Dừng tổ chức xe đưa đón cán bộ đi làm với quãng đường hơn 160km

Doãn Công

(Dân trí) - Sau khi sáp nhập tỉnh, nhiều cán bộ ở Pleiku xuống Quy Nhơn làm việc phải di chuyển quãng đường hơn 160km.

Ngày 23/7, Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai đã có thông báo về việc dừng tổ chức các chuyến xe cố định đưa, đón cán bộ tỉnh từ Pleiku xuống Quy Nhơn làm việc.

Theo thông báo của Sở Xây dựng, sau khi sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định thành tỉnh Gia Lai, lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo bố trí phương tiện đưa đón cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại các cơ quan cấp tỉnh từ Pleiku xuống Quy Nhơn làm việc.

Dừng tổ chức xe đưa đón cán bộ đi làm với quãng đường hơn 160km - 1

Xe đưa đón cán bộ tỉnh Gia Lai từ Pleiku đi Quy Nhơn làm việc sau khi sáp nhập tỉnh (Ảnh: Vĩnh Yên).

Từ đầu tháng 7 tới nay, Sở Xây dựng đã phối hợp các đơn vị vận tải tổ chức 2 đợt với 41 phương tiện, vận chuyển 943 lượt người từ Pleiku đi Quy Nhơn và ngược lại.

Tổng kinh phí của hoạt động này là 237 triệu đồng, do Sở Xây dựng thực hiện xã hội hóa từ các đơn vị vận tải, đào tạo lái xe trong ngành.

Nhìn chung công tác bố trí phương tiện đảm bảo thuận lợi, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, cũng có một số cơ quan đăng ký nhu cầu số lượng công chức đi lại chưa sát thực tế, có trường hợp đăng ký chậm, đăng ký nhầm khung giờ đi hoặc đăng ký nhưng không đi, gây tốn kém, lãng phí và khó bố trí xe.

Trước đó, ngày 22/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã thông qua nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ công chức bị tác động bởi việc sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có hỗ trợ kinh phí đi lại 2 triệu đồng/người/tháng.

Do đó, Sở Xây dựng thông báo dừng phương án tổ chức các chuyến xe đưa, đón cố định như thời gian qua. Cán bộ, công chức tự lựa chọn đơn vị vận tải, khung giờ, phương thức đi lại phù hợp với nhu cầu công tác, sinh hoạt như xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe cá nhân.

Để đảm bảo nhu cầu di chuyển không bị gián đoạn, Sở Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị vận tải tăng cường phương tiện và cung cấp danh sách liên hệ. Dự kiến, trong tháng 8 sẽ có thêm hai doanh nghiệp lớn tham gia khai thác tuyến Pleiku đi Quy Nhơn.

Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ đi lại này được kỳ vọng sẽ nâng cao tính chủ động cho cán bộ, đồng thời giảm thiểu áp lực cho cơ quan quản lý.