Những chiếc ô tô vực dậy cả thương hiệu bên bờ vực phá sản

Trong lịch sử ngành ô tô, nhiều hãng đang ở bên bờ vực phá sản đã được hồi sinh nhờ kịp thời tung ra những mẫu xe hot, bùng nổ doanh số trên thị trường.

Dưới đây là những mẫu xe cứu nguy cho thương hiệu được trang Autocar "chấm điểm".

Volkswagen Beetle (1948-2003)

Những chiếc ô tô vực dậy cả thương hiệu bên bờ vực phá sản - 1

Chiếc xe con bọ đã cứu cả tập đoàn Volkswagen hùng mạnh ngày nay. Ảnh: Autocar

 

Sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, nước Đức thua cuộc, hãng xe Volkswagen có nguy cơ bị giải thể cùng với sự sụp đổ của chế độ Đức Quốc xã.

May mắn là viên sĩ quan người Anh, Thiếu tá Ivan Hirst, người nhận nhiệm vụ tiếp quản các nhà máy của Volkswagen đã nhận thấy sự đặc biệt của mẫu xe Beetle. Ông đã cho mở lại nhà máy, khởi động lại dây chuyền sản xuất và cũng chính Ivan Hirst là người đã thuyết phục quân đội Anh đặt hàng mua 20.000 chiếc Volkswagen Beetle.

Sau khi nhà nước Tây Đức nhận lại nhà máy Volkswagen từ quân đội Anh, giám đốc Heinz Nordhoff đã cho mở rộng mạng lưới bán hàng. Chỉ vài năm sau, doanh số của Volkswagen Beetle bùng nổ và là một trong những chiếc xe bán chạy nhất mọi thời đại.

Tính đến năm 2003, khi mẫu xe con bọ dừng sản xuất, đã có tới hơn 21 triệu chiếc xe được xuất xưởng trên thị trường toàn cầu giúp Volkswagen trở thành một trong những tập đoàn sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới ngày nay.

Có thể nói Thiếu tá Ivan Hirst đã cứu Beetle, và Beetle đã cứu thương hiệu Volkswagen.

Ford 1949 (1948-1952)

Những chiếc ô tô vực dậy cả thương hiệu bên bờ vực phá sản - 2

Ford 1949 là mẫu xe mới đầu tiên của Ford sau chiến tranh. Ảnh: Autocar

 

Không chỉ hãng xe Volkswagen của Đức, các hãng xe của Mỹ cũng gặp phải vấn đề khó khăn sau khi chiến tranh kết thúc.

Gần như tất cả các dây chuyền lắp ráp tại Mỹ của Ford đã được chuyển sang sản xuất máy bay, xe tăng, xe tải quân sự, xe jeep và nhiều khí tài khác, nhưng giờ đây nhu cầu đã không còn.

Khi những người lính trở về nhà và cần phương tiện đi lại, Ford mới bắt đầu sản xuất ô tô trở lại, nhưng tất cả các sản phẩm đều dựa trên các mẫu thiết kế trước chiến tranh và đã lỗi thời.

Henry Ford II, cháu trai của người sáng lập, người điều hành hãng xe Ford vào năm 1945 khi mới 28 tuổi, đã tập hợp một nhóm các kỹ sư và nhà phân tích kinh doanh để nghiên cứu giải quyết vấn đề này. Kết quả là mẫu xe Ford 1949 hoàn toàn mới được ra đời.

Ngay trong ngày đầu tiên ra mắt, mẫu xe này đã nhận được 100.000 đơn đặt hàng. Chiếc Ford 1949 được trang bị động cơ dung tích 3,7 lít L6 hoặc 3,9 lít V8, đi kèm với hệ thống treo trước độc lập và hệ thống lái thiết kế mới.

Mercedes 300SL (1954-1963)

Những chiếc ô tô vực dậy cả thương hiệu bên bờ vực phá sản - 3

Mercedes 300SL đánh dấu sự trở lại của Mercedes. Ảnh: Autocar

 

Trong chiến tranh, nhiều nhà máy của Mercedes đã bị bom đạn phá hủy, dù hãng xe này đã tìm được cách tồn tại nhưng để đứng vững và phát triển, Mercedes cần có một sản phẩm để đánh dấu sự quay trở lại. Đây phải là một mẫu xe có thiết kế đẹp và chất lượng hàng đầu. Và câu trả lời của hãng xe này chính là mẫu Mercedes 300SL.

Với thiết kế cửa xe dạng cánh chim chưa từng xuất hiện trên thị trường, động cơ phun xăng đem lại tốc độ lên tới 217 km/h. Chiếc 300SL hoàn toàn trở thành một ngôi sao trong làng xe thể thao.

Hãng Mercedes đã bán được 1400 chiếc 300SL Coupe trong giai đoạn từ 1954 đến 1957. Phiên bản nâng cấp Roadster cũng đã xuất xưởng được 1856 chiếc trong giai đoạn 1957 đến 1963, mặc dù có giá bán không hề rẻ vào thời điểm ra mắt.

Quan trọng hơn, dòng xe 300SL đã đưa tên tuổi Mercedes trở thành một thương hiệu xe sang chất lượng nổi tiếng trên thị trường.

Fiat 500 (1957-1975)

Những chiếc ô tô vực dậy cả thương hiệu bên bờ vực phá sản - 4

Fiat 500 đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Fiat. Ảnh: Autocar

 

Giống như các quốc gia khác, sau chiến tranh nhu cầu về phương tiện giá rẻ của Ý tăng cao. Ban đầu, người dân Ý phải sử dụng những chiếc xe máy tay ga để đi lại, tuy nhiên sự ra đời của chiếc Fiat 500 đã thỏa mãn khao khát của dân chúng về ước mơ xe hơi.

Đây là một chiếc ô tô nhỏ gọn, kiểu dáng đẹp, có bốn chỗ ngồi, động cơ dễ bảo trì, rẻ tiền và cung cấp hiệu suất vừa đủ để chạy vòng quanh các thị trấn và vùng quê.

Hãng xe Fiat đã bán được tới 3,5 triệu chiếc Fiat 500 trong vòng 18 năm, số tiền kiếm được từ mẫu xe này đã giúp Fiat trở thành một công ty lớn mạnh như ngày nay.

BMW 700 (1959-1965)

Những chiếc ô tô vực dậy cả thương hiệu bên bờ vực phá sản - 5

Mẫu xe giá rẻ giúp BMW vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Autocar

 

Thật khó tin là hãng xe BMW mà chúng ta biết ngày nay đã từng có một giai đoạn rất khó khăn. Hàng loạt các mẫu xe sang trọng của BMW được ra mắt mà không đem lại lợi nhuận khiến công ty ngày càng xuống dốc.

Khi đó, chiếc BMW 700 được ra đời với nhiệm vụ giải cứu cho cả một thương hiệu. Đây là mẫu xe đầu tiên của BMW có cấu trúc liền khối. Để có mức giá rẻ, BMW 700 đã sử dụng động cơ 697cc được lấy từ dòng xe mô tô của BMW.

Hãng xe Đức đã bán được hơn 188.000 chiếc BMW 700 ở cả 3 phiên bản sedan, coupe, cabriolet giúp tập đoàn này thoát ra được tình trạng khủng hoảng tài chính, và tạo nguồn lực để nghiên cứu, phát triển những chiếc xe sang nổi tiếng vào những năm 1960 như chúng ta đã biết sau này.

Jaguar XJ6 S1 (1968-1972)

Những chiếc ô tô vực dậy cả thương hiệu bên bờ vực phá sản - 6

XJ6 S1 là sản phẩm quan trọng bậc nhất của Jaguar. Ảnh: Autocar

 

Có thể những mẫu xe thể thao khác của Jaguar cũng nổi tiếng không kém, nhưng thực sự chiếc Jaguar XJ6 S1 mới là sản phẩm quan trọng bậc nhất của thương hiệu này.

Nó không chỉ mang lại cảm giác thoải mái, thiết kế tinh tế, khả năng vận hành mạnh mẽ, chiếc XJ6 S1 còn có mức giá hợp lý đến mức các đối thủ của Jaguar phải hoang mang về cách hãng xe này thực hiện.

Đây là sản phẩm trung tâm của Jaguar, có nhiệm vụ gắn kết các dòng sản phẩm khác của công ty lại với nhau. Khi dừng sản xuất vào năm 1972, đã có 78.218 chiếc XJ6 S1 được xuất xưởng và đến tay khách hàng trên toàn thế giới.

Dòng xe Jaguar XJ được tiếp tục sản xuất đến năm 2019. Trong năm 2020, một mẫu XJ chạy điện mới sẽ được ra mắt người hâm mộ.

Alfa Romeo Alfasud (1972-1983)

Những chiếc ô tô vực dậy cả thương hiệu bên bờ vực phá sản - 7

Alfa Romeo Alfasud đi trước Volkswagen Golf về ý tưởng tới 2 năm. Ảnh: Autocar

 

Những chiếc xe thể thao dẫn động cầu sau từng là sản phẩm chủ lực của hãng xe Alfa Romeo, vì vậy mẫu Alfasud trị giá 1399 bảng là một chiếc xe gây chú ý ngay cả trước khi nó được tung ra thị trường.

Với thiết kế dẫn động cầu trước, động cơ bốn xi-lanh phẳng gắn trong thân xe kiểu hatchback, chiếc Alfa Romeo Alfasud đã đi trước mẫu Volkswagen Golf tới 2 năm về ý tưởng.

Hãng xe Alfa Romeo đã bán được 387.734 chiếc Alfasud trong suốt 11 năm vòng đời của sản phẩm, giúp công ty này có một nguồn lực tài chính đảm bảo để phát triển trong những năm 1980.

Vauxhall Cavalier (1975-1981)

Những chiếc ô tô vực dậy cả thương hiệu bên bờ vực phá sản - 8

Vauxhall Cavalier được quảng cáo là vừa mạnh, vừa rẻ. Ảnh: Autocar

 

Hãng xe Anh quốc đã từng gặp khó khăn về tài chính vào những năm 1970 cho đến khi mẫu xe Cavalier ra mắt.

Được quảng cáo là “có sức mạnh mà bạn muốn ở mức giá bạn muốn chi tiền”, chiếc Vauxhall Cavalier được trang bị động cơ tùy chọn dung tích từ 1,3 đến 1,9 lít, trong khi hệ thống treo, khung gầm được lấy từ mẫu Opel Manta.

Với mức giá gần 2.800 bảng, Vauxhall đã bán được 238.980 chiếc Cavalier tại Anh.

Volvo 700 Series (1982-1992)

Những chiếc ô tô vực dậy cả thương hiệu bên bờ vực phá sản - 9

Volvo 700 Series đem lại uy tín cho thương hiệu Volvo. Ảnh: Autocar

 

Volvo đã xây dựng được hình ảnh an toàn và bền bỉ của mình khi cho ra mắt mẫu Volvo 740 và Volvo 760. Ngay lập tức, những sản phẩm của hãng xe Thụy Điển đã trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của đối với Mercedes.

Tuy bề ngoài Volvo 700 trông có vẻ mỏng manh nhưng chất lượng sản xuất, độ hoàn thiện của dòng xe này đã khiến khách hàng phải bất ngờ. Với khung dẫn động cầu sau, Volvo 700 mất 8 giây để tăng tốc từ 0 đến 100 km/h. Hãng xe Thụy điển đã bán được 1,23 triệu chiếc Volvo 700 cho đến khi dòng sản phẩm này ngừng sản xuất.

Ngoài khoản lợi nhuận khổng lồ kiếm được, Volvo 700 còn góp phần quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu Volvo ngày nay.

Land Rover Discovery (1989-1998)

Những chiếc ô tô vực dậy cả thương hiệu bên bờ vực phá sản - 10

Discovery 1989 vực dậy thương hiệu Land Rover nhờ có mức giá hợp lý. Ảnh: Autocar 

 

Vào những năm 1980, các mẫu xe offroad do Land Rover bán ra thị trường đang bị lép vế so với các đối thủ đến từ Mỹ và Nhật Bản. May mắn thay, chiếc Land Rover Discovery ra đời như một vị cứu tinh vực dậy hãng xe này.

Chiếc Discovery 1989 có thiết kế thanh lịch, gọn gàng, khoang lái được thiết kế bởi Jasper Conran, khung gầm mượn từ chiếc Range Rover.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất để khách hàng lựa chọn mẫu xe này bởi Land Rover Discovery cung cấp cho người dùng tùy chọn loại động cơ turbodiesel 4 xi-lanh, rẻ và tiết kiệm hơn nhiều so với loại động cơ V8. Phần lớn trong số 392.443 chiếc xe bán ra đều sử dụng loại động cơ này.

(còn tiếp)