Bán mình cũng không xong, hãng xe Hàn Quốc Ssangyong làm thủ tục phá sản
(Dân trí) - Ssangyong đã làm thủ tục bảo hộ phá sản vào đầu tuần trước, do không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ. Công ty rơi vào cảnh khó khăn tài chính từ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Cách đây 10 năm, hãng xe Hàn Quốc này cũng đã từng rơi vào cảnh phá sản, phải cho khoảng 2.000 nhân viên nghỉ việc, sau đó được Tập đoàn Mahindra & Mahindra của Ấn Độ giải cứu.
Hiện Ssangyong trực tiếp sử dụng 4.880 lao động và gián tiếp cung cấp việc làm cho khoảng 640.000 lao động khác thông qua các nhà cung cấp.
Ban lãnh đạo công ty đã thông qua kế hoạch đăng ký bảo hộ phá sản vào ngày 21/12 và tiến hàng làm thủ tục với Tòa án phá sản Seoul.
Lý do là Ssangyong không có khả năng thanh toán khoản nợ 90 tỉ won sắp đến hạn vay của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và 15 tỉ won vay của Ngân hàng Woori. Trước đó, công ty đã phải khất khoản nợ 60 tỉ won vay của ba công ty tài chính nước ngoài, trong đó có JP Morgan vào ngày 14/12, nâng tổng số nợ của công ty lên 165 tỉ won, chưa kể lãi.
Mahindra đã cố huy động các nguồn tiền để trả nợ bằng cách rao bán Ssangyong nhưng không tìm được người mua.
Ssangyong cũng đã đăng ký thực hiện chương trình tự tái cơ cấu. Theo đó, công ty xin khoảng thời gian 3 tháng để thử tự sửa sai, bằng cách bán tài sản và tổ chức lại hoạt động. Nếu tìm được người mua trong thời gian này, hoặc các chủ nợ đồng ý gia hạn, công ty có thể không phải làm thủ tục bảo hộ phá sản nữa.
Trong suốt 20 năm qua, Ssangyong tồn tại chủ yếu dựa vào việc xuất khẩu xe bán tải và SUV, nhưng lại ít đầu tư phát triển sản phẩm mới nên không có lợi nhuận ổn định. Giống như với một số nhà sản xuất ô tô đang gặp khó khăn khác, đại dịch Covid-19 đã giáng thêm một đòn vào tình hình tài chính vốn đã không có gì sáng sủa của Ssangyong.
Trong tình hình hiện nay, ít có khả năng một nhà sản xuất ô tô nhỏ như Ssangyong nhận được sự trợ giúp từ chính phủ Hàn Quốc.