10 sự kiện ôtô-xe máy nổi bật năm 2007

(Dân trí) - Năm 2007 khép lại với nhiều biến động lớn trên thị trường ôtô - xe máy trong nước và thế giới. Ở Việt Nam, đáng chú ý nhất là 3 đợt giảm thuế nhập khẩu liên tiếp đối với ô tô mới, nguyên chiếc, cùng với 2 đợt giảm thuế nhập khẩu ô tô cũ.

Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu trong lĩnh vực Ô tô-Xe máy của Việt Nam và thế giới năm 2007, do Báo điện tử Dân trí bình chọn:

 

1. Liên tiếp giảm thuế nhập khẩu ô tô

 

Mở đầu cho một năm đầy biến động của thị trường ô tô Việt Nam là việc quyết định giảm thuế nhập khẩu ô tô mới, nguyên chiếc từ mức 90% xuống còn 80% của Bộ Tài chính bắt đầu có hiệu lực từ 11/1, đúng ngày Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Gần 7 tháng sau, ngày 8/8, thuế nhập khẩu tiếp tục giảm thêm 10% xuống còn 70%. Không lâu sau, chiều 19/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung thông báo đã ký quyết định giảm 10% thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô mới nguyên chiếc, từ mức 70% xuống còn 60%, bắt đầu áp dụng cho các tờ khai hải quan mở vào ngày 16/11.

 

Như vậy, trong vòng chưa đầy một năm, thuế suất với mặt hàng này đã được điều chỉnh giảm 3 lần, từ 90% xuống còn 60%. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với người tiêu dùng trong nước.

 

Năm 2007, Bộ Tài chính cũng 2 lần điều chỉnh biểu thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng, một vào đầu năm và một cuối năm, với tỷ lệ tăng, giảm thuế suất khác nhau tùy thuộc vào số chỗ ngồi và dung tích động cơ của xe. Trong đó, xe có dung tích động cơ 4.0-5.0L mới bị tăng thuế suất, còn lại là giảm.

 

2. Xe máy phân khối lớn được phép nhập khẩu vào Việt Nam

 

10 sự kiện ôtô-xe máy nổi bật năm 2007 - 1
 

Thông tư số 06/2007/TT-BTM của Bộ Thương mại, hướng dẫn việc nhập khẩu xe gắn máy phân khối lớn từ 175cm3 trở lên, đã được ban hành ngày 30/5, nhưng đến 16/6 mới xuất hiện trên công báo. Do đó, bắt đầu từ ngày 2/7 các quy định mới chính thức có hiệu lực. Có 2 điểm đáng lưu ý là chỉ những người từ 30 tuổi trở lên mới được cấp giấy phép lái loại xe này, và Bộ Thương mại khẳng định cấm nhập khẩu xe máy phân khối lớn đã qua sử dụng.

 

Quy định mới đã khiến thị trường xe máy trong nước sôi động hơn hẳn, với sự xuất hiện của nhiều xe phân khối lớn nhãn hiệu Honda, Yamaha, Suzuki, Kawasaki, Ducati, BMW, Harley-Davidson.

 

3. BMW ngừng sản xuất, Vindaco giải thể

 

Sau một thời gian sản xuất và lắp ráp ô tô tại liên doanh VMC nhưng không thu được kết quả nào khả quan, đầu năm 2007, BMW đã tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam, để rồi trở lại vào tháng 7, thông qua nhà phân phối mới tại TPHCM.

 

Sau BMW, ngày 11/6, Vindaco, đơn vị lắp ráp và bán các sản phẩm thương hiệu Daihatsu của Nhật Bản, cũng tuyên bố chấm dứt hoạt động tại Việt Nam. Đây là thành viên đầu tiên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) giải thể kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 2000. Lý do ban lãnh đạo Vindaco đưa ra là làm ăn không hiệu quả, thị phần thấp, và mâu thuẫn giữa các thành viên trong liên doanh.

 

10 sự kiện ôtô-xe máy nổi bật năm 2007 - 2

 Daihatsu Terios - Mẫu xe việt dã bán chạy nhất của Vindaco tại Việt Nam

 

Giới phân tích nhìn nhận thất bại của cả hai liên doanh này là hệ quả tất yếu của việc chưa nghiên cứu kỹ thị trường và đối tác.

 

4. Xe sang ồ ạt cập cảng Việt Nam

 

“Phát súng” đầu tiên là sự hiện diện của chiếc siêu xe thể thao Lamborghini Gallardo đầu tiên tại Việt Nam vào đầu tháng 5/2007, với chủ nhân là Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Quốc Cường (TP.HCM). Tiếp ngay sau đó là Ferrari 360 Spider mui mềm, cũng là chiếc Ferrari đầu tiên tại Việt Nam. Sau đó là một loạt các tên tuổi “đình đám” khác như Audi R8, Rolls-Royce Phantom, Ferrari F430, Bentley Continental GT coupe, Lamborghini Gallardo SE, Bentley Continental Flying Spur…

 

10 sự kiện ôtô-xe máy nổi bật năm 2007 - 3
 

Chủ nhân của những chiếc xe này đều là các thương gia giàu có như Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Quốc Cường (TP.HCM), Chủ tịch Tập đoàn Khải Silk…

 

Bên cạnh đó là sự trở lại của thương hiệu BMW và sự ra mắt của mác xe thể thao hạng sang Porsche tại thị trường Việt Nam vào thời điểm giữa năm 2007.

 

5. Bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường

 

Theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ ngày 15/9/2007, người đi mô tô, xe máy trên các tuyến quốc lộ bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Từ ngày 15/12/2007 bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường.

 

10 sự kiện ôtô-xe máy nổi bật năm 2007 - 4
 

Với ý thức chấp hành quy định của Chính phủ và vì sự an toàn của bản thân khi tham gia giao thông, đa số người dân đã nghiêm túc thực hiện việc đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp thiếu ý thức tôn trọng luật pháp, coi thường sức khỏe và tính mạng của bản thân.

 

Trên đây 5 sự kiện tiêu biểu nhất của thị trường ô tô-xe máy Việt Nam trong năm “Heo Vàng” 2007. Tiếp theo là 5 sự kiện nổi bật trên thị trường thế giới:

 

6. Toyota và vị trí số 1 thế giới

 

Đây có lẽ là đề tài được đem ra thảo luận nhiều nhất năm 2007 trong ngành công nghiệp ô tô thế giới. Giữa năm 2007, Automotive News, tuần báo có cơ sở dữ liệu được xếp vào loại đáng tin cậy trên thế giới và hàng năm được nhiều hàng ô tô sử dụng, đã công bố một thông tin thực sự gây sốc: Toyota giành vị trí số 1 của GM về doanh số tiêu thụ ô tô từ năm 2006. Trung tâm dữ liệu của Automotive News đã tính toán doanh số của cả hai nhà sản xuất theo nguyên tắc không tính doanh số của các mác xe mà Toyota và GM không sở hữu đa số.

 

10 sự kiện ôtô-xe máy nổi bật năm 2007 - 5

 Chủ tịch Katsuaki Watanabe của Toyota tự tin dự đoán doanh số của tập đoàn trong năm 2008 sẽ tiếp tục tăng

 

Tất nhiên, GM không xác nhận tin này, nhưng dù dựa vào kết quả kinh doanh do chính hãng cung cấp thì vị trí quán quân cũng sẽ sớm thuộc về Toyota, có thể ngay trong năm 2007, vì khoảng cách còn rất ngắn. Khi đó, GM sẽ không còn cách gì để phủ nhận thực tế này.

 

7. Thất bại của ô tô Trung Quốc trên đường chinh phục Mỹ và châu Âu

 

Đây cũng là sự kiện tốn nhiều giấy mực của báo chí thế giới trong năm 2007. Các nhà sản xuất ô tô lớn nhỏ của Trung Quốc, như Chery, Geely, Trường Phong…, đã liên tục đưa ra những tuyên bố hùng hồn về kế hoạch xuất khẩu xe sang Mỹ và Tây Âu, nhưng rút cục, các dự án đều lần lượt phá sản, lùi lại hoặc chuyển hướng. Vướng mắc lớn nhất vẫn là các quy định về an toàn và khí thải; tiếp đến là mạng lưới phân phối sản phẩm.

 

Để thực hiện tham vọng chinh phục Mỹ và châu Âu, Chery đang phải đẩy mạnh dự án hợp tác với Chrysler, công ty Trung Hưng quyết định “đi đường vòng” - sản xuất xe tại Mexico để làm bước đệm tiến sang Mỹ, còn Nam Kinh tập trung khôi phục thương hiệu MG “vang bóng một thời” của Anh… Có lẽ con đường vào Mỹ và châu Âu của các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc vẫn còn xa.

 

8. Aston Martin và Chrysler bị đem bán

 

Đây là 2 tên tuổi lớn trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô thế giới nên chủ sở hữu - Ford và DaimlerChrysler - đều không muốn phải rao bán, nhưng dưới áp lực chi phí, đó là lựa chọn sáng suốt nhất.

 

10 sự kiện ôtô-xe máy nổi bật năm 2007 - 6

Từ trái sang: Tom LaSorda, Chủ tịch Chrysler; John W. Snow, Chủ tịch Cerberus; và Dieter Zetsche, Chủ tịch DaimlerChrysler sau buổi ký kết thoả thuận chuyển nhượng Chrysler.

 

Ford quyết định bán Aston Martin, với giá 848 triệu USD cho 92% cổ phần, không phải do mác xe thể thao gốc Anh quốc này làm ăn “bết bát”, mà ngược lại, Aston đang trong giai đoạn làm nên ăn ra. Vấn đề là Ford cần nhiều tiền cho dự án tái cơ cấu, trong khi tài sản giá trị nhất của Tập đoàn khi đó chính là Aston Martin. Chủ sở hữu mới của Aston là nhóm các nhà đầu tư, gồm cựu tay đua David Richards, nhà sưu tập ô tô John Sinders cùng hai công ty đầu tư Dar và Adeem của Cô-oét. Sau Aston Martin, đến lượt Land Rover và Jaguar cũng bị Ford quyết định “sa thải”, kết quả chuyển nhượng sẽ được thông báo trong thời gian tới.

 

Trong khi đó, tập đoàn DaimlerChrysler không còn đủ khả năng tài chính để gánh những thua lỗ chồng chất của Chrysler. Sau một thời gian cân nhắc và đàm phán, cuối cùng Chrysler đã bị bán cho công ty quản lý quỹ tư nhân Cerberus với giá 7,4 tỷ USD, tương đương 80,1% cổ phần. Với chủ mới, Chrysler đã có hàng loạt thay đổi lớn trong ban lãnh đạo nhưng hiện vẫn chưa ra khỏi khó khăn.

 

9. Cuộc chạy đua công nghệ và giá cả

 

Năm 2007 chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt mẫu xe ứng dụng các công nghệ sạch và tiết kiệm nhiên liệu tiên tiến. Trong đó, đáng chú ý nhất là công nghệ diesel sạch Bluetec của Mercedes, và công nghệ hybrid của Toyota. Bên cạnh đó là cuộc chạy đua trong lĩnh vực phát triển ứng dụng nhiên liệu Bioethanol vàBiodiesel chiết xuất từ thực vật, hay công nghệ pin nhiên liệu.

 

10 sự kiện ôtô-xe máy nổi bật năm 2007 - 7
 

Hầu hết triển lãm lớn của ngành công nghiệp ô tô thế giới trong năm 2007 là dịp để các nhà sản xuất ô tô, từ lớn đến nhỏ, từ Âu sang Á, trình diễn các mẫu xe thân thiện với môi trường.

 

Trong khi đó, khốc liệt không kém là cuộc chiến giá cả. Hiện tại, công ty Tata của Ấn Độ đang dẫn trước với một mẫu xe được cam kết là có giá 2.500 USD. Đây không chỉ là cuộc chạy đua giữa các nhà sản xuất nhỏ, mà ngay cả những “ông lớn” như Toyota, GM, Volkswagen, GM… cũng đang chạy nước rút.

 

10. Năm thứ 14 Nissan giành giải “Động cơ tốt nhất”

 

Đây là năm thứ 14 liên tiếp động cơ VQ nổi tiếng của Nissan vinh dự nhận giải “Động cơ tốt nhất” cho năm tiếp theo, do tạp chí uy tín Ward’s Auto của Mỹ bình chọn. Đây cũng là động cơ duy nhất năm nào cũng có mặt trong danh sách của Ward kể từ khi giải thưởng danh giá này được khởi động vào năm 1994.

 

10 sự kiện ôtô-xe máy nổi bật năm 2007 - 8
 

Kiểu thiết kế động cơ VQ xuất hiện trên các xe Infiniti FX35, Nissan Murano đã có mặt tại Việt Nam. Năm 2007, thế hệ thứ 4 của động cơ VQ 3.5 có công suất cực đại lên tới 306 mã lực và mô-men xoắn đạt 268 lb/ft.

 

Thu Lan