DNews

Giới trẻ Hàn Quốc "ngập" trong nợ nần vì cố mua hàng hiệu

Nghi Phương

(Dân trí) - Vì ham muốn thể hiện hình ảnh sang chảnh qua các món đồ xa xỉ, nhiều người trẻ Hàn Quốc ngày càng "nợ ngập đầu".

Giới trẻ Hàn Quốc "ngập" trong nợ nần vì cố mua hàng hiệu

Cả nam giới và nữ giới ở Hàn Quốc đều có vẻ ngoài thu hút nhờ gương mặt được trang điểm cầu kỳ, mái tóc tạo kiểu và những bộ trang phục đắt đỏ, được "trang trí" bằng các loại phụ kiện hàng hiệu.

Những thanh niên ở độ tuổi 20 chuộng những món đồ của Chanel, Prada, Louis Vuitton và Dior. Điều này đặt ra câu hỏi: Người trẻ ở Hàn Quốc đã làm gì để có thể chi trả được thú chơi hàng hiệu?

Các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley giải thích, nhu cầu về hàng xa xỉ của người mua Hàn Quốc được thúc đẩy bởi sức mua tăng cũng như mong muốn thể hiện địa vị xã hội.

Theo CNBC, người Hàn Quốc là những người chi tiêu nhiều nhất thế giới cho hàng hóa xa xỉ cá nhân tính theo đầu người.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley ước tính, tổng chi tiêu của Hàn Quốc cho hàng hóa xa xỉ cá nhân tăng 24% vào năm 2022 - lên 16,8 tỷ USD, tương đương khoảng 325 USD/người (hơn 8 triệu đồng/người). Con số này cao hơn nhiều so với mức chi tiêu bình quân đầu người lần lượt là 55 USD (1,3 triệu đồng) và 280 USD (6,9 triệu đồng) của công dân Trung Quốc và Mỹ.

Giới trẻ Hàn Quốc ngập trong nợ nần vì cố mua hàng hiệu - 1

Tại Hàn Quốc, hình ảnh là tất cả và khoe khoang sự giàu có là một đức tính tốt chứ không phải thói xấu (Ảnh: SCMP).

Mua hàng xa xỉ bất chấp, không ngại vay "tín dụng đen"

Các xu hướng bắt đầu gây chú ý nhanh chóng ở Hàn Quốc. Một khi được người nổi tiếng sử dụng, người tiêu dùng Hàn Quốc sẽ dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để có thể sở hữu món đồ tương tự.

Jungkook - thành viên nhóm BTS - là ví dụ hoàn hảo cho điều này. Là thành viên của nhóm nhạc nam Hàn Quốc nổi tiếng, anh đã khiến nhiều sản phẩm được bán hết chỉ bằng cách sử dụng chúng.

Điều này được gọi là "hiệu ứng Jungkook". Người hâm mộ mua hết mọi sản phẩm mà thần tượng sử dụng, từ bột giặt, bàn chải đánh răng cho đến dây chuyền và quần áo. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra với các thần tượng và diễn viên khác khi người hâm mộ cố gắng bắt chước ngôi sao yêu thích của họ.

Gần đây, những người nổi tiếng xứ kim chi còn trở thành đại sứ thương hiệu cho các hãng hàng xa xỉ, khuyến khích người Hàn đầu tư vào sản phẩm của họ. Rosé - thành viên nhóm Blackpink - trở thành đại sứ toàn cầu cho hãng trang sức Tiffany & Co. vào năm 2021. Sau công bố này, Tiffany & Co. đã tăng gấp đôi doanh số bán hàng của dòng HardWear - bộ sưu tập trang sức mới mà Rosé là gương mặt đại diện.

Sở thích về sự sang trọng khiến nhiều người lầm tưởng rằng, mọi thanh niên Hàn Quốc đều kiếm được mức lương khổng lồ và sống cuộc sống xa hoa. Tuy nhiên, điều này không phải là sự thật. Nhiều thanh niên xứ kim chi thực tế vẫn đang vật lộn để tìm việc làm và nhà ở.

Ngay cả khi gặp khó khăn về kinh tế, giới trẻ Hàn Quốc vẫn sẽ chi phần lớn thu nhập của mình cho các mặt hàng xa xỉ, đi du lịch và ăn uống tại nhà hàng sang trọng. Vì nhận thức về sự giàu có như vậy, không ít người sẵn sàng chi số tiền họ không có cho những món đồ hàng hiệu chỉ để... giữ gìn hình ảnh.

Giới trẻ Hàn Quốc ngập trong nợ nần vì cố mua hàng hiệu - 2

Các chuyên gia cho rằng, nỗi ám ảnh của người trẻ Hàn Quốc đối với các thương hiệu xa xỉ bắt nguồn từ áp lực đồng trang lứa (Ảnh: Vogue Business).

Hiện tượng này còn lan rộng đến mức một số thanh niên Hàn Quốc phải vay tiền để mua hàng hiệu. Các ngân hàng Hàn Quốc gây khó khăn cho việc vay vốn lớn nếu không có đủ tài sản thế chấp hoặc bằng chứng thanh toán.

Vì khó khăn đó, nhiều người Hàn Quốc muốn vay tiền phải nhờ đến những tổ chức cho vay không có giấy phép. Những đơn vị này tính lãi suất "cắt cổ" cho các khoản vay (từ 39% trở lên). Nếu người vay không có khả năng trả nợ, những kẻ cho vay nặng lãi sẽ đe dọa bạo lực thể xác, hoặc thậm chí ép người vay nữ làm gái mại dâm để trả nợ.

Xu hướng vay tiền lãi suất cao góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nợ hiện nay của giới trẻ xứ kim chi. Lãi suất cao và tình trạng thất nghiệp gia tăng ở giới trẻ Hàn Quốc khiến nhiều người trong số họ không thể trả được các khoản vay trong suốt cuộc đời. Điều này trở thành yếu tố rủi ro lớn đối với nền kinh tế Hàn Quốc.

Chính phủ bắt đầu đưa ra một số chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng cho giới trẻ và hạn chế tác động của các khoản vay "phi ngân hàng". Nếu người Hàn Quốc không hạn chế việc vay mượn và mua những hàng hóa không cần thiết thì các chính sách này khó có thể được giảm nhẹ.

Gồng mình gánh nợ vì sợ... mất hình ảnh

Nghiên cứu năm 2010 của McKinsey & Company vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay khi ví Hàn Quốc là một trong những nền văn hóa "thân thiện với sự sang trọng".

Được thực hiện trong thời điểm thị trường hàng xa xỉ của đất nước này phát triển nhanh thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, nghiên cứu đưa ra hai lý do đằng sau nhu cầu mua hàng mạnh mẽ của giới trẻ Hàn Quốc. Đó là tình yêu tuyệt đối với các sản phẩm xa xỉ và áp lực to lớn để theo kịp bạn bè đồng trang lứa.

Chỉ 22% người Hàn Quốc được hỏi tin rằng "khoe hàng xa xỉ là không cần thiết", trái ngược với 45% người Nhật Bản và 38% ở Trung Quốc.

Chỉ 5% người Hàn Quốc cảm thấy "mua hàng xa xỉ là lãng phí tiền bạc", trong khi gần 70% người cảm thấy thích thú với "giá trị hoặc cảm xúc khi mặc đồ xa xỉ".

Nghiên cứu cũng cho thấy, thanh niên Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 là nhóm mục tiêu mới nổi của các thương hiệu xa xỉ, vì họ mong muốn thể hiện bản thân hơn qua cách ăn mặc.

Giới trẻ Hàn Quốc ngập trong nợ nần vì cố mua hàng hiệu - 3

Trong xã hội đầy áp lực tại Hàn Quốc, nhiều thanh niên coi việc mua sắm là hình thức xả căng thẳng hữu hiệu nhất. Họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để có được những món đồ xa xỉ mà mình yêu thích (Ảnh: Reuters).

Ngày nay, nhiều nghiên cứu cho thấy, những người yêu thích đồ xa xỉ phần lớn là Gen Z (những người sinh năm 1997-2012). Theo Inquirer, Gen Z có xu hướng "vung" tiền vào các món đồ xa xỉ để thỏa mãn cảm xúc ngay lập tức. Đối với họ, tiết kiệm tiền cho những món đồ đắt tiền như nhà hoặc ô tô chẳng có ý nghĩa gì.

Ngay cả thanh thiếu niên đang đi học cũng cảm thấy áp lực khi phải mang những món đồ từ thương hiệu nổi tiếng. Một cuộc thăm dò năm 2020 với 783 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông cho thấy, 56,4% trong số họ đã mua hàng hiệu.

Các chuyên gia cho rằng, điều này là do hiệu ứng lan truyền của mạng xã hội. Ngoài ra, người trẻ Hàn luôn muốn chạy theo xu hướng và bắt chước phong cách của những ngôi sao nổi tiếng.

Nếu không mua được thì chọn thuê

Công ty Reebonz Korea thu phí thành viên 60 USD (hơn 1,4 triệu đồng) mỗi tháng để khách hàng thuê hàng xa xỉ. Theo đó, quy định thuê mỗi lần chỉ được lấy một món đồ. Tuy nhiên, một số mặt hàng sẽ phải trả thêm phí.

Túi Chanel đặc biệt phổ biến ở Hàn Quốc. Các thành viên có thể thuê túi với giá 15 USD (371.000 đồng) mỗi ngày, bất kể kích cỡ hay kiểu dáng của túi. Dịch vụ này tạo ra doanh thu hơn 14.800 USD (368,4 triệu đồng) mỗi tháng. Công ty này tuyên bố doanh thu hàng năm là 22,5 triệu USD trong năm 2016 và con số vẫn tiếp tục tăng lên.

Nhiều phụ nữ Hàn Quốc nhận thấy, dịch vụ này là giải pháp tốt, giá cả phải chăng để thay thế việc chi nhiều tiền cho những chiếc túi mới có khả năng lỗi mốt sau vài tháng mua. Đặc biệt, trong những dịp như đám cưới hay phỏng vấn xin việc, nhiều người sẽ lựa chọn dịch vụ để tạo ấn tượng tốt và đảm bảo vị thế xã hội của mình.

Việc chi hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng, cho những món đồ xa xỉ chỉ để chạy theo xu hướng có vẻ không cần thiết với một số người, nhưng giá trị xã hội và hình ảnh của bản thân khi sở hữu chúng là vô giá. Tại đất nước coi trọng vẻ ngoài như Hàn Quốc, nhu cầu duy trì hình tượng thành công và giàu có luôn được lan tỏa ở khắp mọi nơi.