Bãi đỗ xe lắp ghép giàn thép: Bỏ tiền chẵn, “nhặt” tiền lẻ

Để giải bài toán về giao thông tĩnh trên địa bàn Hà Nội, điểm đỗ xe bằng giàn đỗ trên cao là một phương án khả thi. Thế nhưng, các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà vì thủ tục hành chính rườm rà, đầu tư lớn, thu hồi nhỏ giọt...

Bài toán cho giao thông tĩnh

 

Giàn đỗ xe cao tầng bằng thép lắp ghép trên phố Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) đã đi vào hoạt động đang trở thành lối thoát cho vấn đề giao thông tĩnh bí tắc bấy lâu nay. Mô hình này vừa tiết kiệm chi phí xây dựng, điều hành, vừa có khả năng chứa được số lượng xe lớn.

 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà đầu tư các giàn thép đỗ xe ở thủ đô vì cơ chế thu hút đầu tư, gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính rườm rà và cách quản lý lòng đường vỉa hè lộn xộn…

 

Trong khi phương tiện cá nhân ngày càng tăng nhanh, Hà Nội đã cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm bãi đỗ xe như một giải pháp tình thế, rồi đến khi thấy bất hợp lý, thành phố lại thu hồi một loạt các điểm trông giữ xe. Điển hình là chính sách cấm trông giữ phương tiện giao thông tại 262 tuyến phố vừa qua.

 

Giàn đỗ xe lắp ghép trên phố Nguyễn Công Trứ

Giàn đỗ xe lắp ghép trên phố Nguyễn Công Trứ

 

Để giải quyết vẫn đề giao thông tĩnh, tháng 5/2011, UBND TP Hà Nội đã giao cho Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transerco nghiên cứu dự án thí điểm gara đỗ xe cao tầng bằng giàn thép lắp ghép tự động tại số 32 Nguyễn Công Trứ (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội). Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thí điểm làm dự án giàn thép đỗ xe tại phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Hoan và một số tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông, quận Hoàng Mai, nút giao Pháp Vân…

 

Các dự án giàn thép này được lắp ghép tự động theo công nghệ của Hàn Quốc, Nhật Bản, gồm nhiều tầng, lượng xe chứa được dựa vào diện tích bãi đỗ. Gara này có thể liên kết, tháo lắp, di dời một cách cơ động (có thể lắp đặt trên mặt bằng nhỏ hẹp tối thiểu là 30m2/block) và tùy theo mặt bằng cho phép, block có thể kéo dài, nâng chiều cao thuận tiện, phù hợp với đô thị Việt Nam. Thời gian lấy mỗi chiếc xe chỉ mất từ 2-3 phút. Giá trông giữ xe vé lượt là 30.000đồng/xe/120 phút; trông giữ xe ngày, đêm từ 2-2,5 triệu đồng/xe/tháng.

 

Ông Tạ Đình Thắng - Giám đốc Trung tâm hạ tầng vận tải công cộng (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội) cho hay: “Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, giàn đỗ xe cao tầng bằng thép là một giải pháp tương đối phù hợp. Quá trình thi công rất cơ động, xây dựng nhanh, nếu cần điều chỉnh tháo dỡ cũng chỉ cần năm ngày là xong”.

 

Còn theo ông Phạm Văn Đức, Trưởng ban quản lý dự án Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, thi công một bãi đỗ xe bằng bê tông luôn đòi hỏi phải có một diện tích lớn. Nếu làm hầm ngầm thì cần có suất đầu tư lớn, ít nhất gấp 4-5 lần so với trên mặt đất. Ở Việt Nam dù có một số dự án nhưng vẫn chưa làm và không thể triển khai được do gặp nhiều khó khăn về vốn, công nghệ…Ngoài ra, giàn thép đỗ xe cũng đã chủ đầu tư tính toán các phương án đối phó với các sự cố khách quan như điều kiện thời tiết, động đất, cháy nổ, va chạm do ôtô đâm vào khung cột giàn thép…

 

Đầu tư lớn, thu hồi nhỏ giọt

 

Để triển khai nhanh chóng dự án này, nhiều doanh nghiệp đã được thành phố tạo điều kiện về mặt bằng sạch, không phải đầu tư giải phóng; nguồn vốn được vay từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố với lãi suất 0% trong 15 năm…Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn ngại đầu tư vì trình tự thủ tục quá lâu, bỏ vốn lớn nhưng khả năng thu hồi nhỏ giọt.

 

Theo ông Đức, mỗi dự án bãi đỗ xe phải mất 1-2 năm để thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư như các dự án kinh doanh khác, sau đó là khâu giải phóng mặt bằng trong vài năm tiếp theo. Và mất đến 3 năm mới có thể ra một dự án nếu phải giải phóng mặt bằng. Mối e ngại lớn nhất là thiếu đất "sạch" và thủ tục đầu tư, nguồn vốn. Mặt bằng "sạch" thì tổng mức đầu tư sẽ giảm. Dự án giàn thép đỗ xe không thể coi như dự án kinh doanh nhà ở nên cần phải đưa dự án vào danh mục khuyến khích.

 

Với vốn đầu tư 13 tỉ đồng, điểm đỗ xe giàn thép trên phố Nguyễn Công Trứ chỉ chứa 30 xe một lúc
Với vốn đầu tư 13 tỉ đồng, điểm đỗ xe giàn thép trên phố Nguyễn Công Trứ chỉ chứa 30 xe một lúc

 

Ngoài ra, rào cản lớn khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư chính là cơ chế mức thu không phải theo phí mà là giá, doanh nghiệp cần được quyền tự quyết giá trông xe. Với mức thu phí trông giữ xe sẽ được áp dụng theo đúng quy định của thành phố, giàn thép đỗ xe phải mất 15-50 năm mới có thể hoàn vốn.

 

Tính toán của Công ty Khai thác Điểm đỗ xe Hà Nội cho rằng, nếu một doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải giải phóng mặt bằng, vay theo lãi suất ngân hàng để đầu tư thì mất 60 năm mới có thể hoàn vốn. Trong khi đó, tuổi thọ của một giàn thép cao tầng đạt được ít nhất là 20 năm về máy móc, 40 năm về khung thép và cần thường xuyên duy tu, bảo dưỡng.

 

Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho rằng: Nhà đầu tư kinh doanh thì phải trả về giá chứ không phải phí. Tuy nhiên, giá vé cần có sự quản lý của Vụ chính sách giá - Bộ Tài chính nhằm khống chế giá trần, giá khung để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

 

Để khuyến khích cho các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này, các chủ đầu tư đề nghị các cấp, các ngành xem xét xây dựng ban hành giá trông giữ xe với các công trình có đầu tư nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư chủ quản thu hồi vốn theo quy định của nhà nước.

 

Dự án giàn thép đỗ xe Nguyễn Công Trứ được đưa vào khai thác từ ngày 16/7 với sức chứa 30 xe ôtô. Tổng mức đầu tư vào dự án này là trên 13 tỉ đồng. Theo báo cáo của Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, giàn thép đỗ xe tại phố Trần Nhật Duật có diện tích lắp dựng dàn thép là 422m2, sức chứa 91 xe. Dự án giàn thép đỗ xe tại phố Nguyễn Công Hoan có tổng diện tích xây dựng giàn thép là 1.000m2, sức chứa tới 221. Tổng mức đầu tư hai dự án là 104 tỉ đồng, bảo đảm hoàn thành đưa vào sử dụng khai thác trong quý IV năm 2012.

 

Theo Thiên Minh

Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm