Những hành vi được xem là trốn đóng bảo hiểm xã hội

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Lần đầu tiên, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đề xuất bổ sung các điều khoản để xác định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc làm căn cứ để xử lý hình sự hành vi này.

Việc doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH khiến người lao động không được hưởng nhiều chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), muốn rút BHXH một lần không được, về già cũng không có lương hưu…

Cơ quan BHXH đã chuyển nhiều vụ việc doanh nghiệp nợ BHXH sang cơ quan công an điều tra, khởi tố hình sự nhưng chưa xử lý được vụ việc nào vì còn vướng mắc trong việc xác định hành vi trốn đóng BHXH.

Những hành vi được xem là trốn đóng bảo hiểm xã hội - 1

Doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH khiến người lao động không được hưởng nhiều chế độ như ốm đau, thai sản, bảo hiểm y tế… (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Để có căn cứ xử lý hình sự hành vi này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã bổ sung vào dự thảo luật BHXH quy định rõ hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc tại Điều 43. Theo đó, trốn đóng BHXH bắt buộc bao gồm 3 hành vi cụ thể.

Thứ nhất, người sử dụng lao động không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 luật này; tức là sau 5 ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động.

Thứ hai, người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 40 luật này mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng theo quy định.

Khoản 6 Điều 40 quy định thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động. Cụ thể là ngày thứ 10 của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng; ngày cuối cùng của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần; ngày cuối cùng của tháng thứ 4 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 6 tháng một lần; ngày cuối cùng của tháng thứ 7 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

Thứ ba, người sử dụng lao động đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định.

Luật BHXH hiện hành không quy định về trốn đóng BHXH bắt buộc mà chỉ nghiêm cấm hành vi này.

Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự. Mức xử lý cao nhất với hành vi trốn đóng BHXH là 7 năm tù. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có vụ trốn đóng BHXH nào bị xử lý hình sự vì quy định về hành vi chưa rõ ràng.

Các cơ quan quản lý lao động hy vọng sau khi bổ sung điều khoản mới trong luật BHXH sửa đổi, cơ quan điều tra có thể xử lý hình sự các hành vi trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp.

Góp ý về điều khoản này, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM đề nghị nghiên cứu chặt chẽ hơn quy định tại điều khoản này để làm căn cứ xử lý các hành vi nợ, chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Theo bà, hiện cơ quan tòa án rất lúng túng trong việc xử lý các vụ khiếu kiện liên quan đến BHXH vì luật pháp chưa rõ ràng.

Tại Điều 43 dự thảo luật, bà Ung Thị Xuân Hương góp ý, khoản 2 có quy định chậm đóng vài ngày đã xác định là trốn đóng BHXH thì không hợp lý, đây chỉ mới là hành vi chậm đóng. Có thể nghiên cứu quy định là sau 6 tháng nợ BHXH mà chưa đóng thì xác định là trốn đóng để có căn cứ thuyết phục hơn khi xử lý hình sự hành vi này.

Theo bà, nên quy định thêm là chậm đóng quá 6 tháng so với thời hạn quy định thì xác định là trốn đóng BHXH. Như vậy, quy định thời hạn sẽ rõ ràng, sau này dễ xử lý các vụ cụ thể.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, trong đó có nghiên cứu bổ sung quy định hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc tại Điều 43. Người lao động, người dân quan tâm đến chính sách này có thể đóng góp ý kiến TẠI ĐÂY.