Những sự kiện kinh tế nổi bật năm 2007
(Dân trí) - Năm 2007 - năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO - đã khép lại với nhiều sự kiện kinh tế quan trọng của cả nước. Bình chọn của Dân trí về những sự kiện nổi bật nhất trong năm.
1/ Một năm Việt Nam gia nhập WTO
Sau một năm Việt Nam gia nhập WTO, tăng trưởng GDP của cả nước đã đạt 8,5% là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Tổng GDP tính theo giá hiện hành đạt 1.144 nghìn tỉ đồng, tương đương 71,3 tỉ USD (bình quân đầu người đạt 13,4 triệu đồng - tương đương 835 USD).
Điều dễ dàng nhận ra là số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng lên con số kỉ lục: 20,3 tỉ USD với 1.500 dự án (tăng 68,8% so với năm 2006, chiếm tới 25% số vốn trong 20 năm qua).
Năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước cao hơn tốc độ tăng chung, chứng tỏ lĩnh vực này đã tận dụng được cơ hội do vị thế mới của thành viên WTO. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2007 đạt 48,38 tỉ USD, với tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đạt khoảng 568 USD, cao nhất từ trước tới nay.
2/ Quốc hội thông qua Luật thế thu nhập cá nhân
Sáng 20/11, với 390/466 phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự thảo luật Thuế Thu nhập cá nhân. Sau nhiều tranh luận, mức khởi điểm phải tính thuế đã được “chốt” là 4 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập để tính thuế còn được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản giảm trừ gia cảnh.
Các khoản thu nhập từ kiều hối sẽ không thuộc diện phải chịu thuế bên cạnh đó mức thuế suất từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán là 20%. Luật sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2009.
3/ Chỉ số giá tiêu dùng cao nhất trong 10 năm
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 đã tăng tới 2,91% so với tháng 11. Tính chung cho 12 tháng trong năm 2007, mức tăng của CPI đã lên đến hai con số (tăng 12,63%) nhưng theo cách tính chỉ số giá bình quân mới, CPI năm nay chỉ tăng 8,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng (xăng tăng 1.700đ/lít, dầu tăng 2.500đ/kg) vào ngày 22/11 được xem là “cú hích” lớn đẩy giá nhiều mặt hàng và dịch vụ tăng cao, kéo chỉ số CPI tăng vọt, vượt ra ngoài dự đoán của các nhà hoạch định chính sách.
Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát năm 2007 lên tới 2 con số phần nhiều là do một lượng lớn ngoại tệ “đổ” vào Việt Nam, trong khi khả năng “hấp thụ” của chúng ta còn kém.
4/ Thị trường niêm yết có nhiều “đợt sóng” nhất
Năm 2007 đánh dấu những biến động lớn chưa từng có của thị trường niêm yết, đặc biệt là tại sàn chứng khoán TPHCM. Tính từ phiên giao dịch đầu tiên của năm 2007 (ngày 2/1) đến nay, chứng khoán đã liên tục trải qua những biến động hình sin.
Từ tháng 1-3/2007, Vn-Index liên tục tăng nóng và đạt đỉnh kỷ lục 1.170,67 điểm (phiên giao dịch ngày 12/3). Sau đó, thị trường liên tục điều chỉnh trong bốn tháng liền, xuống mức đáy 883,90 điểm vào ngày 6/8.
Cuối tháng 8, chứng khoán phục hồi rồi lại tiếp tục 2 tháng ảm đạm do không được hỗ trợ bởi các thông tin tốt. Trong những phiên giao dịch cuối cùng của năm, do “cái bóng” Vietcombank qua lớn khiến tâm lý nhà đầu tư dao động, Vn-Index lại đối diện với nguy cơ “thủng đáy” 900 điểm.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, thị trường vẫn đang tăng trưởng đều đặn, với tổng mức vốn hoá hiện đạt 39,4% GDP.
5/ Việt Nam tụt hạng cạnh tranh
Sự xuất hiện của 4 nước mới đã đẩy thứ hạng của Việt Nam xuống 4 bậc, từ 64 xuống 68 trên bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2007-2008 mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới công bố.
Bốn nước mới được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa vào bảng xếp hạng lần này là Ảrập Saudi xếp thứ 35, Puerto Rico xếp hạng 36, Oman xếp hạng 42 và quốc gia vùng Tiểu Á Uzbekistan đứng ở vị trí thứ 62.
Tuy nhiên, WEF cũng đưa ra một thông tin: Nếu loại bỏ những “lính mới”và chỉ xét danh sách những “cựu binh” từ năm ngoái, thì vị trí xếp hạng của Việt Nam ổn định ở số 64.
6/ Hé lộ vụ nước tương có chất 3-MCPD
Ngay từ năm 2001, chất gây ung thư 3-MCPD được phát hiện có trong nước tương nhưng thông tin này không được công khai. Mãi đến giữa năm 2007, thông tin 3-MCPD có trong nước tương của một số cơ sở sản xuất mới được công bố.
Sau đó, Sở Y tế TPHCM đã công bố quyết định cách chức Chánh thanh tra Sở Y tế đối với bác sĩ Nguyễn Đức An và kỷ luật (mức khiển trách) đối với TS. Lê Trường Giang (Phó giám đốc Sở Y tế), cả hai đều có liên đới trách nhiệm việc công bố nước tương có hàm lượng chất 3-MCPD vượt mức quy định (1mg/kg).
Điều đáng nói ở đây là từ năm 2001 đến năm 2006, ngành y tế đã liên tục phát hiện chất 3-MCPD vượt tiêu chuẩn có trong nước tương, nhưng lại không công bố rõ rằng, dù cho cách đây hai năm Bộ Y tế đã có quyết định số 11 về việc qui định hàm lượng chất 3-MCPD trong nước tương, xì dầu, dầu hào không được quá 1mg/kg.
Đặc biệt là sao 6 năm “ém nhẹm” thông tin, chất 3-MCPD vượt tiêu chuẩn trong nước tương mới đến được với người tiêu dùng sau khi có thông tin về nước tương Chinsu tại Bỉ bị Ủy ban An toàn thực phẩm Liên minh châu Âu (UBATTPLMCA) cho là có chất 3-MCPD.
Do đó, bưng bít thông tin không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng trong nước, nhìn xa hơn, nó còn đe doạ tới sự cạnh tranh về thương hiệu khi Việt Nam đã gia nhập nền kinh tế thế giới.
Nguyễn Hiền