sản xuất) không đúng theo tiêu chuẩn quốc gia.

Về phần Suzuki, bê bối thử nghiệm chỉ liên quan tới duy nhất mẫu Alto được sản xuất trong thời gian từ năm 2014 đến 2017.

Trong khi đó, Yamaha thừa nhận đã thực hiện kiểm tra tiếng ồn cho mẫu xe phân khối lớn YZF-R1 trong điều kiện không phù hợp và công suất sai lệch.

Một tuần sau khi kiểm tra trụ sở của Toyota, ngày 11/6, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản kết luận rằng 6 trường hợp cấp giấy chứng nhận chất lượng xe không đúng quy định của công ty này có thể không chỉ vi phạm tiêu chuẩn trong nước, mà cả các quy định về phương tiện giao thông của Liên hợp quốc (LHQ).

Kết luận này nhiều khả năng dẫn tới việc Toyota sẽ bị cấm sản xuất các mẫu xe liên quan tới bê bối gian lận này tại châu Âu và nhiều nơi khác.

Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, vì nước này áp dụng các quy định về phương tiện giao thông của LHQ, nên bất kỳ hãng xe nào có chứng nhận sản phẩm ở Nhật cũng tự động được cấp chứng nhận ở 61 nước và khu vực cùng áp dụng quy định của LHQ, trong đó có Anh, Đức, Pháp, Italy, và Hàn Quốc, mà không cần tiến hành thử nghiệm thêm ở từng nước.

Quy trình này gọi là công nhận lẫn nhau, giúp giảm gánh nặng cho các nhà sản xuất khi hoạt động ở nước ngoài.

Dù Toyota khẳng định rằng hãng thực hiện một số thử nghiệm còn khắt khe hơn quy định quốc gia, nhưng Bộ Giao thông Nhật cho rằng không hẳn là như vậy.

Với các bài kiểm tra khả năng bảo vệ người đi bộ, trong cuộc họp báo hôm 3/6, Toyota cho biết, công ty đã sử dụng dữ liệu thử nghiệm của hãng, trong đó góc va chạm là 65 độ thay vì chỉ 50 độ như trong quy chuẩn quốc gia.

Dù công ty đã xin lỗi và nói rằng lẽ ra nên thử nghiệm thêm với góc va chạm 50 độ, nhưng khẳng định rằng góc va chạm 65 độ khắc nghiệt hơn.

Tuy nhiên, theo một số nguồn thạo tin chính phủ, mức độ khắc nghiệt của một bài thử nghiệm an toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như hình dáng nắp ca-pô xe; chỉ sự khác nhau của góc va chạm không phải là yếu tố có tính quyết định.

Toyota cũng khẳng định rằng các thử nghiệm khác được thực hiện trong điều kiện khắc nghiệt hơn so với quy định. Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý, không thể nói rằng điều đó đúng với tất cả các trường hợp.

Thay vào đó, nhiều khả năng châu Âu và các khu vực thị trường khác sẽ coi việc làm của Toyota là vi phạm quy định.

Theo The Yomiuri Shimbun, Kyodo News