8 ô tô đâm dồn toa vì một nhầm lẫn khó tin của xe điện Tesla
(Dân trí) - Lý do chiếc Tesla Model S chuyển làn đột ngột và phanh gấp giữa đường hầm thực sự gây choáng váng.
Tai nạn xảy ra từ ngày 24/11/2022 trong một đường hầm ở San Francisco, Mỹ, khi chiếc Tesla Model S chuyển làn đột ngột rồi phanh gấp, khiến các xe phía sau không kịp tránh, dẫn tới tai nạn dồn toa nghiêm trọng.
Mặc dù đã xảy ra cách đây vài tháng nhưng đến nay mới gây nhiều chú ý vì có video do camera giám sát ghi lại, cho thấy chiếc xe Tesla đã phanh đột ngột dù phía trước không có chướng ngại vật gì.
Đã hơn một lần người dùng xe Tesla nói rằng hệ thống tự lái "nhìn thấy" hồn ma .
Tai nạn đã khiến 9 người bị thương, trong đó có một bé 2 tuổi. Tài xế xe Tesla cho biết anh đã bật chế độ tự lái hoàn toàn (FSD), tức là hệ thống máy tính của xe toàn quyền điều khiển vô-lăng, chân ga và chân phanh.
Chỉ có một chiếc Subaru WRX thoát hiểm trong gang tấc, nhờ kỹ năng điều khiển xe đầy tỉnh táo và nhạy bén của tài xế và việc sớm bật đèn khẩn cấp để cảnh báo cho các xe phía sau.
Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) đang điều tra sự việc.
FSD là tính năng gây nhiều tranh cãi của xe Tesla vì nó được quảng cáo là tính năng tự lái, nhưng tài liệu chính thức của Tesla lại không nói như vậy.
Tính năng này không phải Auto Pilot - hệ thống tương tự tính năng giữ làn và kiểm soát hành trình chủ động trên rất nhiều xe khác. FSD bổ sung thêm khả năng chuyển làn và ra khỏi đường cao tốc.
FSD là trang bị tùy chọn có giá 15.000 USD và tính đến tháng 12/2022 có hơn 285.000 người sử dụng.
Tuy nhiên, FSD hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm (Beta), tức là Tesla không giấu việc hệ thống vẫn có khiếm khuyết cần khắc phục, và các khách hàng đăng ký sử dụng tính năng này đã cam kết sẽ không khiếu kiện mà chỉ giúp Tesla hoàn thiện nó.
Thật không may cho các xe chạy phía sau chiếc Tesla trong vụ tai nạn nói trên.
Những người hâm mộ Tesla có thể tin rằng Tesla sở hữu công nghệ tiên tiến nhất và là hãng xe tiến gần nhất tới việc hiện thực hóa xe ô tô tự lái; nhưng thực tế là chưa một cơ quan chức năng nào công nhận tính năng Auto Pilot hay FSD cao hơn cấp độ 2 về khả năng tự lái. Như vậy có nghĩa là Auto Pilot hay FSD không khác gì hệ thống Honda Sensing, Subaru EyeSight, hay Toyota Safety Sense, ít nhất là về mặt luật pháp.
Trên thế giới hiện chỉ có 2 hãng xe được công nhận sở hữu công nghệ lái bán tự động Cấp độ 3 và được phép ứng dụng trên đường công cộng; đó là Mercedes-Benz và Honda.
Drive Pilot của Mercedes-Benz là tính năng lái bán tự động Cấp độ 3 duy nhất trên thế giới được công nhận toàn cầu. Tính năng này có trên các xe S-Class và EQS bán tại Mỹ và châu Âu.
Trong khi đó, mẫu Honda Legend trên thị trường Nhật Bản được trang bị tính năng Sensing Elite.
Audi cũng đã giới thiệu nguyên mẫu xe sử dụng tính năng lái bán tự động Cấp độ 3; đó là một chiếc A8 với trang bị Traffic Jam Pilot, nhưng tính năng này chưa từng được cấp phép chính thức.