Bộ Nội vụ áp KPI cho cán bộ, công chức với tinh thần "có vào, có ra"
(Dân trí) - 6 tháng cuối năm 2025, Bộ Nội vụ sẽ dùng KPI đánh giá, đo lường, phân loại với cán bộ, công chức của các đơn vị thuộc, trực thuộc của Bộ theo nguyên tắc "có vào, có ra, có lên, có xuống".
Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc tại Hội nghị giao ban đánh giá kết quả công tác tháng 6, 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của Bộ Nội vụ, chiều 8/7.
Dùng KPI đánh giá với cán bộ, công chức
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khái quát, sẽ có nhiều điểm mới trong triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ.
Từ Kết luận của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Chính phủ, kế hoạch của Ban Chỉ đạo, những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm của Bộ, Bộ sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thuộc, trực thuộc.
Bên cạnh đó, những nhiệm vụ mới được các cấp có thẩm quyền giao sẽ được bổ sung để làm căn cứ đánh giá, xếp loại cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc, với người đứng đầu, cấp phó.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Hải Long).
Từ những đầu việc được Bộ trưởng giao, người đứng đầu các đơn vị chia nhỏ các nhiệm vụ thường xuyên, giao đến từng cán bộ, công chức, người lao động.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đang tham mưu triển khai những vấn đề lớn trong tổ chức thực hiện Luật Cán bộ, công chức, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức theo nguyên tắc “có vào, có ra, có lên, có xuống”.
Trên cơ sở tham mưu, báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới, Bộ Nội vụ chủ động thực hiện việc đánh giá KPI hàng tháng, hàng quý, 6 tháng cuối năm và cả năm 2025. Sau khi được Bộ Chính trị cho ý kiến, việc đánh giá này sẽ áp dụng cho cán bộ, công chức trên toàn quốc.
“6 tháng cuối năm sẽ dùng KPI đánh giá, đo lường, phân loại đối với cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ để đảm bảo tinh thần “có vào, có ra”, đồng thời sàng lọc đội ngũ theo tinh thần chỉ đạo chung”, Bộ trưởng thông tin điểm mới trong đánh giá cán bộ.
Tái cấu trúc bộ máy
Báo cáo tại hội nghị, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Xuân Hân cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngành Nội vụ đã tập trung thực hiện chủ trương “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”, lấy công tác tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy làm trọng tâm.
Bộ đã chủ trì tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết xác định cơ cấu Chính phủ khóa XV, qua đó tinh giản còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan thuộc Chính phủ.
Bên trong các bộ, ngành, đã xóa 13/13 tổng cục; cắt 509 cục, 232 vụ, 3.377 chi cục và 205 đơn vị sự nghiệp. Tổng cộng, khoảng 22.300 biên chế đã được rút giảm ở khối Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội nghị (Ảnh: Hải Long).
Ở cấp địa phương, từ ngày 1/7, khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động, cả nước còn 34 tỉnh, thành; 3.321 đơn vị hành chính cấp xã.
Để bảo đảm việc chuyển đổi bộ máy diễn ra suôn sẻ, theo ông Hân, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 178 và Nghị định 67 quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khi sắp xếp tổ chức bộ máy. Song song, Bộ ban hành Thông tư 01 và Thông tư 02 hướng dẫn chi tiết thực hiện.
Bộ cũng soạn “Cẩm nang chính quyền địa phương cấp xã” để cán bộ cơ sở triển khai nhiệm vụ ngay từ 1/7. Đồng thời, hàng ngày theo dõi, tổng hợp vướng mắc về biên chế, tài sản, trụ sở dôi dư - riêng 52 địa phương sắp xếp đã thống kê 4.226 trụ sở dôi dư để xử lý.
Nhìn chung, sau nửa năm, chương trình tinh giản biên chế và tái cấu trúc bộ máy đã đạt bước tiến lớn như: Bộ máy Trung ương giảm chiều sâu, địa phương chuyển hẳn sang mô hình 2 cấp, hàng chục nghìn cán bộ được giải quyết chế độ kịp thời.
Tăng tốc bứt phá
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Chánh Văn phòng Bộ thông tin, Bộ Nội vụ xác định phương châm “tăng tốc bứt phá”, coi hoàn thiện thể chế và bảo đảm nguồn lực là đòn bẩy để cán đích chương trình tinh giản biên chế, sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp.
Theo kế hoạch chung, Bộ sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết Trung ương bằng việc trình Chính phủ ban hành 27 nghị định và 17 thông tư, tập trung vào cơ cấu tổ chức cấp bộ, vị trí việc làm, quản lý biên chế, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách đối với cán bộ dôi dư.
Song song, các đơn vị thuộc Bộ phải hoàn thành 231 nhiệm vụ được giao trong danh mục theo dõi, bảo đảm tiến độ trước ngày 31/12.

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Xuân Hân (Ảnh: Hải Long).
Về việc chi trả chế độ cho cán bộ dôi dư trong quá trình sắp xếp, Bộ tiếp tục giám sát thực thi Nghị định 178/2024 và Nghị định 67. Mục tiêu 6 tháng cuối năm là hoàn tất chi trả cho 100% đối tượng đủ điều kiện, bảo đảm công khai, minh bạch.
Trọng tâm cải cách hành chính tiếp tục là rà soát, cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo ông Hân, Bộ sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức và đối khớp 100% hồ sơ với cơ sở dữ liệu dân cư trước cuối năm; dữ liệu này làm căn cứ tự động hóa quy trình tinh giản, nâng ngạch và bố trí lại nhân sự sau sáp nhập.
Với lộ trình trên, Bộ Nội vụ đặt mục tiêu đến hết năm 2025 hoàn tất khung pháp lý, giải quyết dứt điểm chế độ đối với cán bộ dôi dư, đưa bộ máy 2 cấp vận hành ổn định, hướng tới nền hành chính tinh gọn, hiện đại, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.