Yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo khởi tố, điều tra việc trốn đóng BHXH
(Dân trí) - Quốc hội yêu cầu Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Chiều 24/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thu hút được sự quan tâm của nhân dân và cử tri cả nước.
Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, dân tộc, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề có liên quan, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng các bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các thành viên khác của Chính phủ báo cáo tại phiên chất vấn.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn.
Nhanh chóng đưa lao động trở lại thị trường
Về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, theo nghị quyết, triển khai hiệu quả chiến lược, quy hoạch về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đến năm 2025, nâng chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới.
Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 28% đến 30%; thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề đạt 45%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng số trình độ cơ bản đạt 80%.
Theo nghị quyết, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế và thực hiện tự chủ theo lộ trình, đẩy nhanh chuyển đổi số, áp dụng quản trị tiên tiến đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, hạn chế tình trạng sa thải lao động, nhanh chóng đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động, khắc phục những hạn chế của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu khẩn trương hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về lao động và việc làm, hướng tới quản trị thị trường lao động, việc làm hiện đại, linh hoạt, chủ động, đáp ứng yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp với quá trình phát triển kinh tế số.
Trong quý III, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng nguồn từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Theo dõi, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời diễn biến của nền kinh tế và thị trường lao động để chủ động có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động.
Giải quyết dứt điểm vướng mắc với chủ hộ kinh doanh
Theo nghị quyết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và các hành vi gian lận, trục lợi khác, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần; bảo đảm công tác quản lý, đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội an toàn, bền vững và hiệu quả.
Đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Trong năm 2023, Quốc hội yêu cầu chỉ đạo rà soát, thống kê đầy đủ, giải quyết dứt điểm vướng mắc đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, các trường hợp thu, chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Quốc hội yêu cầu Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các quy định của pháp luật có liên quan, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Về lĩnh vực giao thông vận tải, Quốc hội yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là các dự án trọng điểm.
Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện cơ chế đối tác công - tư, tạo hành lang pháp lý cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư cộng đồng và các nền tảng công nghệ số để huy động vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Với lĩnh vực dân tộc, Quốc hội yêu cầu, trong năm 2023, nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh lãng phí, tiêu cực; đôn đốc triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.