5 vấn đề nổi cộm của ngành y tế năm 2007
(Dân trí) - Thành công của ca ghép gan cho người lớn đã không đủ sức để làm cho bức tranh ngành y tế 2007 sáng hơn. Suốt trong năm qua là hàng loạt các sự kiện đáng nhớ với sức lan toả và ảnh hưởng sâu rộng tới sức khỏe của người dân.
1. Bùng phát dịch tiêu chảy cấp dạng tả
Điều không ai có thể ngờ rằng một căn bệnh thường chỉ xuất hiện tại những khu vực nghèo nàn, lạc hậu lại khởi phát ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội.
chỉ trong một thời gian ngắn, dịch đã lan ra 13 tỉnh miền Bắc với gần 2.000 người nhiễm bệnh, trong đó 295 ca dương tính với khuẩn phẩy tả.
23/10/2007 tại quận Thanh Trì, Hà Nội,Hơn thế, nó được đánh giá là phức tạp nhất từ trước tới nay khi nguồn nước nhanh chóng bị nhiễm khuẩn. Phản ứng trước tình huống khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan tràn: Bộ Y tế đã ban hành quyết định cấm mắm tôm vì nghi ngờ thực phẩm này chính là nguồn khởi phát dịch. Việc ăn chín uống sôi cũng được khuyến cáo, tuyên truyền triệt để đến từng ngõ xóm. Các vùng có dịch được đặt trong tình trạng "báo động đỏ".
Sau 40 ngày nỗ lực, bệnh dịch đã được khống chế và dập tắt, mắm tôm được “minh oan” và được “tái xuất”.
Dù vậy, bài học cho thói quen ăn uống mất vệ sinh của người dân, cũng như sự lỏng lẻo của cơ quan chức năng trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cũng vẫn còn nóng hổi.
Nguy cơ tái phát dịch vẫn lơ lửng trên đầu. Cùng với đó, dịch tiêu chảy cấp, dịch lợn tai xanh, dịch cúm gia cầm H5N1, H7N3… tiếp tục là mối đe dọa đối với sức khỏe người dân trong năm tới.
2. Hàng loạt tai biến do tiêm ngừa
| |
20.000 liều vắc xin nội đã được tăng cường để thay thế cho vắc xin viêm gan B của Hàn Quốc khi chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân tai biến. |
Năm 2007 chứng kiến những biến cố chưa từng có trong lịch sử 22 năm tiêm chủng. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ (23/4- 7/5) đã xảy ra 4 vụ tai biến do tiêm vắc xin viêm gan B của hãng LG Hàn Quốc trong đó, hai bé sơ sinh tại Hà Tĩnh đã tử vong.
Trước sự cố trầm trọng chưa từng thấy này, không chỉ ngành Y tế Việt Nam mà cả tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng phải quyết định tạm ngừng sử dụng 2 lô vắc xin viêm gan B liên quan trên quy mô toàn cầu.
Nguyên nhân cuối cùng được xác định: "Không liên quan đến vắc xin" nhưng kết luận đó dường như chưa đủ để trấn an dư luận và dư âm của nó chắc chắn sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa.
Cũng liên quan tới vắc xin, sau hàng loạt những trường hợp tai biến nặng do vắc xin ngừa dại Fuenzalida, các cơ quan quản lý vẫn đang vô cùng lúng túng trong việc ngừng hay tiếp tục sử dụng loại vắc xin này. Nguyên do là tình trạng khan hiếm và giá thành quá cao của vắc xin phòng dại Verorab. Cho đến nay, giải pháp toàn diện cho vấn đề này vẫn chưa thể ngã ngũ.
3. Phát hiện nước tương “đen”
| |
Thu hồi và tiêu huỷ hàng trăm ngàn chai nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt quá mức cho phép. |
Liên tiếp trong các năm 2001 - 2006, các mẫu nước tương được xét nghiệm đa số đều có hàm lượng 3-MCPD vượt quá giới hạn cho phép tới hàng nghìn lần. Nhưng điều khiến người dân “ngỡ ngàng”, bất bình chính là việc Sở Y tế TPHCM đã “ém nhẹm” vụ việc này suốt 6 năm trời. Không chỉ chậm công bố, mà việc thu hồi, tiêu huỷ, xử lý các vi phạm sau này dường như cũng chỉ làm lấy lệ.
Trước phản ứng quyết liệt từ công luận, ngành y tế đã buộc phải cách chức đối với ông Nguyễn Đức An - Chánh thanh tra Sở Y tế TP; điều chuyển công tác đối với ông Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM; khiển trách đối với ông Nguyễn Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM.
Nhưng người dân không chờ đợi những điều đó sau 6 năm. Cái mà họ quan tâm là các cơ quan bảo vệ sức khoẻ người dân cần thực hiện đúng trách nhiệm của mình!
4. Vỡ quỹ bảo hiểm y tế
Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đã vỡ nhanh quá mức tưởng tượng. Chỉ trong vòng một năm kể từ ngày sửa đổi điều lệ BHYT (tháng 6/2006), đến giữa năm 2007, quỹ BHYT đã tiêu hết sạch 2.800 tỉ đồng kết dư trong gần 10 năm.
Một trong những nguyên nhân gây vỡ quỹ là do phương thức thanh toán BHYT và quản lý chi tiêu thiếu khoa học, tạo nhiều kẽ hở trục lợi cho không ít cá nhân và tập thể cán bộ y tế địa phương.
Nhằm duy trì hoạt động của BHYT, một số biện pháp liên quan tới nguồn kinh phí đã được Chính phủ đưa ra. Bộ Y tế đã sửa đổi một số điểm bất cập về BHYT tự nguyện.
Ngày 10/12, Thông tư mới hướng dẫn mua BHYT tự nguyện bắt đầu có hiệu lực. Trong đó đáng chú ý nhất là việc bãi bỏ các quy định 100% thành viên hộ gia đình, 10% số hộ gia đình trong xã, phường, thị trấn và 10% số HS, SV của nhà trường phải tham gia.
5. Kinh hoàng tái chế rác thải y tế
| |
Rác y tế được tập kết, phân loại, xử lý để làm nguyên liệu sản xuất các đồ dùng gia đình, thậm chí là cả thìa dĩa.. |
Sau vụ việc hàng trăm tấn rác thải y tế của Bệnh viện Việt Đức bị tẩu tán, một loạt các bệnh viện lớn của Hà Nội như: Bệnh viện K, Phụ sản TƯ, Phụ sản Hà Nội, Bạch Mai, Xanh Pôn, Thanh Nhàn và Đống Đa… đều "được" Cục cảnh sát môi trường “hỏi thăm”. Kết quả là hàng loạt sai phạm liên quan đến rác thải tại các bệnh viện này đã bị phát hiện.
Không dừng ở đó, sự thật kinh hoàng về các sản phẩm nhựa tái chế được phơi bày khiến người dân càng thêm hoang mang, lo ngại về sức khoẻ của mình và người thân.
Nhiều cuộc thảo luận, kiểm tra liên quan đến vấn đề quản lý và tái chế rác thải y tế đã diễn ra. Cuối 8/2007, Bộ Y tế đã ra công văn nghiêm cấm mua bán chất thải y tế nguy hại.
Nhóm phóng viên Sức khoẻ